Một thời đại tìm kiếm cà phê như một lối sống mới
Thế kỷ 18 tại châu Âu được gọi là “Thế kỷ Ánh sáng” hay “Thế kỷ của Lý trí”. Giai đoạn mà tri thức, tinh thần sáng tạo được hiển dương, nhấn mạnh như năng lượng thức tỉnh, đưa con người đoạn tuyệt với u mê bất toàn để khai minh cho chính mình và nhân loại. Đây cũng là thời kỳ khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng lối sống khi cuộc cách mạng công nghiệp không chỉ làm thay đổi điều kiện kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật mà còn khởi lên những tư tưởng tiến bộ về quyền tự do cá nhân, tinh thần dân tộc, quốc gia.
Trước đó, quyền làm người bị hạn chế một cách khắc nghiệt bởi phong kiến và thần quyền. Con người tin rằng, số mệnh mỗi cá nhân được định đoạt bởi giai cấp mà mình thuộc về. Thể chế chính trị và pháp lý bị tầng lớp quý tộc giữ quyền kiểm soát, thao túng. Nông dân nô lệ chỉ là tài sản của quý tộc, chịu sự phục tùng tuyệt đối.
Đến khi, con người nhận chân được rằng, trí tuệ là ánh sáng dẫn dắt con người thoát thực tại tối tăm, một tầng lớp trí thức mới được thành hình, có xu hướng tư duy sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đảm nhận sứ mệnh truyền bá chân lý cho quảng đại quần chúng để tái sinh vận mệnh cho mỗi người.
Giới trí thức tìm kiếm phương hướng truy cầu và chia sẻ tri thức, ánh sáng chân lý. Hàng quán cà phê từ đặc tính thức uống kích xúc sáng tạo, thăng hoa tâm thức, tâm thế và đặc thù không gian hội tụ, kết nối ý tưởng đã trở thành điểm gặp gỡ của những tâm hồn lớn, nuôi dưỡng và khởi xuất những ý tưởng vĩ đại. Nếu Anh quốc gọi quán cà phê là Đại học một hào (Penny University), Pháp biểu dương quán cà phê là Viện hàn lâm vỉa hè (Académie du Trottoir) thì Ý xem quán cà phê là Đại học tự do (Liberissima Università)…
Điều đặc biệt của hàng quán cà phê thời kỳ này so với các không gian công cộng khác chính là sự tiếp nhận không phân biệt giai tầng xã hội, chỉ cần sẵn sàng tham gia vào cuộc đàm luận trí tuệ bên ly cà phê đều có thể đến đây. Hơn nữa, quán cà phê còn cung cấp lượng lớn báo và tạp chí như trung tâm truyền thông duy nhất có thể tiếp cận được với công chúng, tạo nên môi trường học thuật trên nhiều lĩnh vực. Triết gia Carlo Goldoni (1707-1793) được tôn xưng là người cải cách vĩ đại của nhà hát Ý cũng hiển danh hàng quán cà phê như biểu tượng thời đại mới, nơi chốn xoay chuyển thế sự, tỉnh thức nhân tâm.
Nền tảng đổi đời trong một quán cà phê
Thực tế, hệ tư tưởng xã hội và tồn tại xã hội luôn có tác động biện chứng qua lại. Là một nhà trí thức, Carlo Goldoni gần như dành trọn đời nỗ lực chuyển hóa hoạt động nghệ thuật kịch đương thời, gieo ý niệm về tự do, tiến bộ, tư duy làm chủ cuộc đời vào tác phẩm của mình để có thể truyền bá tư tưởng khai sáng đến đa dạng đối tượng.
Xã hội Ý thế kỷ 18, kịch La commedia dell'arte là hình thức nghệ thuật phổ biến. Loại hình hài kịch ứng tác không kịch bản, không đạo diễn. Lời thoại, hành động kịch được tạo ra một cách tự nhiên, ngay lúc biểu diễn trước đám đông. Thông thường, mỗi người biểu diễn một tính cách nhân vật, đại diện cho giai tầng xã hội, được ngầm hiểu bằng mặt nạ và trang phục đặc trưng. Cá tính nhân vật từ đầu đến cuối gần như cố định.
