Truyện ngắn “Cái Tết của những đại văn hào” kể về mấy anh văn sĩ nghèo kiết xác, người nọ tính đến nhà người kia ăn tết, thế rồi xoay qua xoay lại, cuối cùng họ quyết định tìm đến nhà văn sĩ Nguyễn “ăn chực”.
“Đôi bạn hăm hở đi. Trời quang tạnh. Gió lạnh rít qua tai. Rét như cắt. Phố xá ngày ba mươi tết, ngổn ngang về người với xe. Chiếc cao-su lù lù hoa cúc vàng, và ngất nghểu cành đào phớt, chạy ì ạch về phía ga.
Ông nhà quê, nách cắp bánh pháo, câu đối, đầu ngón tay lủng lẳng củ thuỷ tiên hàm tiếu, dừng chân lại, ngắm cái khăn xếp bày trong tủ kính. Các bà ở chợ về, ôm thúng đậu hoà lan, bong bóng, tay còn xách con gà thiến nặng trĩu. Những cậu nhỏ, quần xắn đến bẹn, dội uôm uôm từng thùng nước vào ván cửa để cọ, bất chấp cả người đi trên hè. Một vài thằng nhãi, nén hương cầm tay, nắm pháo trong túi, thi thoảng lại đốt đánh đẹt làm anh phu xe giật nảy mình.
Lê và Vũ xoạc thật dài cẳng, nện gót giày xuống vỉa hè cồm cộp, đi như lính ra trận. Bỗng Vũ vê hai ngón tay, hỏi:
- Mày còn thuốc lá không?
Lê mỉm mép:
- Tao cũng sắp hỏi mày câu ấy.
Tiếng cười tung ra, làm ngoái cổ cả những cô tiểu thư xinh nhất và lười nhất trần đời, thẳng tay cầm một tập những sách tết và báo tết.
- Này, Vũ, chúng nó sắm tết như chửi vào mặt chúng mình vậy.
- Kệ.
(Bị xoá một đoạn bởi Ty kiểm duyệt của bọn thống trị Pháp)
- Tao hận nghề lắm, lúc nào cũng nghèo xơ nghèo xác. Trông bọn văn sĩ, thăng nào cũng gầy như con mắm. Thế mà độc giả, nhất là các cô kia, họ tưởng mình ghê gớm như thần như thánh!
- Chẳng hơn những thằng làm nghề khác à? Có ai thèm đếm xỉa đến chúng nó.
- Mà bạn bè đứa nào cũng một tuồng như mình. Động hở ra đồng nào là xúm nhau lại phá cho kỳ hết.
- Còn hơn những thằng nhà giàu, bọn mình có ai thèm bạn với đấy? Mày phải tự kiêu ở chỗ nghèo. Cái nghèo của nhà văn là cái nghèo thanh cao, cái nghèo đáng trọng, cái nghèo phải ghi vào lịch sử văn học của thế giới. Chúng ta nghèo, vì có bao nhiêu ở trong tim trong óc, chúng ta trút cả ra để làm giàu cho tim óc thiên hạ.
Lê nắm tay bạn, thụi rõ mạnh vào vai:
- Tao chúa ghét những loài thi sĩ như mày. Chỉ biết sống mơ mộng. Mày phải nhớ rằng hiện giờ này, mày không dính một trinh trong túi, ba mươi tết, mày mò đến nhà tao, định ăn phò tao cái tết, rồi mày với tao phải lần đến nhà thằng Trần. Có đúng thế không?
- Nhưng văn học sử ngày sau, người ta nói đến tên nhà tiểu thuyết Lê, nhà thi sĩ Vũ, nhà kịch sĩ Trần, vân vân... Chúng ta sẽ bất tử.
(Bị xoá một đoạn bởi Ty kiểm duyệt của bọn thống trị Pháp)
- Mày nói câu ấy, tỏ ra mày khá thông minh. Nghĩa là sau khi chết, nhà văn còn bất tử, và chỉ bấy giờ nhà văn mới bình tĩnh được sống vẻ vang hơn vua chúa vì nhà văn không phải lo cơm áo nữa!
[..]
Lúc ấy, Nguyễn đang ngồi xổm trên hè. Chừng buồn quá không biết làm gì để giải trí cả. Bỗng thấy ba bạn ở cổng bước vào. Nguyễn mừng như bắt được của, vội chạy ra đón. Anh đứng khuỳnh tay như ông tướng, hất hàm, hỏi:
- Ai đưa cái chú đến nhà anh?
