Về thăm xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, hỏi nhà ông Nguyễn Văn Trường - bà con làng xóm đều biết. Căn nhà của ông Trường nổi bật giữa làng bởi hàng nghìn chiếc bát đĩa được đắp nổi khắp xung quanh, từ cổng, cầu thang, bờ tường cho tới các phòng.
Bà Hồ Thị Nga cho biết, chồng bà vừa ra đi cách đây 100 ngày, hưởng thọ 63 tuổi. Ông Trường mất khi tâm nguyện hoàn thành ngôi nhà vẫn còn dang dở.
“Đến lúc ông ra đi, tôi vẫn hối tiếc, đáng nhẽ ông sống thêm 1-2 năm nữa để hưởng thụ. Tôi nghĩ thương ông. Đến bây giờ tôi thấy xúc động thành quả chồng tôi tạo ra, nhiều người có tiền cũng không làm được”, bà Nga tự hào.
Ông Trường trước đây từng làm nghề thợ mộc. Trong một lần đến sơn bàn ghế cho một gia đình làm nghề buôn bán đồ cổ ở huyện, ông bắt đầu thấy thích và đam mê từ đó. Ông Trường cho biết, hầu hết các mảnh gốm, sứ ông mua đều tương đối rẻ, chỉ có một vài mảnh có niên đại từ thế kỷ 17 và 18.
Khi kinh tế không đủ, ông đi xin cả những món đồ cũ, thậm chí cả những chiếc bát sứ đã vỡ, chai lọ người ta bỏ đi để đem về gắn lên nhà. Ông đạp xe đến các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang..., mua đồ cũ đầy xe rồi cho vào bao, gửi xe đò về Vĩnh Phúc. Có những lần ông biệt tăm tới mấy tháng, bà Nga ở nhà lo sốt vó.
“Vợ chồng tôi cãi nhau suốt vì cứ có bao nhiêu tiền, ông đắp hết vào đồng đồ. Có những khi ông đi liền 3 tháng, chở về cả thùng chén bát. Tôi hỏi ông, thế có ăn được không mà cứ đi mua mấy thứ đó về làm gì? Ông nói không ăn trước thì ăn sau”, bà Nga kể lại.
Bất lực, bà đành phó mặc để ông tự do làm những gì ông thích. Suốt 30 năm, ông ròng rã trang trí ngôi nhà, đắp vẽ suốt đêm ngày. Tất cả những chiếc bát, đồng xu, ông tự trát xi măng bằng đôi bàn tay mà không cần phải dùng đến bay.
Một số người trong làng cũng bàn tán xì xào, nói ông khùng, thừa thời gian, làm những việc vô bổ. Nhưng ông Trường không bận tâm, ông nói, chỉ có cách gắn hết lên tường như vậy mới bảo vệ được những di sản mà ông cha ta để lại, cất giữ được nhiều cổ vật mà không lo bị mất trộm hay bị gạ bán.
Căn nhà của ông Trường có tổng diện tích 114 m2, gồm 4 phòng ngủ và một phòng khách. Hiện tại, ngôi nhà của dị nhân được bao phủ trong gần 10.000 đĩa sứ, bát và bình. Rất nhiều hình ảnh độc đáo của căn nhà đã được lan truyền trên các phương tiện truyền thông.
Kể từ ngày ông ra đi, bà Nga là người thay chồng, lau chùi gìn giữ "gia tài" để lại. Hiện chỉ còn mình bà sống trong căn nhà rộng, con cái đều đã lập gia đình, thi thoảng về chơi. Xung quanh căn nhà đều gắn với kỷ niệm, hình bóng của ông ngày còn sống, đối với bà Nga, đó là kho báu không gì sánh bằng.
“Có người trả 5 tỷ tôi cũng không bán, kể cả chục tỷ cũng không. Tôi muốn hoàn thành tâm nguyện của ông, lưu giữ căn nhà lại cho con cháu sau này”, bà Nga khẳng định.
Nguồn: Độc lạ Bình Dương; Tổng hợp