Dự án ảnh đặc biệt phản ánh hàng loạt nỗi đau ‘không lời’ những người chuyển giới đang đối mặt, bên cạnh đó là cảm nhận tách biệt văn hóa xã hội họ phải chấp nhận và học cách vượt qua.
“Chuyển giới không thể giúp bạn có một cơ thể hoàn mỹ”, đây là thông điệp được Sham - một người chuyển giới, trực tiếp viết lên tấm ảnh chụp cơ thể bán khỏa thân của anh.
Sham là một trong số sáu chủ thể xuất hiện trong ‘Writing on the Wall’, series ảnh nghệ thuật chụp bởi nhiếp ảnh gia gốc Singapore Grace Baey. Dự án, vốn đến nay đang được tiếp tục tiến hành, tập trung mô tả những cá nhân chuyển giới, nam lẫn nữ, với bối cảnh hoàn toàn do họ chọn lựa. Nền bức ảnh có thể là một phòng ăn gia đình - nơi một người từng chịu đựng những lời bình phẩm đau lòng của chính người thân khi quyết định chuyển giới, hoặc giữa phòng tắm - nơi đặt tấm gương một người đàn ông soi vào mỗi ngày để nhìn ngắm dãy sẹo còn lại sau cuộc phẫu thuật chuyển giới.
“Ở Singapore, cũng như rất nhiều quốc gia khác, những vấn đề về LGBT luôn dễ làm dấy lên tranh cãi”, Baey trả lời phóng viên CNN.
“Với dự án, tôi hy vọng sẽ giúp người xem thấu hiểu hơn cuộc hành trình những người chuyển giới trải qua khi họ bắt đầu quá trình ‘chuyển mình’, cùng với đó là vô số đánh đổi họ phải chấp nhận, về mặt sinh lý, tài chính, lẫn xúc cảm và quan hệ xã hội”.
Sherry Sherqueshaa, một phụ nữ bán hoa chuyển giới, đồng thời là thành viên tổ chức nhân quyền ‘Project X’ với chủ trương bảo vệ quyền lợi phụ nữ hành nghề dịch vụ sex ở Singapore. Baey chụp ảnh cô trong một buổi tối làm việc tại khu phố Geylang.
Từng là một chuyên viên nghiên cứu ngành địa lý nhân chủng, Baey thử sức với nhiếp ảnh từ năm 2015, và đã dành hẳn 4 năm tiếp theo tìm kiếm chủ thể cho chuỗi tác phẩm ‘Writing on the Wall’.
Nhiếp ảnh gia Grace Baey
“Tôi cảm thấy mình cần có trách nhiệm nghiêm túc, trong việc khám phá và thuật lại câu chuyện của họ sao cho chân thật nhất trước ống kính, vì tôi nghĩ, hẳn phải có một nguyên nhân sâu xa thôi thúc họ chọn con đường chuyển đổi giới tính”, Baey chia sẻ.
Nhân sự kiện ‘Writing on the Wall’ ra mắt công chúng qua một triển lãm đang diễn ra tại Singapore - quốc gia hãy còn mang nặng định kiến bảo thủ đối với cộng đồng LGBT, Baey đã bày tỏ một số suy nghĩ thẳng thắn về dự án cũng như những nhân vật chuyển giới cô tiếp xúc.
Rất nhiều cộng đồng LGBT tại khu vực Đông Nam Á đứng trước nguy cơ bị tách biệt. Những nhân vật trên ảnh của cô có từng chia sẻ trải nghiệm về nạn phân biệt đối xử hay bạo hành?
- Đương nhiên là có. Tôi từng chụp ảnh cho một người bạn, Jose, trong lúc anh ấy đứng cạo râu. Jose được yêu cầu cạo râu trước mỗi dịp trở về thăm nhà tại Malaysia. Đó là điều cha Jose bắt buộc anh ấy cam kết thực hiện, khi anh chuyển giới thành một người đàn ông 6 năm trước. Râu trên gương mặt trở thành niềm tự hào và dấu ấn nam tính của riêng Jose, và mỗi lần phải cạo chúng đi, Jose rất đau đớn. Nhưng anh ấy đồng ý làm thế vì muốn gia đình có thời gian chấp nhận giới tính hiện tại của anh.
