Người giàu giả nghèo, người nghèo giả giàu, chỉ có kiểu thứ 3 mới thực sự là khôn ngoan nhất

23/11/2020 07:30
Người giàu giả nghèo, người nghèo giả giàu, chỉ có kiểu thứ 3 mới thực sự là khôn ngoan nhất

Đồng tiền luôn phát ra âm thanh nhưng tờ tiền thì im lặng. Vì vậy, dù là người giàu hay người nghèo cũng cần biết, khi giá trị của bạn tăng lên, hãy luôn giữ im lặng.

Có câu chuyện kể rằng, nhà vua cùng các quan đại thần đi nghỉ mát tại sơn trang để tránh nóng. Trong một lần nhàn rỗi, ông vừa đi dạo, vừa hỏi chuyện hai tâm phúc của mình rằng:

“Hai vị ái khanh hãy nói xem, ai mới là người giàu nhất thiên hạ này?”

Một vị lập tức nịnh nọt trả lời: “Đương nhiên là Thánh thượng giàu nhất vì cả thiên hạ này đều là của Ngài rồi”.

Một vị còn lại thẳng thắn trả lời: “Thần cho rằng, người giàu nhất là người cần kiệm. Nếu biết cần kiệm thì dù nhà chỉ có bốn bức tường cũng sẽ dần dần mà giàu có”.

Nhà vua lại hỏi: “Thế ai mới là người nghèo nhất thiên hạ này?”

Vị nịnh thần đáp: “Còn ai ngoài kẻ ăn mày, trên không có một viên ngói, dưới không có mảnh đất cắm dùi”.

Vị thần tử còn lại đáp: “Kẻ nghèo nhất thiên hạ chính là người tham lam. Đã tham lam thì cho dù có gia tài bạc triệu rồi cũng sẽ tiêu xài sạch sẽ!”

Quả thật, cuộc đời giống như một ván cờ. Chuyện giàu - nghèo giống như hai quân đang ở giữa trận chiến, đan xen lẫn lộn với nhau, không thể phân định rõ ràng.

Cuộc sống cũng không thể phân chia đơn giản thành người giàu hay người nghèo, vì họ còn chia ra, người giàu giả nghèo, người nghèo giả giàu.

Kiểu thứ nhất: Người nghèo giả giàu, che giấu sự tự ti, mặc cảm của chính mình

Có câu nói rằng: “Nghèo không phải cái tội, nhưng nghèo thì vô hình trung đã trở thành nỗi xấu hổ của nhiều người.”

Xấu hổ vì cái gì? Suy cho cùng, chúng ta tự ti, mặc cảm đều là do vấn đề hư vinh, thể diện với người ngoài.

Trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta có thể thường xuyên phát hiện không ít người bên cạnh luôn “ra vẻ giàu có” trong những trường hợp đông người để tăng thể diện.

Chẳng hạn như, nếu họp lớp, họ sẽ tranh trả tiền bằng thẻ tín dụng, không quên nói đệm vài câu như là “Ai mà tranh trả tiền với tôi thì chính là coi thường thằng bạn này!”.

Đằng sau bữa tối hào phóng đó, có thể họ sẽ phải tằn tiện từng đồng tiền đi lại, ăn uống của một tháng sau.

Hoặc là khi họ hàng tụ tập vào các dịp lễ Tết, ăn giỗ, một số người không ngừng khoe khoang về nghề nghiệp của mình, thậm chí còn cố tình bịa đặt con số tiền lương và thu nhập để “giữ thể diện”.

Những hành động này đều tạo thành một loại cảm giác hư vinh phù phiếm, giúp họ giành được sự tôn trọng của người xung quanh. Bản chất được che giấu đằng sau chỉ có sự tự ti và mặc cảm. Về cơ bản, mọi người đều đang theo đuổi tâm lý chung “tham phú phụ bần”. Càng là người trẻ, ít có cơ hội chiêm nghiệm về đời thì tâm lý này lại càng mãnh liệt.

Làm con cái, họ không muốn cha mẹ mình bị khinh thường. Làm hàng xóm, họ không muốn bị mọi người xung quanh không quan tâm. Làm một con người, họ không muốn lòng tự trọng bị đả kích.

Do đó, họ lựa chọn giả vờ, khoác lên một tấm áo hào phóng và giàu có để tự thổi phồng bản thân.

