"Muôi chim tước, chén chim vẹt, một trăm năm ba vạn sáu nghìn ngày, một ngày nên nghiêng ba trăm chén" (trích Tương Dương ca).
Đây là câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Lý Bạch (701-762) - người không chỉ là một thi tiên vĩ đại mà còn được mệnh danh là "tửu tiên" bởi sự yêu rượu và tửu lượng hiếm có.
Trong đó, khái niệm về "chén vẹt" trong câu thơ của ông khiến người ta đặc biệt quan tâm và thắc mắc, khi chưa thể tìm thấy một dụng cụ nào có kiểu dáng theo như mô tả.
Bí ẩn đằng sau chiếc chén kỳ lạ
Mãi tới năm 1965, các nhà khảo cổ học phát hiện một ngôi mộ gia tộc ở Tương Sơn (Nam Kinh). Tại đây, người ta tìm thấy những vỏ ốc anh vũ (tên khoa học: Nautilus pompilius) với cơ chế độc đáo, và ngay lập tức cho rằng nó chính là chiếc "chén vẹt" nổi tiếng trong lịch sử.
Cụ thể sau khi chụp cắt lớp bằng X-quang, các nhà khoa học nhận thấy bên trong vỏ ốc có nhiều lưới được tạo ra một cách tự nhiên với mật độ dày đặc, và được nối với nhau bằng các lỗ nhỏ.
Điều này khiến cho khi uống, dưới sự tác động của áp suất không khí, rượu sẽ không được rót hết ra ngoài cùng một lúc mà chảy ra từng chút một. Nhờ đó, nó tạo cho ta ảo giác rằng rượu trong chén không bao giờ cạn.
Sau khi phát hiện được bí mật này, những nhà nghiên cứu cũng nhận định trí tuệ của người xưa thật phi thường khi có những phát minh, sáng chế đi trước thời đại.
Họ cho rằng nguyên lý hoạt động của chiếc "chén vẹt" giống với nguyên lý của than hoạt tính hiện nay bởi đều sử dụng cấu trúc không gian bên trong vật thể để làm chậm dòng chảy.
Nhờ đó, chiếc chén tuy nhỏ nhưng lại có sức rót dài có thể giúp người uống có cảm giác vô cùng tao nhã và giàu cảm xúc, cũng như kéo dài được cuộc vui. Đây cũng là những lý do "chén vẹt" được giới yêu rượu cổ vô cùng săn đón.
Thế nhưng giờ đây chiếc cốc anh vẹt không còn xuất hiện bởi nguyên liệu chính làm nên cốc là ốc anh vũ - loài ốc có số lượng rất hiếm, không dễ gì tìm thấy trong tự nhiên.
Đây là loài ốc đã từng bắt gặp ở Việt Nam, được khai thác làm hàng mỹ nghệ và đến nay là động vật nằm trong sách đỏ.
Một số tài liệu khoa học thậm chí cho rằng nhờ vào ốc anh vũ, có thể tiên đoán được tuổi của Trái Đất dựa trên những vệt màu trên thân của nó.
Minh Khôi