Hiện nay các vị trí lãnh đạo trong các doanh nghiệp đang dần được trẻ hóa, ngày càng nhiều người trẻ nắm giữ các vị trí quan trọng. Bởi họ có sự năng động, sáng tạo và không ngừng học hỏi làm mới các ý tưởng để thành công trong công việc. Nhiều người cho rằng người trẻ nên chưa nhiều kinh nghiệm, chưa đủ tầm để điều hành một nhóm hoặc tổ chức, đặc biệt đối với các nhân viên có thâm niên sẽ cảm thấy chưa thích nghi được với việc sếp là người trẻ.
Thực tế các tình huống khó xử xảy ra giữa lãnh đạo trẻ và nhân viên có thâm niên xuất phát từ khoảng cách giữa các thế hệ, đơn giản vì sự trải nghiệm kinh nghiệm và góc nhìn của cả hai sẽ có sự khác nhau dẫn đến việc chưa thống nhất được tiếng nói chung và dễ xảy ra các mâu thuẫn.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Giàu - Chuyên gia tâm lý cho biết: “Đối với một nhân viên với thâm niên trong nghề, qua nhiều năm họ vẫn có nhu cầu khẳng định giá trị của họ trong công việc, cũng như nhu cầu được công nhận năng lực từ những người sếp mới. Cho nên những người sếp trẻ, nếu như không hiểu được nhu cầu này và có khuynh hướng hạ thấp, không xem trọng giá trị và những đóng góp của người nhân viên với kinh nghiệm nhiều năm, chắc chắn mâu thuẫn và xung đột sẽ xảy ra”.
Vậy nên bên cạnh năng lực, thái độ và cách hành xử là yếu tố rất quan trọng mà một người quản lý, lãnh đạo trẻ cần phải chú ý. Đặc biệt là lắng nghe, dành sự tôn trọng với nhân viên, nhất là với nhân viên có thâm niên cao. Khi giữa các thế hệ trong một tập thể có được sự dung hòa, phối hợp tốt điều đó sẽ trở thành sự kết nối tuyệt vời khi có thể bù trừ cho nhau, tận dụng các điểm mạnh của nhau tạo nên các giá trị tốt đẹp cho công ty, doanh nghiệp. Vì vậy các nhà quản lý trẻ hãy phát triển song song giữa trí tuệ và kỹ năng để duy trì các mối quan hệ xung quanh, không ngừng trau dồi kiến thức và học hỏi vốn sống từ các thế hệ trước.