Cánh đồng hoang sản xuất năm 1978, được coi là một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Phim do nhà văn Nguyễn Quang Sáng biên kịch, Trịnh Công Sơn viết nhạc và Nguyễn Hồng Sến làm đạo diễn. Phim đoạt nhiều giải thưởng danh giá như Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 1980, Huy chương vàng Liên hoan phim quốc tế Moscow 1981...
Với bối cảnh mênh mông, trắng xóa của Đồng Tháp Mười mùa nước nổi, trên trời là máy bay Mỹ quần thảo ngày đêm, ê kíp phim Cánh đồng hoang đã dựng lên cuộc sống đơn sơ, đầm ấm của một gia đình du kích Nam Bộ. Ngoài diễn xuất của nghệ sĩ Lâm Tới, Thúy An trong vai đôi vợ chồng, hình ảnh bé trai hồn nhiên chơi đùa, khóc cười giữa muôn vàn nguy hiểm cận kề để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả.
Diễn viên nhí trong bộ phim năm xưa sinh ra và lớn lên một ấp nhỏ cách trung tâm tỉnh Long An gần 200 km. Anh tên thật là Nguyễn Văn Bình, gọi thân thuộc là Thuận, là cháu ruột của đạo diễn Hồng Sến. Nguyễn Quang Sáng từng nói ông rất phân vân về nhân vật đứa bé trong quá trình viết kịch bản. Tuy nhiên, đạo diễn khẳng định chắc chắn với nhà văn rằng ông sẽ tìm được nhân vật như ý đồ kịch bản.
"Khi Thuận mới được 4 tháng tuổi, chú Tư (đạo diễn Hồng Sến) về nhà chơi, say mê ngắm cháu trai rồi cười tủm tỉm nói cháu ông sắp thành diễn viên. Tôi không ngờ sau đó 5 tháng, chú đưa Thuận ra giữa sông nước mênh mông để quay phim", bà Trương Thị Thu, mẹ ruột anh chia sẻ.
Tuy nhiên, trong phim có nhiều cảnh nguy hiểm khiến người xem cũng phải thót tim. "Đang ngồi nấu nướng thì có người chạy tới la lớn "Con bà bị người ta ném xuống sông…" (cảnh phim Thuận bị ngã xuống nước). Nghe vậy, tôi hốt hoảng chạy tới thì được đạo diễn Hồng Sến an ủi. Khi quay cảnh Thuận bị dồn vào túi nylon, nhấn chìm xuống nước, đạo diễn Hồng Sến khéo léo đưa tôi đi chỗ khác vì sợ tôi xót con", bà Thu kể.
Ông Nguyễn Văn Việt - bố anh Thuận, khi đó ông cũng tham gia đóng vai một du kích trong phim đã chứng kiến tất cả. "Lúc quay phim, mẹ thằng Thuận bị ông Hồng Sến gạt là ra kia tao mua trứng vịt lộn cho ăn. Khi đó bà ấy đang mang thai đứa thứ hai được 4 tháng", ông Việt nhớ lại, " Phim quay xong, Thuận ốm một thời gian khá lâu do bị ngâm nước nhiều quá. Cũng may cháu không lạ lẫm với bà Thúy An và ông Lâm Tới, cứ ăn, ngủ, khóc, cười... hồn nhiên như khi ở cùng bố mẹ", ông nói. Trong phim có cảnh em bé được mẹ cho bú. Thật ra, ở cảnh đó, bà Thu lại được gọi vào đóng thế cho diễn viên Thúy An.
Chia sẻ về vai diễn đầu tiên và cũng là duy nhất của mình, Thuận cho biết đến 15 tuổi anh mới được thấy mình trên màn ảnh dù từ nhỏ gia đình, bà con lối xóm hay kể với anh chuyện đóng phim. "Cứ mỗi dịp lễ 30.4, tôi lại được nhìn hình ảnh của mình lúc 9 tháng tuổi trên phim do đài truyền hình phát lại. Tôi thấy tự hào với bà con lối xóm vì mình được nhiều người biết đến. Sau này, con cháu cũng được nhìn thấy tôi trên TV", anh chia sẻ.
Thuận từng nuôi mộng trở thành diễn viên khi khăn gói lên Sài Gòn năm 20 tuổi để thi đại học. Càng lớn Thuận càng đẹp trai, to lớn, có nụ cười giống hệt Hồng Sến. Lên Sài Gòn, Thuận ở chung nhà gia đình Hồng Sến để nhờ "ông Tư" giúp thi vào trường điện ảnh. Nhưng Thuận đã không có duyên với điện ảnh, vì ngay sau đó Hồng Sến đổ bệnh và qua đời năm 1995. Thuận cũng gặp khó khăn hơn khi tiếp cận với môi trường điện ảnh.
Thuận về quê làm ruộng, sau đó cưới vợ, sinh con và gắn bó với nghề nông, ước mơ làm diễn viên điện ảnh chỉ còn là kỷ niệm. Nhờ ruộng đất bố mẹ cho, hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn. Trên mảnh đất từng là chiến trường khói lửa, chàng diễn viên nhỏ tuổi ngày nào ra sức khai hoang, đắp bờ, lên liếp, thau ngọt, xả phèn để cải tạo đất. Cuộc sống ngày càng khá giả. Hiện, "em bé" của Cánh đồng hoangnăm xưa đang có trong tay 10ha ruộng trồng lúa 2 vụ, máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy bơm,... trị giá tài sản khoảng 10 tỉ đồng.
Diễn viên nhí ngày nào giờ đã là bố của hai cậu con trai. Không chỉ sản xuất giỏi, Thuận còn là chiến sĩ dân quân nhiệt tình, luôn xung kích trong mọi phong trào. Thuận cùng đồng đội tham gia tuần tra bảo vệ an ninh; tham gia các hoạt động giúp dân lao động, sản xuất, xây dựng cầu, đường nông thôn. Vậy là không chỉ góp mặt làm nên bộ phim kinh điển Cánh đồng hoang mà giờ đây cậu bé Thuận ngày nào còn đang góp phần biến cánh đồng hoang Đồng Tháp Mười thời chiến tranh trở thành cánh đồng lúa vàng màu mỡ, bội thu.