Gặp họa sĩ Trần Nguyên (31 tuổi) trong một buổi chiều đầu hè, trong căn phòng nhỏ với ô cửa sổ rộng, bên giá tranh, họa sĩ Trần Nguyên vừa nghe những bản nhạc về quê hương, đất nước vừa say sưa hoàn thành bức tranh với bối cảnh làng quê có giàn hoa giấy nở rộ.
Họa sĩ trẻ cho biết, anh có năng khiếu và đam mê vẽ từ nhỏ. Những ngày học cấp 2 ở trường làng, khác với những bạn cùng lớp mơ ước sau này trở thành bác sĩ, kỹ sư, anh ấp ủ ước mơ trở thành họa sĩ.
Lên cấp 3, Nguyên theo học trường năng khiếu về Văn hóa nghệ thuật ở thành phố Nam Định. Ở đây có những người thầy truyền cho anh kỹ năng, đam mê về vẽ, nơi đây còn là cơ duyên để anh quyết định theo đuổi ngành Thiết kế mỹ thuật của trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.
Suốt những năm tháng được tiếp xúc với mỹ thuật bài bản, anh thường xuyên phải đi thực tế để hoàn thành các bài tập, chủ đề làng quê luôn được Nguyên lựa chọn cho các tác phẩm của mình.
"Tôi sinh ra và lớn lên ở quê, vì thế "quê hương" luôn là chủ đề mà tôi có nhiều chất liệu để sáng tạo nhất, bởi nó gắn liền với ký ức tuổi thơ, nơi có những con đường làng, cánh đồng lúa chín", Nguyên chia sẻ.
Dù đã có thời gian gắn bó với công việc thiết kế ở công ty game nhưng vì niềm đam mê với hội họa, anh đã quay lại gắn bó với sáng tác tranh. Đầu năm 2020, bộ tranh "Làng quê" của họa sĩ Trần Nguyên đã chạm đến trái tim của cộng đồng mạng.
Qua nét vẽ sáng tạo, đầy xúc cảm, những vẻ đẹp xưa cũ, trong trẻo, bình yên của vùng quê Bắc Bộ hiện lên gần gũi, thân thương khiến người xem như lắng đọng về cuộc sống bình yên không ồn ào, vội vã.
Trong bộ tranh ấy, có những sáng tác Nguyên lấy cảm hứng từ khung cảnh ngôi nhà ngày xưa của gia đình anh, về những người thân trong gia đình.
"Ngày bé, tôi ở cùng ông bà nội vì bố mẹ đi làm xa, tuổi thơ được ông bà chăm sóc với rất nhiều kỷ niệm. Từ đó thôi thúc tôi sáng tác bức tranh ông ngồi trên chõng tre đưa quà chiều cho cháu sau khi đón cháu đi học về. Đó cũng là bức tranh tôi yêu thích nhất", Nguyên trải lòng.
Bên cạnh bức tranh về ông, họa sĩ Trần Nguyên cũng sáng tác bức tranh với hình ảnh bà phơi bột sắn dây giữa sân: "Bức tranh này tôi dành nhiều thời gian để nghiên cứu về hình ảnh giàn mướp, bể nước, khoảng sân gạch, bóng nắng đổ như thế nào để bức tranh có hồn".
Những ngôi nhà trong các sáng tác ở quê hương Xuân Hồng của anh có đặc trưng là nhà 3 gian 2 trái, có bể nước và giếng nước, đường làng ngõ xóm xếp gạch.
Bên cạnh hồi ức lại các khung cảnh ở quê hương mình, họa sĩ Trần Nguyên cũng dành thời gian đi thực tế ở các vùng quê, làng cổ khác: làng cổ Đường Lâm, làng Cự Đà… để làm đa dạng các sáng tác của mình.
Cầm chiếc máy ảnh, quyển sổ, cây bút, chàng họa sĩ 9X lên xe máy đi khắp mọi nơi, bắt gặp cảnh đẹp, anh liền chụp lại hoặc vẽ trực họa làm tư liệu.
Theo họa sĩ Trần Nguyên, khó khăn nhất của anh khi theo đuổi dòng tranh này là những góc quê đang dần mai một, "bê tông hóa" hoặc không còn nguyên trạng: "Khi đi thực tế, các khung cảnh đều không còn nguyên vẹn mà thiếu vài chi tiết nào đó. Có chỗ thì còn ngôi nhà, có chỗ thì còn con đường. Tôi thường hỏi người dân địa phương, đọc tài liệu để chắp nối chúng lại với nhau tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh".
Họa sĩ Trần Nguyên bày tỏ mong muốn: "Qua những bức tranh, tôi muốn giúp những người lớn tuổi ghi chép lại ký ức và mong muốn các thế hệ trẻ được cảm nhận về cuộc sống sinh hoạt, khung cảnh làng quê thời ông bà, bố mẹ mình đã trải qua".
Họa sĩ 9X đã tham gia một số triển lãm mỹ thuật của Thủ đô, triển lãm ở Nam Định, triển lãm Đồng Bằng Sông Hồng. Năm 2020, anh cũng tham gia triển lãm ở Hội nghị Cấp cao ASEAN.
Trong thời gian tới, anh vẫn tiếp tục theo đuổi dòng tranh về làng quê với những chủ đề về cuộc sống sinh hoạt, con người. Anh cũng lên kế hoạch đến các vùng miền khác của dải đất hình chữ S để ghi lại "hồn quê" ở đó.
Cuộc sống ngày một hiện đại, khi chúng ta trưởng thành, gánh nặng "cơm áo gạo tiền" giữ chân ta ở lại những thành phố xa hoa và ồn ào. Sẽ có những lúc mệt mỏi, chúng ta bất chợt hoài niệm về một làng quê cổ kính, yên bình, nơi lưu giữ những ký ức về thời ấu thơ. Những tác phẩm của họa sĩ trẻ Trần Nguyên đã chạm tới ký ức tuổi thơ của nhiều người. Có lẽ, đây chính là tấm vé về tuổi thơ mà nhiều người tìm kiếm.
Hà Hiền