Tôi sinh ra và lớn lên tại một làng quê ngoại thành của Hà Nội, nhưng tới khi trưởng thành đã “Nam tiến” và lập nghiệp, sinh sống tại TP.HCM. Bố mẹ tôi đã già nhưng vẫn còn khỏe, các cụ hiện sống cùng anh trai cả tôi tại quê nhà. Gia đình nhà anh làm nông nên kinh tế eo hẹp, nếu như không nói là còn nghèo, thiếu trước hụt sau liên miên quanh năm, bởi nguồn thu chỉ trông chờ vào củ khoai, cây lúa, bắp ngô, vụ rau…, canh tác trên mấy sào ruộng, trong khi lại phải nuôi mấy người con ăn học. Gia đình nhỏ của tôi tại TP.HCM hiện kinh tế cũng chỉ đủ sống đạm bạc, không lấy gì dư giả, vợ chồng tôi còn phải cố gắng rất nhiều để cuộc sống tốt hơn, lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn.
Dẫu vậy, từ bao năm nay, mỗi khi tết đến xuân về, vợ chồng tôi cùng các con vẫn cố gắng thu xếp để về quê đoàn tụ ăn tết cùng bố mẹ, các anh chị em trong gia đình, bởi quê hương vẫn luôn là “chùm khế ngọt” trong trái tim chúng tôi, với dấu ấn ký ức và vô vàn những kỷ niệm của một thời thơ ấu dường như vẹn nguyên không thể mờ phai.
Tôi vẫn nhớ, khoảng hơn chục năm về trước, khi chuẩn bị vào Nam làm việc, tôi đã hứa với bố mẹ rằng “dù lập nghiệp sinh sống ở đâu đi nữa thì mỗi cuối năm âm lịch con sẽ về quê ăn Tết cùng bố mẹ và các anh chị em”. Lời hứa ấy cho đến giờ tôi vẫn thực hiện đều đặn, không bỏ sót một cái tết nào. Ngay như 2 cái tết ở giai đoạn đại dịch COVID-19 dữ dội và căng thẳng nhất, tôi tưởng chừng sẽ không được đón tết cùng bố mẹ, anh chị, nhưng may mắn là vẫn được về quê sum họp, quây quần bên gia đình để đón tết.
Như đã nói, gia đình anh trai tôi kinh tế còn khó khăn nên năm nào anh chị cố gắng lắm cũng chỉ lo được một cái tết đạm bạc. Mâm cỗ cúng ông bà tiên tổ chỉ giản đơn bày biện dăm ba món, cùng với bánh chưng, xôi gấc… Còn kẹo, bánh mứt, hạt dưa cũng chỉ có mỗi thứ một ít thôi, không đào không quất… Tuy nhiên không khí trong mấy ngày tết ở gia đình tôi luôn rộn rã tiếng cười, chuyện trò vui vẻ. Vui nhất là đám nhỏ con tôi, con anh chị tôi khi chúng được gặp nhau, rồi chúng ríu rít gọi ông bà, rồi làm nũng với ông bà. Cũng có lúc chúng tranh cãi nhau chí chóe khiến nhiều lần ông bà phải là người phân xử.
Tết năm nay cũng cũng phải ngoại lệ, khi mới bước sang cuối tháng 11 âm lịch, tôi đã ra ga Sài Gòn mua vé tàu để cả nhà, vợ chồng con cái về Bắc sớm vào hôm 20 tháng chạp, nghĩa là còn cách tết đến cả chục ngày. Sở dĩ năm nay gia đình nhỏ của tôi về quê ăn tết sớm bởi mùa xuân này bố tôi thượng thọ tuổi 80, nên anh trai chị dâu tôi kêu vợ chồng tôi đưa các cháu về sớm để cùng lo một số việc cho đỡ cập rập, như: gói bánh chưng, nấu thịt đông, gói giò, làm dưa món, kho cá…, để đại gia đình ăn Tết, và chừa lại một ít cho lễ mừng thọ bố hôm mùng 4 tháng giêng. Tết Giáp Thìn 2024, chắc chắn gia đình tôi sẽ ăn một cái tết được xem là “to” nhất, linh đình nhất so với những tết trước, anh trai tôi nói năm nay khao thọ bố nên dù gì cũng phải cố gắng lo toan cho đủ đầy hơn thường lệ.
Đúng là, dẫu kinh tế có nghèo, còn thiếu thốn thế nào chăng nữa, tiệc cỗ giản đơn ít món, nhưng mỗi khi xuân về mà được về quê ăn tết cùng bố mẹ, người thân trong gia đình, theo tôi vẫn là vui nhất, thích nhất. Đã bao nhiêu năm nay tôi vẫn thường “được” vui khi luôn được về nhà ăn tết cùng bố mẹ, nhưng nhiều khi tôi suy nghĩ mai này bố mẹ mình khuất bóng rồi, khi đó mỗi tết đến tôi chắc chắn sẽ rất buồn, sẽ không còn cái cảm giác háo hức để được về quê ăn tết…; mà dẫu có trở về ăn tết cùng các anh chị em, các cháu, với mâm cao cỗ đầy, tiệc tùng linh đình to tát thế nào đi nữa, thì việc thiếu vắng hình bóng của các đấng sinh thành vẫn luôn mang tới nỗi buồn mênh mang, sự trống vắng không gì có thể khỏa lấp được.
Chẳng vậy nên tôi luôn mong mỏi, cầu chúc cho bố mẹ sống khỏe, sống lâu với con cháu, để mỗi xuân sang, vợ chồng tôi, các con tôi lại háo hức trở về quê nhà sum họp, quây quần ăn tết cùng bố mẹ, ông bà, anh chị, các cháu. Đó là niềm vui khôn tả không gì có thể sánh nổi.