Vũ nói:
- Cái nghèo của nhà văn nó đưa các cụ lớn đến, chứ ai? Các cụ lớn đã ra nghị định đến báo cô tên tiểu thuyết Nguyễn cái tết. Không ai có thể trái lệnh!
Lê ngắt lời:
- Chúng tao hết cả tiền, không biết ăn tết bằng cái gì được, mới rủ nhau đến sát mày một mẻ.
Nguyễn cau mặt:
- Tao tưởng chúng bay đến chơi với tao, thì tao mới tiếp. Chứ chúng bay đến chơi với cái bánh chưng nhà tao thì tao tống cổ bây giờ. Chúng bay kém quá. Chúng bay còn nghĩ đến Tết, không trách chúng bay khổ một đời. Tao đây lúc nào viết xong cuốn sách, ấy là cái tết của tao đấy. Thành thử mỗi năm, tao hưởng ba bốn cái tết. Còn như cái năm nó hết, thì mặc kệ nó, can gì đến mình mà mình cũng nhắng nhít lên?
- Nhưng thấy thiên hạ họ náo nức về tết, tự nhiên trong mình nó cứ thế nào ấy.
- Tao ước gì người ta cứ vứt hết lịch đi, không ai biết ngày nào tháng nào nữa. Để cho những bọn ngu như chúng bay khỏi làm tao bực mình.
- Thế thì mày nói rõ ngay rằng mày cũng đếch có đồng tiền nào để ăn tết, nghĩa là mày không hơn gì chúng tao, có dễ hiểu hơn không?
[...]
Ngoài đường làng, người thì mặc quần áo mời, đội khăn mới, đi giày mới, người thì nhai trầu bỏm bẻm, thuốc lá phì phèo, sột soạt đi lễ tết nhà nhau. Các cô con gái thì yếm đỏ, thắt lưng tím, áo nâu non đổi vai lên chùa hái lộc. Họ gặp nhau, chúc nhau bằng những câu rất hoang phí.
Vũ cảm khái, nói:
- Cả nước Nam, mà có lẽ cả nước Tàu nữa, nghĩa là một góc địa cầu, đương vui vẻ về tết. Duy có bốn anh em mình phải nằm khàn, đắp chăn xù xù, chưa thèm dậy.
- Bởi vì chúng mình là những nhà đại văn hào. Chúng mình góp tâm trí chúng mình vào ho cái tết của họ được thêm vui. Thế là chúng ta cũng ăn tết, cái tết tinh thần.
- À, đánh thức thằng Lê đi, nó ngủ nhiều khiến mình phát ghen. Lại không đến chín mười giờ rồi à? Cá một phần địa cầu người ta tấp nập, mà nó còn như thằng chán đời.
Nguyễn lay Lê:
- Dậy, mồng một tết rồi! Mười giờ rồi? Dậy mà ăn cái tết tinh thần với đời!
Bị động mạnh, Lê cựa. Anh nhăn nhó cái mặt ngái ngủ, ngóc cổ lên, nhìn nhà cửa, nhìn bạn bè, nhìn xung quanh. Rồi không biết nghĩ thế nào, anh lại nằm xuống, kéo chăn kín gáy, đáp:
- Ăn cái tết tinh thần là ăn cái cóc khô gì, chúng mày?”
Trong cuốn "Chuyện cũ Hà Nội" của nhà văn Tô Hoài in lần đầu năm 1980 (sau này tái bản rất nhiều lần) ông đã viết về những dư vị Tết Hà thành với 9 bài viết về mùa xuân, lễ hội, Tết như "Đón giao thừa", "Những ngày áp Tết", "Đêm giao thừa", "Hội làng", "Pháo", "Giỗ Tết", "Khai bút", "Chơi chùa", "Tảo mộ".
Trong “Những ngày áp Tết”, ông viết:
“Mỗi tháng có sáu phiên chợ Bưởi, ngày bốn và ngày chín. Tôi vẫn nhớ đếm như thế từ khi biết đi chợ. Lại rõ thêm chợ Bưởi có ba phiên chợ Tết vào cuối tháng Chạp: mười chín, hăm bốn, hăm chín. Năm nào hăm chín bắt làm ba mươi, chợ cuối năm càng đông và tất bật. Phiên chợ Tết cũng gọi là phiên chợ trâu bò. Bởi vì, cả năm, chỉ đến chợ Tết, các làng làm ruộng trong vùng mới đem bò ra chợ bán.
