Bạn đang lo lắng về cái quái gì vậy?
Tôi biết Harold Abbott từ nhiều năm nay. Ông từng là quản lý hoạt động giảng dạy của tôi. Lần nọ, chúng tôi gặp nhau ở thành phố Kansas và ông chở tôi về trang trại của tôi ở Belton, Missouri. Trong chuyến đi đó, tôi đã hỏi làm thế nào để không phải lo lắng và ông kể cho tôi nghe một câu chuyện đầy cảm hứng mà tôi sẽ không bao giờ quên:
“Trước tôi cũng hay lo lắng, nhưng một ngày mùa xuân năm 1934, khi đang rảo bước xuống đường West Dougherty ở thành phố Webb tôi chứng kiến một cảnh tượng khiến mọi âu lo bỗng chốc tan biến. Chuyện chỉ xảy ra trong vòng mười giây đồng hồ, nhưng trong mười giây đó, tôi đã học được cách sống còn nhiều hơn những gì đã học được trong suốt mười năm.
Hai năm trước đó, tôi có mở một cửa hàng tạp hóa ở thành phố Webb. Cửa hàng này không chỉ làm tôi thua lỗ toàn bộ số tiền tiết kiệm mà tôi còn phải gánh một khoản nợ đến bảy năm sau mới trả hết. Lúc đó, cửa hàng tạp hóa của tôi vừa mới đóng cửa và tôi đang chuẩn bị đến ngân hàng Merchants & Miners vay tiền để đi Kansas tìm việc.
Tôi lê bước như một kẻ bại trận, hoàn toàn mất hết niềm tin và ý chí chiến đấu. Rồi đột nhiên, tôi thấy có một người đàn ông không có chân, ngồi trên một cái bục gỗ nhỏ gắn những bánh xe và dùng hai thanh gỗ cầm ở tay đẩy mình tiến về phía trước. Tôi nhìn thấy đúng lúc ông vừa băng qua đường và đang chuẩn bị nhấc người vài centimét để leo lên vỉa hè. Khi nhấc được cái bục gỗ nhỏ lên, bắt gặp ánh mắt tôi đang nhìn, ông nở một nụ cười rạng rỡ và vui vẻ nói: ‘Xin chào. Buổi sáng đẹp trời quá phải không?’.
Khi đứng nhìn người đàn ông đó, tôi chợt nhận ra mình thật giàu có. Tôi còn cả hai chân. Tôi có thể đi lại dễ dàng. Tôi cảm thấy xấu hổ vì đã tự than thân trách phận quá nhiều. Tôi tự nhủ nếu người đàn ông kia không có chân mà vẫn sống tự tin, vui vẻ và hạnh phúc, thì tôi – với đôi chân lành lặn – chắc chắn cũng sẽ làm được như thế. Tôi thấy ngực căng lên. Tôi chỉ định vay ngân hàng Merchants & Miners 100 đô-la. Nhưng lúc đó tôi đã có đủ can đảm để hỏi vay 200.
Tôi đã định nói rằng mình muốn đến Kansas để thử tìm một công việc. Nhưng giờ đây tôi đã tự tin tuyên bố rằng mình muốn đến thành phố Kansas để nhận một công việc. Tôi đã vay được tiền; và tôi đã có việc làm.
Đến giờ tôi vẫn dán những lời này lên tấm gương trong phòng tắm để đọc khi cạo râu mỗi sáng:
" Tôi buồn vì chẳng có giày. Cho đến khi nhìn thấy một người đàn ông trên đường không có chân.”
Có lần, tôi hỏi Eddie Rickenbacker về bài học lớn nhất anh đã học được khi cùng những người đồng hành lênh đênh trên chiếc bè gỗ giữa Thái Bình Dương suốt 21 ngày, mất phương hướng một cách vô vọng. Anh nói: “Bài học lớn nhất tôi rút ra từ trải nghiệm đó là nếu bạn vẫn có đủ nước ngọt để uống và đủ thực phẩm để ăn thì đừng bao giờ phàn nàn về bất cứ điều gì”.
Tờ Time có đăng bài báo viết về một trung sĩ bị thương trong trận Guadalcanal. Bị một mảnh đạn găm vào cổ họng, viên trung sĩ này đã được truyền máu bảy lần. Anh viết cho bác sĩ một mẩu giấy hỏi: “Tôi sẽ sống đúng không?”. Bác sĩ trả lời: “Đúng vậy”. Anh lại viết một mẩu giấy khác: “Liệu tôi còn có thể nói được không?”. Một lần nữa anh lại nhận được câu trả lời có. Vậy là anh viết tiếp: “Thế thì tôi còn phải lo lắng về cái quái gì nữa chứ?”.
Tại sao ngay bây giờ bạn không dừng lại và tự hỏi: “Mình đang lo lắng về cái quái gì vậy?”. Có thể bạn sẽ thấy điều mình lo lắng chẳng có gì to tát, thậm chí thật vớ vẩn.
Người bi quan nhất nền văn học Anh cũng phải ca ngợi sức mạnh của vui vẻ
Khoảng 90% những điều xảy ra trong cuộc sống của chúng ta là tốt đẹp, chỉ khoảng 10% không như mong đợi. Nếu muốn hạnh phúc, tất cả những gì chúng ta phải làm là chú tâm vào 90% điều tốt đẹp, và bỏ qua 10% điều không như ý. Còn nếu chúng ta cứ muốn chuốc lấy lo âu, cay cú và bệnh loét dạ dày thì hãy cứ tập trung vào 10% bất hạnh kia và bỏ qua 90% điều tuyệt vời còn lại.
Các từ Suy Ngẫm và Tạ Ơn được khắc ghi trong nhiều nhà thờ thời Cromwell ở Anh quốc. Những từ ngữ này cũng phải được ghi khắc trong tâm khảm chúng ta: Suy Ngẫm và Tạ Ơn. Suy ngẫm về những điều chúng ta phải trân trọng, và tạ ơn Chúa vì tất cả những ân huệ và phẩm vật Người trao cho.
Jonathan Swift, tác giả của quyển Gulliver phiêu lưu ký (Gulliver’s Travels), là một người bi quan và chán chường bậc nhất trong nền văn học Anh. Ông thấy buồn vì đã được sinh ra trên đời, đến nỗi thường mặc đồ đen và nhịn ăn vào mỗi dịp sinh nhật. Tuy nhiên, trong nỗi chán nản, người bi quan nhất nền văn học Anh vẫn ca ngợi sức mạnh lớn lao mà sự vui vẻ và niềm hạnh phúc có thể mang lại cho sức khỏe của con người. Ông tuyên bố: “Những bác sĩ giỏi nhất thế gian là Bác sĩ Ăn Uống, Bác sĩ Tĩnh Lặng và Bác sĩ Vui Vẻ”.
Bạn và tôi có thể được hưởng sự chăm sóc miễn phí của “Bác sĩ Vui Vẻ” từng ngày, từng giờ, bằng cách lúc nào cũng nghĩ đến sự giàu có không kể xiết của mình – những tài sản còn vượt xa kho báu của Alibaba trong cổ tích. Liệu bạn có bán đi đôi mắt của mình để đổi lấy một tỷ đô-la? Bạn sẽ chấp nhận lấy gì để đánh đổi đôi chân của bạn? Đôi tay của bạn? Thính lực của bạn? Những đứa con của bạn? Gia đình của bạn? Hãy cộng tất cả những tài sản đó, bạn sẽ thấy mình không bao giờ muốn đổi những gì đang có để lấy cả đống vàng của gia đình Rockefeller, Ford và nhà Morgan gộp lại.