Để duy trì mối quan hệ và giao tiếp hiệu quả, lời xin lỗi đóng vai trò vô cùng quan trọng. Việc nhận sai lầm và thể hiện sự thành tâm khi xin lỗi không chỉ giúp khắc phục những hậu quả đã gây, ra mà còn thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đến cảm xúc của người khác. Lời xin lỗi là cần thiết, tuy nhiên không ít người lại dùng lời xin lỗi như một thói quen, mà sau đó lại không có một hành động khắc phục hậu quả cụ thể nào.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân - Chuyên gia Tâm lý cho biết, khi lời xin lỗi trở thành câu cửa miệng, chúng ta chỉ nói lời xin lỗi nhưng không có bất kì biện pháp khắc phục hậu quả hay hành vi sai phạm của mình, lâu ngày điều này làm cho chúng ta mất đi sự tôn trọng từ mọi người xung quanh, đồng thời làm mất đi giá trị của chính bản thân. “Người biết nhìn nhận khuyết điểm, lỗi sai của bản thân và đưa ra lời xin lỗi chân thành khi có những sai phạm trong cuộc sống giúp cho mối quan hệ của họ và những người xung quanh ngày thêm gắn kết và bền chặt hơn. Bên cạnh việc đưa ra những lời xin lỗi, chúng ta cần cố gắng thay đổi, điều chỉnh lời nói của bản thân để lần sau không còn phạm vào những sai phạm cũ”, chuyên gia cho biết.