Năm 2020, Covid-19 đưa thế giới bước vào trạng thái "bình thường mới", thay đổi nhiều quan niệm, thói quen, nhu cầu của con người trên toàn cầu.
Tuy vậy, đây không phải lần đầu thế giới chống chọi với đại dịch. "Cái chết đen" – căn bệnh dịch hạch gây tổn thất 60% dân số Châu Âu ở thế kỷ 14 – khiến con người một lần nữa nhìn nhận cuộc đời rất ngắn ngủi, và họ cần sống cho những mục tiêu thật sự quan trọng đối với bản thân.
Dù không để lại hậu quả nặng nề như một số đại dịch trong quá khứ, Covid-19 vẫn là biến cố, tạo ra những thay đổi đáng kể cho nền kinh tế, thị trường việc làm, cuộc sống xã hội, và quan niệm của người tiêu dùng.
Ở thị trường Việt Nam, dựa trên 2 cuộc khảo sát được thực hiện trong năm nay, nền tảng tiếp thị di động Adtima đã đưa ra 4 xu hướng mới, chi phối quyết định mua hàng của người dùng Việt vào mùa mua sắm cuối năm 2021 như sau.
Xu hướng thứ nhất – Tối ưu chi tiêu Tết. Người dùng sẽ có xu hướng tiết kiệm nhưng vẫn không muốn đánh mất đi tinh thần háo hức, rộn ràng trong việc mua sắm Tết. Hành vi mua sắm mới diễn ra chủ yếu ở kênh thương mại điện tử trong giai đoạn bình thường mới.
Người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu ít hơn, đồng thời cân nhắc nhiều hơn khi mua sắm. Cụ thể, theo nghiên cứu của Adtima, 76% người dùng chủ động tìm kiếm kênh bán hàng cam kết bình ổn giá; 64% tìm kiếm khuyến mãi, giảm giá; 39% lựa chọn nhãn hàng cung cấp hậu mãi và chăm sóc khách hàng. Đặc biệt, 21% khách hàng đã cởi mở hơn với việc chơi game tương tác của nhãn hàng hay xem quảng cáo để nhận khuyến mãi đặc biệt.
Thương mại điện tử cũng lên ngôi với số lượng đơn hàng online và đặt món trực tuyến tăng 25-26% trong đợt cách ly xã hội. Xu hướng mua sắm online trong những dịp gần đây đã thay đổi đáng kể, với 39% mua sắm trên website thương mại điện tử, 33% mua sắm ở các mạng xã hội và 22% trên các nền tảng khác. Quá trình trải nghiệm mua sắm online cũng giúp người dùng có niềm tin hơn với hình thức này, mở đường cho các doanh nghiệp thực hiện chiến lược marketing thú vị, đột phá hơn nhằm chinh phục người dùng.
Xu hướng thứ hai – Số hóa Tết cổ truyền. Người dùng trong giai đoạn mới hướng đến đơn giản hóa các nghi thức ăn Tết, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Sự dịch chuyển hành vi này diễn ra trên kênh kỹ thuật số.
Tết là dịp đặc biệt trong văn hóa Việt Nam, mang ý nghĩa của sự đoàn tụ, khởi đầu cho sự may mắn, tuy nhiên Tết cũng mang đến nỗi lo cho không ít người Việt.
Cụ thể, 23% người tham gia khảo sát cho rằng việc dọn dẹp nhà cửa là một gánh nặng; 15% cảm thấy nặng nề với những tập tục như lì xì cho quá nhiều con cháu; 14% cảm thấy không thoải mái với việc đi tặng quà cho sếp hay họ hàng; và hầu như gen Z và gen Y đều mang "gánh nặng" khi bị hỏi về việc lập gia đình hay các yếu tố về lương, thưởng.
Trong bối cảnh đó, 38% người dùng mong đợi các nhãn hàng thay họ truyền tải được thông điệp chúc Tết ý nghĩa qua các chiến dịch, 35% người dùng mong muốn những kênh kỹ thuật số truyền tải được nhiều không khí Tết hơn. Từ đó, những món quà hay món tiền lì xì nho nhỏ được trao đi cũng mang nhiều thông điệp ý nghĩa, được cá nhân hóa và vẫn đậm đà chất Tết.
Xu hướng thứ 3 – Toàn tâm cho tình thân. Sau những biến động do COVID-19, người Việt có xu hướng ngày càng trân trọng gia đình, sống thật với tâm tư tình cảm của mình và gắn kết nhiều hơn với người mình thật sự yêu thương.
50% người được hỏi hướng đến việc dành trọn ngày Tết cho gia đình nhỏ, và chỉ 19% dành thời gian cho người yêu hay bạn bè. Thực trạng này xuất phát từ đợt giãn các xã hội của dịch Covid-19, khiến mọi người có nhiều thời gian ở bên cạnh gia đình, giúp họ thêm hiểu và trân trọng những giá trị của tổ ấm.
Chính điều này khiến người Việt có xu hướng dành nhiều thời gian cho gia đình vào dịp Tết này thay vì xu hướng dịch chuyển, tận hưởng những chuyến du lịch nước ngoài thường thấy ở những năm trước. Họ cũng muốn tặng người thân những món quà ý nghĩa và những hoạt động thú vị để gắn kết các thành viên trong gia đình.
Theo đó, những quảng cáo giàu tình cảm gia đình, khơi gợi được ý nghĩa trân trọng người thân yêu sẽ chinh phục được người dùng và xây dựng được tình cảm với khách hàng. Doanh nghiệp cũng cần cung cấp những sản phẩm có chi phí phù hợp, cùng nhiều giải pháp mua sắm để khách hàng có mùa Tết trọn vẹn hơn.
Xu hướng thứ tư – Sống cái tôi trọn vẹn. Người dùng ngày càng mong muốn và hướng đến việc sống thật với chính mình và yêu thương bản thân mình nhiều hơn.
Chính bối cảnh ở nhà vì giãn cách xã hội, người Việt có nhiều thời gian hơn để chiêm nghiệm về bản thân, điều chỉnh mối bận tâm, tập trung vào những giá trị thật sự quan trọng.
Theo đó, 68% người tiêu dùng mong muốn có sức khỏe tốt hơn, 25% lo lắng không đủ thời gian để chăm sóc bản thân. Về tiêu dùng, 57% quan tâm đến chủ đề sức khỏe trên các kênh online dịp Tết và 19% sẵn sàng chi tiêu cho sản phẩm sức khỏe và làm đẹp. Ngoài ra, thiết bị công nghệ là mặt hàng được quan tâm đặc biệt, với 42% người dùng sẵn sàng "móc hầu bao" cho smartphone, TV, laptop mới. Bên cạnh đó, 26% khách hàng sẵn lòng mua thiết bị điện gia dụng để tân trang, cải tạo nhà cửa.
Theo Trí Thức Trẻ