Việc tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp cho con trẻ là điều nhiều bậc phụ huynh vô cùng quan tâm. Trong đó việc tham gia ứng tuyển người mẫu nhí hay đào tạo MC nhí trên mạng xã hội, được xem là một trong những cách để con có cơ hội được cọ xát với thực tế. Nắm bắt được nhu cầu của các bậc phụ huynh, nhiều nhóm đối tượng xấu đã lợi dụng và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản lên đến vài trăm triệu đồng từ các nạn nhân.
Theo đó, các đối tượng xấu đã dùng những mánh khóe để mạo danh, mời gọi các nạn nhân đăng ký lớp đào tạo MC nhí cho con. Sau đó dụ dỗ các nạn nhân mua máy ảnh, máy quay từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Với kịch bản tinh vi khiến nạn nhân tin tưởng, chuyển khoản với các gói đào tạo giá ưu đãi từ đó chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Luật sư Bùi Trọng Hiển - Giám đốc Công ty luật Bùi Trọng Hiển cho biết, các tổ chức do những nhóm đối tượng xấu thành lập thường không có trụ sở rõ ràng. “Khi thực hiện các hoạt động giao dịch với các trung tâm, phải có hợp đồng rõ ràng về điều kiện các quyền, nghĩa vụ các bên và số tiền cần thanh toán theo từng đợt, tổng giá trị của gói đào tạo là bao nhiêu. Trong trường hợp có tranh chấp hợp đồng còn có cơ sở pháp lý để tòa án có thể giải quyết tranh chấp đó đối với việc đào tạo và giảng dạy của trung tâm đó”, luật sư chia sẻ.
Không những đưa ra lời giới thiệu đơn thuần mà các đối tượng xấu còn lợi dụng, giả danh nhiều thương hiệu lớn có tên tuổi, để tăng độ tin cậy từ đó thực hiện hành vi lừa đảo một cách dễ dàng hơn. Chính vì thể, trước khi đăng ký khóa học nào cho con, phụ huynh cần xác minh kỹ, để tránh việc đưa bản thân và con trẻ trở thành nạn nhân của kẻ xấu. Cần tỉnh táo trước những lời mời chào trên mạng xã hội, khi gặp vụ việc có dấu hiệu lừa đảo người dân cần liên hệ trình báo cơ quan công an để được giải quyết.