Carlo Goldoni đã nghiên cứu, sáng tác những vở hài kịch có tình huống cốt truyện, có nhân vật biểu đạt cho một thái độ ý thức hệ và sự phát triển trong tâm lý. Các tác phẩm của ông được xây dựng có kịch bản, có tổ chức nhân vật như một xã hội thu nhỏ. Vì thế, Carlo Goldoni được xem là người cải cách vĩ đại với những vở hài kịch cất lên tiếng lòng con người, một khát vọng đổi đời, chuyển dòng thế sự.
Đặc biệt, tác phẩm kinh điển của Carlo Goldoni “La bottega del caffè” (Quán cà phê) đã làm nổi bật vai trò của cà phê và hàng quán cà phê với khát vọng đổi đời. Cốt truyện xoay quanh những sự kiện diễn ra tại quán cà phê. Một xã hội vi mô được dựng nên, trong đó hành động, tình huống đều tái hiện cuộc sống tệ đoan thực tại.
Các xung đột, mâu thuẫn đẩy lên cao trào và đến cuối cùng, người pha chế cà phê - trong vai trò là nhà hiền triết đã thức tỉnh những nhân vật đang dần đi tới bước đường tối tăm, đánh thức những khao khát về hạnh phúc, về tự do trong tiềm thức mỗi người. Các nhân vật tiếp tục đấu tranh với cái tôi xấu xa trước đó để hướng tới con người mới với những phẩm tính tốt đẹp và có cuộc sống trọn vẹn, hoàn mỹ.
Trong “La bottega del caffè”, Carlo Goldoni mô tả người pha cà phê như nhân cách hóa của đức hạnh và tri thức, đại diện cho con người của thế giới mới. Ở thế giới đó, ánh sáng chân lý sẽ dẫn dắt con người quán thấu thực tại để vươn lên làm chủ vận mệnh chính mình. Tất cả những cuộc đổi đời đều diễn ra trong quán cà phê. Theo nhiều nhà phân tích, Carlo Goldoni đã chuyển tải ngụ ý về sức mạnh cà phê và hàng quán cà phê trước cuộc chiến giữa vô minh và minh triết. Trong giai đoạn khủng hoảng niềm tin và lối sống, thì ở hàng quán cà phê với những lý tưởng tiến bộ, tri thức khai sáng, mỗi người đều có thể tường minh về xã hội mà con người thực sự tự do, hạnh phúc. Và họ tìm thấy cơ hội, con đường thay đổi vận mệnh, đổi đời.
Thông điệp đổi đời cũng được Carlo Goldoni chuyển tải trong rất nhiều tác phẩm, thông qua diễn biến tâm thức, tâm thế và hành động của nhân vật. Ngay cả trong hình thức cải cách nghệ thuật diễn kịch, Carlo Goldoni cũng thể hiện mạnh mẽ tư duy đổi đời. Lớp mặt nạ được cởi bỏ, nhân vật hài kịch không còn đóng khung trong một loại cảm xúc, mà thực sự biến hóa phát triển nhân cách theo tình huống kịch. Thông thường thì những người có trí tuệ, sáng tạo và dám hành động sẽ đạt được hạnh phúc hằng muốn.
Carlo Goldoni được người Ý vinh danh là tác giả đưa nghệ thuật kịch ở Ý đến đỉnh cao, người tạo ra một thể loại hài hoàn toàn khác biệt. Nội dung sáng tạo, những cuộc đối thoại nhân văn. Hài kịch của Carlo Goldoni luôn là sự tái hiện tâm tính dân tộc, mỗi nhân vật đều có vai trò nói lên ước nguyện thời đại, khát vọng đời người.
Ở một chiều kích khác, từ những tâm huyết của Carlo Goldoni khi viết nên những tác phẩm có sân khấu trung tâm là quán cà phê, đã cho thấy chức năng đặc biệt của hàng quán cà phê trong văn hóa thời đại. Đồng thời luôn có sự liên kết giữa cà phê với các lĩnh vực nghệ thuật. Trong đó, hàng quán cà phê và những trí thức đàm luận bên ly cà phê đã đảm nhận vai trò đại diện cho ước vọng hướng đến những giá trị sống, lý tưởng nhân văn, nhân bản.
Đón đọc kỳ sau: Il Caffè – diễn ngôn của giới trí thức khai sáng