Hiểu thường gắn liền với hành động lắng nghe, nhận biết được ý nghĩ, tình cảm và các quan điểm. Thông thường, người ta hay đề cao sự tin tưởng trong quá trình tìm kiếm sự hiểu biết, nhưng Thiền sư Osho lại cho rằng niềm tin là một thứ độc hại nhất, hủy hoại trí tuệ và sự hiểu biết của con người. Tại sao lại như vậy?
Phương pháp cơ bản của khoa học là sự nghi ngờ, không phải niềm tin
Osho cho rằng đức tin trong tôn giáo đang che đậy sự thiếu hiểu biết trong con người. Điều duy nhất mà đức tin làm được là trao cho mọi người những giáo điều và tín điều mà ở đó, có thể gây ra những ảo tưởng về sự hiểu biết do chính bạn tạo ra.
Tiếp cận mọi vấn đề khoa học theo hướng khách quan và chủ quan là hai chiều hướng cơ bản, và nó đều bắt nguồn từ sự nghi ngờ. Chính vì sự nghi ngờ của những người làm khoa học đã dần chứng minh cho tôn giáo thấy rằng: những điều khoa học làm được, là đưa con người tới gần với sự thật hơn. Nó vén những bức màn trong cuộc sống, khiến cho con người thông minh lên và tỉnh táo hơn.
Sự nghi ngờ mang đến cho bạn một đặc trưng của tâm trí cởi mở, niềm tin thì không
Từ nghi ngờ, bạn có thể đi tới quá trình tìm hiểu. Niềm tin lại không làm được như vậy. Bởi đặc trưng của một cuộc tìm kiếm dù là khách quan hay chủ quan, thì đều cần đến một tâm trí cởi mở.
Thế nhưng theo Osho, nghi ngờ không có nghĩa là “không tin”. Các tôn giáo bắt đầu tìm hiểu về thế giới chủ quan, thế giới của ý thức, nhưng điều đó không làm cho tâm trí ta thêm phần cởi mở. Bởi suy cho cùng, nó bắt đầu bằng niềm tin, chứ không phải sự nghi ngờ. Hoặc bạn bị buộc phải tin, hoặc tin tưởng vô điều kiện. Và cuối cùng khi đã tin vào nó, bạn sẽ không tiếp tục muốn tìm hiểu sâu hơn nữa, bởi bạn không còn sự nghi ngờ trong tâm trí.
Sự nghi ngờ bị lên án tới mức bạn quên mất vẻ đẹp và sự trù phú của nó bởi những áp đặt về niềm tin
Khi một đứa trẻ chào đời, nó không mang theo bất kỳ lòng tin nào. Điều duy nhất tồn tại trong nó là sự hiếu kỳ cùng ngờ vực và hoài nghi. Bởi vậy, sự nghi ngờ là một điều tự nhiên. Niềm tin thì không.
Lòng tin, theo Osho, là một thứ bị áp đặt bởi gia đình, hệ thống giáo dục, xã hội, và tôn giáo. Những áp đặt về niềm tin lên con người, đã làm suy giảm sự nghi ngờ một cách đáng kể, và hình hài của sự nghi ngờ bị bóp méo đến mức một số người quên rằng sự nghi ngờ là thứ làm cho ta đạt được thành tựu như ngày hôm nay.
Luôn đưa ra những ý kiến gây tranh cãi, nhưng chúng ta không thể phủ nhận được sức ảnh hưởng của Osho. Sách của ông được dịch ra hơn 60 thứ tiếng trên thế giới và tờ Sunday Mid-day của Ấn Độ bình chọn Osho là một trong 10 người, cùng với Gandhi, Nehru và Đức Phật, thay đổi vận mệnh của đất nước.
“Hãy nghi ngờ - bởi nghi ngờ không phải là tội lỗi, nó là dấu hiệu của trí thông minh. Hãy nghi ngờ và tiếp tục tìm hiểu cho đến khi tìm ra.” - “Hiểu” - Đường đến tự do.