Trộm vào nhà, hai vợ chồng biết nhưng không ai nhúc nhích: lý do khiến hàng xóm chê cười

22/11/2020 07:30
Trộm vào nhà, hai vợ chồng biết nhưng không ai nhúc nhích: lý do khiến hàng xóm chê cười

Vì lý do gì mà ngay cả khi tên trộm táo tợn thò tay ra định với trang sức đeo trên người vợ, ông chồng vẫn ngồi im như tượng?

1. Vợ chồng đánh cược

Ngày xưa có một đôi vợ chồng. Vào một ngày nọ, họ làm ra ba chiếc bánh. Hai vợ chồng mỗi người ăn một chiếc, còn thừa lại một chiếc. Họ đánh cuợc với nhau rằng sẽ cùng bất động, người kiên trì tới cuối cùng sẽ được ăn bánh.

Thật không may, nửa đêm có tên trộm mò đến nhà họ trộm đồ. Tên trộm vơ vét sạch tất cả những thứ đáng tiền ở trong nhà.

Thấy hai vợ chồng biết rõ trộm ngay trước mắt nhưng không hề động đậy, hắn càng liều lĩnh, vươn tay định lấy đồ trang sức bà vợ đang đeo trên người. Ông chồng nhìn thấy, vẫn ngồi yên như tượng.

Bà vợ sốt ruột, vung tay hất bàn tay đang vươn ra của tên trộm. Ai ngờ ông chồng đã không giúp thì chớ, còn vỗ tay cười to: "Ha ha, bà động đậy trước, tôi thắng rồi! Cái bánh thuộc về thôi!"

Hàng xóm láng giềng nghe được chuyện này, họ chỉ còn biết thốt lên: Cạn lời!

Lời bình

Có rất nhiều nỗi đau khổ trong cuộc đời đều bắt nguồn từ sự ganh đua mù quáng. Có người ganh đua với bản thân, ganh đua với người khác, ganh đua với vận mệnh mà quên mất việc trân trọng những gì đang có, quên rằng phải sống một cách chân thật.

Con người sống trên đời, vừa cần phải có thái độ sống cho hiện tại, vừa cần phải có sự sáng suốt để không ganh đua. Cứ vướng mãi vào những chuyện nhỏ nhặt vụn vặt, so đo tính toán với chính mình và với người khác sẽ chỉ khiến bản thân sa vào thế giới giả dối kém chân thật mà thôi.

2. Anh ngốc ăn muối

Ngày xưa có một anh ngốc. Anh ta đến làm khách nhà người ta, chủ nhà tốt bụng giữ anh ta lại ăn cơm. Anh ngốc chê thức ăn nhạt quá, không có vị gì.

Chủ nhà biết được liền cho thêm một chút muốn vào thức ăn của anh ta. Anh ngốc nếm món ăn đã thêm muối, cảm thất rất ngon miệng.

Anh ta như ngộ ra một điều: "Thức ăn ngon là bởi có cho thêm muối. Thêm một chút mà đã thế, nếu như cho nhiều nữa, vậy chẳng phải sẽ thành cao lương mỹ vị ư?"

Nói xong, anh ngốc giằng lấy lọ muối và bắt đầu ăn vã muối. Anh ta ăn tới mức cả miệng mặn chát, đầu lưỡi mất đi vị giác, chẳng những không nếm được vị ngon như tưởng tượng mà còn chịu khổ vì muối.

Lời bình

Có những thứ dù có tốt đẹp thế nào đi chăng nữa cũng cần phải ở mức độ vừa phải, ta mới thưởng thức được hương vị tuyệt vời trong nó. Một khi vượt quá giới hạn bản thân có thể chấp nhận được, chỉ có thể dùng "tốt quá hóa hỏng" để hình dung. Nếu chạy theo nhu cầu hưởng thụ quá đáng, ham muốn, dục vọng của con người sẽ ngày càng lớn hơn.

Chu Hi từng nói: "Ăn uống là việc thường tình; đòi sơn hào hải vị và do ham muốn. Lấy vợ là việc thường tình, đòi năm thê bảy thiếp là do ham muốn."

Bản thân ham muốn không phải là chuyện xấu, con người đói thì muốn ăn cơm, lạnh thì muốn thêm áo, những việc này đều là do bẩm sinh. Ấy vậy mà rất nhiều người không chỉ muốn được ăn no, mà còn đòi bữa nào cũng có sơn hào hải vị; không hài lòng với cuộc sống đang có, còn không ngừng theo đuổi danh lợi, thói tham lam, dục vọng mỗi lúc càng mất kiểm soát.

Trong cuộc sống này, trong số những người chất chứa quá nhiều công danh lợi lộc trong tâm, thử hỏi có mấy người thực sự "leo" được đến đỉnh cao của cuộc đời?

Chỉ có những người không toan tính, mưu cầu danh lợi, không có gánh nặng về mặt tinh thần mới có thể an toàn chạm tới đỉnh cao của nhân sinh, chạm tới độ cao tuyệt đối của sinh mệnh.