Kiểu thứ hai: Người giàu giả nghèo, tự bảo vệ mình

Nếu "người nghèo giả vờ giàu" là một mặc cảm tự ti, thì "người giàu giả vờ nghèo" là một loại tâm lý "tự bảo vệ mình".

Nghèo ở chợ đông không người hỏi, giàu nơi núi thẳm vẫn có khách tìm. Sự giàu có đôi khi cũng mang lại cho họ rất nhiều rắc rối. Đó có thể là rắc rối từ người thân, bạn bè hoặc thậm chí là những người xa lạ.

Họ hàng có thể lấy quan hệ “huyết thống” để truy cầu sự trợ giúp, nếu từ chối, bọn họ có thể công khai lên án bạn bằng vô số ngôn từ chính nghĩa và đạo đức con người. Bạn bè lại mượn danh “nhân nghĩa” để tiếp cận các cơ hội tiến thân tốt hơn thông qua mối quan hệ với bạn.

Những người càng có danh vọng hay vật chất thì càng khó kiểm soát được dục vọng (tham muốn) của bản thân cũng như những người xung quanh. Hơn nữa, người ta càng đặt kỳ vọng vào họ cao hơn những người khác. Những việc mà họ làm nếu như không đạt được kết quả như mọi người mong đợi thì sẽ khiến người ta nảy sinh tâm oán hận. Đó chính là lý do mà người xưa thường nói, “Người sợ nổi tiếng, heo sợ mập”. Giữ im lặng đôi khi là cách họ tự bảo vệ chính mình.

Tiền bạc của người giàu cũng không rơi xuống từ trên trời, cuộc sống ổn định cũng không phải người khác đem cho. Họ kiếm tiền không dễ nên lại càng phải cẩn trọng và đề phòng những ai tiếp cận với tâm lý lợi dụng.

Kiểu thứ ba: Giàu cũng được, nghèo cũng được, quan trọng là tự tại

Nếu có người hỏi, trên đời có kiểu người thứ ba hay không, thì câu trả lời là có. Ngoại trừ người nghèo giả giàu và người nghèo giả giàu như hai trường hợp trên, còn có một kiểu đối tượng: Họ có thể nghèo, cũng có thể giàu, cũng có thể chẳng nghèo chẳng giàu, nhưng họ tôn trọng chính cuộc sống thực của mình và không cần khoác lên mình bất cứ vỏ bọc nào.

Có người từng nói, “Quá khiêm tốn cũng là một kiểu khoe khoang”.

Chẳng hạn, một người đạt điểm 10 duy nhất trong cuộc thi nhưng lại luôn miệng nói “Cũng thường thôi, mình chỉ học qua qua thôi mà” thì phản tác dụng hoàn toàn. Cho nên, quá kiêu ngạo để che giấu sự tự ti hay quá khiêm tốn để tự bảo vệ đều là một loại thái độ cực đoan.

Chỉ sống tự tại ngay trong hiện tại, không cần thể hiện hào nhoáng, không cần khoe khoang gì nhiều vì sự im lặng an tĩnh mới thực sự đem tới cho con người cảm giác bình yên nhất.

Có câu chuyện xưa kể rằng, một thanh niên trẻ luôn sống trong ưu sầu, lo nghĩ, tìm đến một ngôi chùa cổ thanh tu. Tại đây, anh gặp một thiền sư già.

Anh bèn lại gần hỏi: "Thưa thầy, một người phải làm thế nào mới có thể sống vui vẻ, khoái hoạt hơn?"

Vị thiền sư mới đáp: “Không khó, anh chỉ cần làm được bốn điều mà thôi. Đó chính là, đặt bản thân mình là người khác, đặt bản thân người khác là mình, đặt người khác là người khác và đặt mình là mình.”

Quả thực, ý nghĩa chân chính bốn câu nói của vị thiền sư khi xưa đúc kết đó là:

1. Khi đặt bản thân mình là người khác để đối đãi thì chính là vô ngã.

2. Khi đặt người khác là bản thân mình để đối đãi thì đó chính là từ bi.

3. Khi đặt người khác chính là bản thân họ để đối đãi thì đó chính là trí tuệ.

4. Khi đặt bản thân mình là bản thân mình để đối đãi thì đó chính là tự tại.

Trong cuộc đời, nếu một người có thể chân chính hiểu và đạt được bốn loại cảnh giới này thì họ mới thực sự trưởng thành cả về thể xác lẫn tâm trí, trở nên bản lĩnh và khôn ngoan hơn.

Trí thức trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025