Rồi lại nghe người ta nói mà biết nhận xét: chợ mười chín là chợ của người có tiền. Ai sẵn tiền thì sắm Tết sớm. Phiên hăm bốn, chợ của mọi người ta thường thường. Chợ hai mươi chín là chợ người nghèo. Nhà nghèo chạy cái Tết bở hơi tai, cho đến hôm tất niên mới mò được ra chợ mua miếng thịt lợn, nén hương gọi là cho có Tết nhất.
Vẫn nhớ những phiên chợ Tết Bưởi như vậy. Và nhớ thể nào tôi cũng có bánh pháo tép dài bằng gang tay. Chốc chốc lại ra thúng hàng cụ Lựu mua miếng khế khô tẩm mật gừng về ngậm. Thế nào u tôi cũng sắm cho tôi đôi guốc mộc mới. Và, cái đầu tôi được cạo trọc lốc, trắng hếu, đầu mới để ăn Tết.
Trẻ con cứ hí hửng cái Tết bé bỏng như thế. Nhưng cũng lây người lớn, biết lo buồn cái Tết thật sự. Bởi vì, những ngày áp Tết, nhà tôi thường có người đòi nợ. Cũng không có gì đáng ghê lắm. Nhà tôi không đến nỗi có các du côn nặc nô khách nợ của phủ chuyên nghề đến đòi nợ thuê. Không có tiền trả, khách nợ bắt đồ đạc, khuân bát hương đi. Thật tình tôi cũng chỉ mới nghe nói về các chuyện lôi thôi ấy. Mà chưa tận mắt trông thấy nặc nô đi đòi nợ hay khách nợ ăn vạ ở nhà con nợ.
Người đòi nợ nhà tôi khác. Đây là ông Phán Hàng Mã. Ở phố, người ta cứ thấy ông ấy ngày ngày xách ô đi làm đều đặn, thế là gọi tôn ông lên là ông phán. Chẳng biết có thật ông ấy làm ông tham ông phán không. Tôi cũng đã kể về việc ấy một lần rồi. Và ai cũng biết ông phán từ khi lấy người vợ hai là cô đầu, nhà càng ngày càng lục đục và khó khăn.
[...]
Tôi biết đấy là ông phán lên đòi nợ. Biết thế tôi cứ buồn, vừa xấu hổ, vừa sợ. Tôi tránh đi, tôi lang thang lên chợ. Phiên chợ Tết đông hơn ngày chợ mọi khi. Đi xem khắp hàng tranh, hàng bưởi bòng, chỗ bán trâu bò, đến trưa mới mò về. Thế mà vẫn thấy ông phán ngồi ở ghế tràng kỷ.
[...]
Xem cái người đi đòi nợ ngồi dai được đến bao giờ nào. Không có tiền, chẳng có đồng nào, trong nhà không có gì đáng nửa xu, làm gì nhau nào. Là tôi cứ tưởng tượng ra vậy, chứ bà tôi cũng chẳng nói thế. Bà tôi ngồi chịu chuyện nhát gừng. Tôi đâm ra ghét bà tôi.
[...]
Năm sau, ông phán lại lên nhà tôi vào ngày áp tết. Đến xẩm tối, còn thấy ông phán ở ghế tràng kỷ. Bà tôi vẫn ngồi chịu chuyện. Chủ nợ và con nợ ngồi im chẳng thấy ai nói ra sao với nhau cả. Mà có gì để nói. Đi đòi nợ, người ta không có, chẳng có của nả đáng bắt nợ, mà ông phán cũng không phải người có lực đi bắt nợ. Có gì để nói đâu.”
Riêng về khoản ăn Tết, Nguyên Hồng khi nói về cái Tết truyền thống của dân tộc, còn ghi lại trong nhật ký của mình những cái Tết đầu những năm 1960 mà sau này, hai người con gái của ông là Nguyễn Thị Thanh Thư và Nguyễn Thị Nhã Nam tập hợp lại trong Nhật ký Nguyên Hồng. Dẫu là năm hết Tết đến, nhưng nhà văn vẫn “bận quá’. Những năm ấy, vợ đẻ, con thơ, nhà văn phải đi vay những người bạn của mình.