Quả thật trên đời này, dục vọng là thứ cạm bẫy sâu nhất và cũng là đáng sợ nhất đối với con người. Dục vọng càng nhiều, cong người sẽ càng không thỏa mãn, càng không vui mà chỉ cảm thấy sầu não hơn.

Chỉ có tẩy sạch các loại hư vọng trong tâm, buông bỏ lòng tham, trở về bản chất chân thật, con người mới có thể nhìn thấu rằng tất cả vinh hoa phú quý của thế gian giống như mây khói thoảng qua, rốt cuộc đều là sắc tướng vô thường, cuối cùng mới trải nghiệm được niềm vui vô tận của sinh mệnh.

Con người phải nếm trải hết mọi đau khổ trong cuộc sống chính là bởi vì phạm sai lầm khi coi ham muốn là cần thiết.

Khi bạn không nắm chắc được mức độ, xin hãy nhớ rằng:

Ngàn gian nhà rộng thênh thang

Đêm nằm ngủ chỉ vài gang là vừa

Tiền muôn bạc vạn thãi thừa

Ngày ăn ba bữa, cất chừa làm chi?

3. Rùa mở miệng

Ngày xưa có một con rùa nọ, nó thấy trên đầu có con chim nhạn bay qua, lòng vô cùng hâm mộ. Nó bèn nói với chim nhạn: "Có thể mang theo tôi bay trên trời một vòng không?"

Chim nhạn tốt bụng đồng ý. Nó nghĩ ra cách ngậm trong miệng một đầu của cành cây và để cho rùa ngậm đầu còn lại của cành cây đó, như vậy là có thể mang rùa lên trời.

 Trộm mò vào nhà khoắng đồ đạc, 2 vợ chồng biết nhưng không ai nhúc nhích: Lý do phía sau khiến hàng xóm không thốt lên lời - Ảnh 1.

Trước khi bay, chim nhạn năm lần bảy lượt dặn dò: "Lát nữa bay lên, cho dù gặp phải bất cứ chuyện gì cũng đừng mở miệng nhé."

Thấy rùa gật đầu đồng ý, chim nhạn bèn ngậm cành cây, đem theo rùa bay lên trời.

Một chim một rùa bay lên ngày càng cao, chim chóc thấy vậy liền lượn vòng thành đàn quanh chúng.

Đám chim kêu ầm ĩ: "Mau nhìn kìa! Cái con rùa ngu ngốc này bị chim nhạn bắt đi mất rồi!"

Rùa cảm thấy bị sỉ nhục, nó gào ầm lên: "Tôi bay cùng với chim nhạn chứ không phải bị bắt!"

Còn chưa nói hết câu, nó đã rơi từ trên trời xuống dưới đất, ngã tan xương nát thịt.

Lời bình

Người ta nói: Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra. Con người thường chỉ cần thời gian hai năm để học nói, nhưng lại phải tốn cả sáu chục năm để học được cách ngậm miệng. Nếu một người kiểm soát được lời nói của mình, đường đời ắt có thể suôn sẻ hơn nhiều.

Trong "Luận ngữ" có nói: "Nói chuyện với quân tử cần để ý ba lỗi: Chưa tới lúc nói đã nói, ấy gọi là hấp tấp; lúc cần nói lại không nói, ấy gọi là che giấu; nói  bất chấp vẻ mặt người khác, ấy gọi là đui mù."

 Trộm mò vào nhà khoắng đồ đạc, 2 vợ chồng biết nhưng không ai nhúc nhích: Lý do phía sau khiến hàng xóm không thốt lên lời - Ảnh 2.

Con người thường hay phạm phải ba sai lầm:

Còn chưa nói tới, ta đã tranh phát biểu ý kiến, đó gọi là hấp tấp;

Đã nói tới rồi, ta lại ậm ậm ừ ừ không chịu nói rõ, đó gọi là giấu giếm;

Không để ý vẻ mặt người khác, mở miệng là nói linh tinh, đó gọi là đui mù.

Con rùa sở dĩ tan xương nát thịt là bởi không biết cách ngậm miệng lúc cần thiết. Tương tự như vậy, chúng ta cũng nên rút ra bài học cho chính mình. Nếu như chúng ta không học được cách giữ mồm giữ miệng, giữ im lặng đúng lúc đúng chỗ thì khi cần im lặng, chúng ta sẽ không thể nào ngậm miệng được và kết cục cũng giống như con rùa kia. Chỉ khi kiểm soát tốt được cái miệng của mình, chúng ta mới có thể ngăn chặn tốt hơn thị phi và tai họa đến với mình.

Hãy kiểm soát được cái miệng của mình trước, sau đó vững bước trên con đường của mình, cần làm gì thì hãy làm nấy, muốn sống như nào thì cứ sống như vậy.

Chỗ nào có con người, chỗ đó sẽ có thị phi. Bởi thế, chúng ta đừng nên tuỳ tiện đánh giá người khác hay phán xét cuộc sống của người khác, cũng không cần để tâm người khác nói mình như thế nào, chỉ cần mình sống tốt, làm tốt việc của mình là được.

Hãy chia sẻ nếu bạn thấy những câu chuyện nhỏ trên đây ý nghĩa và mang lại giá trị cho mọi người.

Pháp luật & Bạn đọc


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024