Khi một cá nhân ‘chuyển mình’ như thế, thân nhân của họ đều chịu ảnh hưởng theo. Đó là lý do tôi muốn khai thác nhiều hơn yếu tố gia đình từ mỗi chủ thể tôi có dịp làm quen. Vì tôi nghĩ thách thức thật sự của cộng đồng LGBT nằm ngay trong cuộc sống thường nhật, khi họ ở cạnh gia đình, người thân.
Nhiều khi họ phải nhận lấy sự lạnh nhạt, không ít người do đó trở nên xa lạ trong chính mái ấm gia đình. Tôi muốn họ trải lòng nhiều hơn về những nỗi khó khăn như thế, và tôi hy vọng nhờ đó có thể giúp họ giải phóng phần nào căng thẳng đè nén.
Hàng loạt tác phẩm chân dung của cô được chụp với nguồn sáng tự nhiên, khi những chủ thể trước ống kính thực hiện công việc hằng ngày của họ. Với cô, yếu tố nào quan trọng hơn cả?
- Điều quan trọng nhất, theo tôi, là để mỗi nhân vật phản ánh những vấn đề người chuyển giới đang phải đối diện ở Singapore. Chẳng hạn, trong bức ảnh Sham tự tay vẽ lên hình ảnh cơ bắp trên bụng và làm nổi dãy sẹo trên ngực, Sham và tôi muốn tạo sự chú ý đối với chứng lo sợ hậu phẫu thuật chuyển giới.
Sham viết những dòng chia sẻ về hành trình chuyển giới trên bức ảnh Baey chụp.
Nhiều lúc, mọi người lầm tưởng phẫu thuật thẩm mỹ là một kiểu thay đổi tích cực trong cuộc sống, cho rằng bạn có thể thoải mái hơn trước một cơ thể mới. Nhưng thực tế chuyện không phải luôn như vậy.
Sham bấy lâu vẫn ao ước được đi biển, cởi áo ngoài và để ngực trần, nhưng đến nay anh ấy vẫn e sợ ánh mắt những người xung quanh. Hơn cả khía cạnh vóc dáng bên ngoài, chuyển giới không nghĩa là bạn hài lòng thật sự với cơ thể, hoặc bạn sẽ trở nên ‘hoàn hảo’.
Khi tiến hành dự án, những khoảnh khắc nào khiến cô ấn tượng và nhớ mãi?
- Chiếc áo nẹp ngực Jose dùng là một minh chứng chua xót cho những hy sinh anh ấy trãi qua vì không có đủ chi phí thực hiện phẩu thuật chuyển giới, cho dù đã tiết kiệm tiền hơn 5 năm. Anh ấy phải mặc nó giữa cái nóng của Singapore khi làm việc 12 giờ liền mỗi ngày ở một quán bar. Anh ấy muốn tôi chụp lại chiếc áo để lần nữa khẳng định hành trình chuyển giới khó khăn như thế nào.
Cassandra Thng từng cho tôi xem một lá thư tay khá dài bà cô ấy gửi đến, nhắn nhở cô đừng làm hại bản thân, hãy suy xét thận trọng mọi thứ, và phải luôn mạnh mẽ. Tôi có thể mường tượng một người phụ nữ lớn tuổi gốc Hoa, như chính bà tôi, khuyên nhủ cô cháu gái những lời như thế. Đó là một điều khiến tôi suy ngẫm.
Công chúng đang phản ứng ra sao về dự án ảnh?
- Một số người thích thú trong khi một số tỏ ra e dè. Thật ra tôi thấy vui vì có thể khiến mọi người thảo luận nhiều hơn về những bức ảnh và những gì chúng đại diện.
Chúng ta đã trải qua chặng đường khá dài trong đấu tranh bình đẳng giới, và ở Singapore, sự thay đổi tư duy vẫn đến chậm.
Tôi nghĩ đối với Singapore, đất nước còn bị bao phủ bởi dấu ấn văn hóa ‘thanh sạch’ đơn sắc, phô bày những vấn đề như thế này theo cách đa sắc thái là điều cần thiết. Hy vọng, lâu dần, sẽ có thêm những dự án nghệ thuật đủ sức khơi gợi sự thấu hiểu, và cảm thông trong mỗi người.
Như Ý (tin, ảnh: CNN)