Đây là vụ việc chấn động Hollywood, khởi nguồn cho làn sóng #MeToo.
Khoảng 70 phụ nữ đệ đơn cáo buộc Weinstein về loạt hành vi quấy rối tình dục kéo dài trong hơn 1 thập niên. Từng là ‘ông lớn’ trong ngành công nghiệp phim ảnh Bắc Mỹ, Weinstein đã từ chối mọi lời tố cáo, biện minh rằng những mối quan hệ thể xác đều trên tinh thần tự nguyện. Nhà sản xuất, sau cùng, được tòa án tha bổng.
Trong buổi phỏng vấn mới đây cùng phóng viên Reuters, tại khuôn khổ LHP quốc tế Venice 2019, đạo diễn người Mỹ De Palma - một bậc thầy của dòng phim hành động tội phạm - chia sẻ quan điểm cá nhân về tội ác xâm hại ở kinh đô giải trí Hollywood, cũng như về cách ông đối diện những thay đổi không ngừng nơi thị trường điện ảnh.
Đạo diễn Brian De Palma tại LHP Venice 2019 (Ảnh: REUTERS)
Có ý kiến cho rằng ông muốn quay lại dòng phim kinh dị với một kịch bản mới xoay quanh vụ bê bối của Harvey Weinstein. Vì sao ông chọn chủ đề ấy?
- Nhiều năm làm việc trong và ngoài môi trường Hollywood khiến bạn dễ trông thấy đủ kiểu hành vi xâm hại phụ nữ. Và là một đạo diễn đã làm việc cùng vô số diễn viên nữ, tôi luôn cẩn trọng nhìn nhận cách họ được đối xử, phản ánh qua một tác phẩm. Tôi có biết một vài sự việc liên quan đến scandal Weinstein, và tôi nghĩ đây là câu chuyện đáng khai thác.
Tôi tạo ra một cốt truyện dựa trên những trường hợp có thật từng được báo New York Times đăng tải. Về cơ bản, tác phẩm mới là dự án tâm lý giật gân, xây dựng từ nền tảng sự kiện đã xảy ra trong quá khứ.
Ông có cho rằng làn sóng #MeToo là cần thiết để tạo ra sự thay đổi nhận thức?
- Với tôi và những đồng sự cùng thời, hành động xâm hại luôn là điều gây phẫn nộ. Là đạo diễn, bạn luôn phải trao đổi, cộng tác với diễn viên. Và bạn phải dành được lòng tin từ họ. Nếu bạn dụ dỗ hay tấn công họ, bạn không thể tìm thấy sự tin tưởng, giúp diễn viên tự tin làm việc. Đó là hành vi hoàn toàn điên rồ, và những ai làm điều đó, tôi cho rằng họ đã lạm dụng quyền hạn họ được trao.
Rất nhiều tác phẩm của ông trong giai đoạn thập niên 1980 mang dấu ấn năng động của Hollywood thời bấy giờ. Những bộ phim đầy sinh khí này dường như đã lỗi thời?
- Nó thuộc về kỉ năng biểu diễn. Không chỉ ở thời điểm ấy, chuyện gì đang xảy ra với cái đẹp điện ảnh ngày nay? Lần gần đây nhất bạn xem một bộ phim mà từng nhân vật đều được mô tả sống động, tao nhã là khi nào? Tôi nghĩ chúng ta cần một góc nhìn cụ thể, một sự tiếp cận cụ thể về cái đẹp, như những gì điện ảnh từng làm được đầu thế kỉ 20. Giờ đây, chúng ta không nhìn thấy vẻ đẹp đó nữa.
Thử thách ông đang phải đối diện trong thị trường phim hiện nay là gì?
- Căn bản là tuổi tác. Sẽ mỗi lúc mỗi khó hơn để làm phim khi đứng trước giới hạn thể chất. Tôi thấy bản thân may mắn khi còn có thể dựng phim dẫu đã qua độ tuổi 80.
Như Ý (theo Reuters)