Hoàn toàn có thể ví cuốn sách Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống của J.Krishnamurti như vậy, vì giá trị quý giá ẩn tàng trong đó.
Đây là tác phẩm đầu tay của nhà hiền triết, nhà tư tưởng vĩ đại này - người đã được vinh danh là có ảnh hưởng sâu sắc nhất với ý thức của nhân loại trong thời đại hiện nay.
Thật đáng ngạc nhiên, dù đã xuất bản lần đầu từ năm 1953, nhưng tới ngày nay, tất cả những quan điểm ông nêu trong tác phẩm vẫn mới mẻ và vẹn nguyên giá trị. Tư tưởng gốc rễ và chủ đạo trong suốt cuộc đời Krishnamurti là lấy bản thể con người làm trung tâm.
Ông luôn diễn thuyết và nói chuyện để chỉ ra cho mọi người hiểu rõ việc quan trọng nhất trong hành trình sống là nhận biết bản thân mình là ai. Vì chỉ như vậy, chúng ta mới đạt được sự tự do cá nhân, không phụ thuộc vào bất cứ lý tưởng, nguyên tắc, khuôn mẫu nào cả. Đó mới chính là cách vận hành đúng đắn của sự sống, của cuộc sống. Đó cũng chính là ý nghĩa mà giáo dục phải đạt được.
Với tầm nhìn minh triết, Krishnamurti đã thấu tỏ vì sao loài người luôn phát triển theo hướng sai lầm, hoặc cố tình sai lầm theo chủ ý. Ông nhấn mạnh nhiều lần trong cuốn sách, chính phương cách giáo dục chỉ chăm chăm đào tạo người ta “nên là” cái gì, mà không phải là thúc đẩy sự hiểu biết về “cái đang tồn tại” đã khiến con người trở nên tuyệt vọng, tạo ra một thế giới đầy rẫy bất hạnh. Đây là sự giáo dục hoàn toàn thất bại.
Con người là một tổng thể hài hòa được tạo thành từ những khía cạnh khác nhau. Do đó, giáo dục lẽ ra phải mang đến sự hợp nhất các khía cạnh khác biệt này để phá vỡ tất cả rào cản trong xã hội và giữa các quốc gia, chứ không phải nhấn mạnh vào sự khác biệt và khuyến khích sự phát triển của nhiều kiểu phân loại rạch ròi dẫn đến vô vàn mâu thuẫn và xung đột.
Nói cách khác, giáo dục phải đánh thức được trí tuệ, tức năng lực nhận biết bản chất vốn đang tồn tại trong bản thân và mọi người. Nhưng hệ thống giáo dục hiện nay chỉ rèn luyện được trí năng của con người, ưu tiên kiến thức và tính hiệu quả, bỏ qua việc truy vấn ý nghĩa cuộc sống. Hậu quả khiến con người trở nên lệ thuộc, máy móc và vô minh.
Krishnamurti đã chỉ ra, giáo dục sai lầm là nguồn gốc khiến chúng ta bị giới hạn bản thân, chỉ phát triển theo hướng có lợi bề ngoài bất chấp sự tự do bên trong đau khổ, tuyệt vọng. Đó là tiền đề cho sự sợ hãi, cô độc và lạc lối của hầu hết mỗi người. Một loại hình giáo dục đúng đắn, theo ông, phải vừa khuyến khích trau dồi phương thức, nhưng quan trọng hơn phải giúp người ta hiểu được về “cái đang tồn tại”, hiểu được diễn trình của cuộc sống. Có như thế họ mới thôi sợ hãi và cuống cuồng đi tìm sự an toàn nội tâm trong vô vọng.
Với những ai làm ở lĩnh vực giáo dục, Krishnamurti có quan điểm nhân văn rúng động, nhưng vẫn khúc chiết. Ông cho rằng “dạy học” không nên trở thành một nghề của những chuyên gia như nó đang là như vậy, bởi vì khi đó tình thương sẽ phai tàn, trong khi tình thương chính là yếu tố cốt lõi của quá trình phát triển toàn diện. Tất cả chúng ta nhất thiết phải học cách trở thành người có lòng trắc ẩn, biết bằng lòng với những cái tối thiểu và tìm kiếm cái tối cao. Chỉ khi đó nhân loại mới thực sự được cứu rỗi. Ông nhấn mạnh: người dốt nát không phải là người không có học thức, mà là người không hiểu biết về chính mình.
Không có con người hoàn hảo, càng không có xã hội hoàn hảo. Điều cốt lõi là chúng ta cần thấu hiểu sâu sắc vấn đề cơ bản nhưng không đơn giản đó. “Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống” của Krishnamurti là cuốn sách cần thiết của bất cứ ai đang làm giáo dục, kể cả chuyên gia và các bậc cha mẹ, bởi vì cuốn sách có thể giúp có cái nhìn sáng rõ vấn đề cốt lõi này để sự giáo dục trở thành đúng đắn nhất.