Trong nhật ký, ông ghi:
“Ngày 20/3 ta (28/4/1959). Đi mua bò với cụ Đĩnh. Chiếc xe Dugiot bán rồi, được 800đ. Nhà tôi bảo thế là hết cả lộc Bỉ vỏ. Số tiền, tôi đi mua nồi đồng, mua màn, cái hòm gỗ để làm chuồng chim bồ câu. Mua thêm con lợn 38 đồng của bà Đĩnh và nhờ ông Gần làm cái chuồng lợn, bò… Ông Gần, bà Gần sốt sắng hơn. Cả ông Nghi cũng lên, bảo làm hộ nhà. Dạo này tre bao, mía và dứa đã tốt. Tôi làm lại mấy cái giàn và sửa lại mảnh đất trước cửa. Tập tiểu thuyết đã xong được 152 trang tập đầu. Vợ tôi cũng khỏe. Cuộc đời trở về Nhã Nam thật rễ chặt lắm rồi. Tôi còn lo cho thằng Hà học hết lớp 10 và thằng Sơn theo được đại học. Tôi mua cái xe đạp cọc cạch 110 đồng để ra Hà Nội.
[...]
Ngày 3/6/59. Tôi và Lân, Tưởng (Kim Lân và Nguyễn Huy Tưởng) thảo luận rất gay về “Có thể sống bằng ra biên chế được không”…Tôi đem cả lợn, bò và nhắc lại cái hội nghị với vợ con ở gác Trần Nhân Tôn ra để chứng minh “thế nhà tôi” đương lên… Thảo luận xong tôi lại thấy buồn. Nhưng phải quyết tâm ra đi để viết. Khổ, tôi cũng phải viết cho xong bộ tiểu thuyết.
[...]
Ngày 2/1/1962. Tôi dậy sớm, đun nước rồi rang cơm cho các con. Nhà tôi nằm ôm cái Thế. Cái Nhã đã dậy, to hó trong chăn nhìn ra. Số tiền 500 đồng nhà tôi giữ còn được 40 đồng. Tôi đưa thêm 21 đồng để giả tiền nứa và công đan. Tháng trước nhà tôi đã uống thuốc Bắc. Tháng này uống sâm và hai lọ Hà sa đại tảo hoàn. Tôi ra đi, hôn các con mà lòng nặng trĩu. Có thể Tết tôi không về.
Ngày 30 Tết (4/2/1962). Giết lợn. Bận quá. Ông Cả Nghi và Thơm làm. Sau mời cả ông Thùy, ông Thưởng sang ăn. Biếu lòng bà Gần và vợ Thơm. Đến chiều mới gói xong bánh chưng. Bắc bếp giữa nhà luộc cho đến 4 giờ sáng. Tôi dọn dẹp xong mới đi ngủ. Hà (Con trai nhà văn - NV) ngồi canh nồi bánh chưng. Nóng quá và khói nữa. Bằng rầy năm ngoái tôi viết xong chương VI vào giữa giao thừa đây. Năm nay tôi đã in xong “Sóng gầm”. Nhưng lại thêm bao nhiêu nỗi lo mới. Nhất là lo vì sự sống. Các con càng đông, ăn tiêu trong nhà tốn quá. Sang năm, tôi phải sắp xếp việc nhà và dè sẻn hơn nữa.
[...]
Ngày 2/2/1967. Tôi đi mua thêm hàng Tết. Được cả bánh đa nem và mứt. Tôi biếu bà cụ chủ nhà bánh bích quy. Còn mứt biếu bà cái Hợp. Hai chai rượu cam phải để dành. Tôi vay thêm ông Tuệ 20 đồng. Cây đào nhà cụ Huỳnh đã ra hoa. Tôi bẻ hai cành đào nhỏ bày bàn thờ nhà bà cụ, thắp hương đen. Tôi uống rượu với lạc rang, chuyện về cụ Đề (Đề Thám - NV) với bà cụ. Tôi cho cái bé cháu cụ Huỳnh hai cái mũ của bé Diệu (con gái út nhà văn - NV). Cụ khen cái mũ hoa là mũ len. Tiền 30 đồng vay bác Tuệ, tôi mua hành, đỗ xanh, rau dưa. Món tiền sau mua hai cân gà…”