Quá khứ bất hạnh
Ông Yang Shenlin được sinh ra ở Chu Khẩu, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Ngay từ nhỏ, ông đã sống trong một gia đình nghèo. Mẹ ông sớm qua đời vì bệnh tật, ba phải một mình làm việc vất vả để nuôi ông và anh trai. Không lâu sau, ba cũng qua đời khi cả hai anh em còn ở tuổi niên thiếu.
Để sống sót, ông Yang và anh trai đã phải lang thang khắp nơi, thấm nỗi cay đắng và đau khổ khi không còn ba mẹ bên cạnh. Ông Yang đến Vũ Hán, tìm một công việc ở công trường xây dựng để kiếm tiền. Nhiều năm sau, khi đã tích cóp được khoản tiền nhỏ, ông đã mở một quầy bán rau ở chợ. Quầy rau này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông.
Tháng 5/1992, ông Yang đang dựng sạp, đi đổ rác vào sáng sớm như thường ngày, thì nghe thấy tiếng khóc của một đứa bé. Lần theo tiếng động, anh tìm thấy một chiếc nôi trên bãi cỏ cạnh thùng rác, bên trong có một bé gái còn rất nhỏ.
Ông Yang đã mang chiếc nôi đi hỏi han khắp nơi nhưng không ai nhận là ba mẹ của đứa trẻ. Nhiều người khuyên ông nên để đứa trẻ lại chỗ cũ, vì nó sẽ ảnh hưởng đến hôn nhân của ông. Thế nhưng, khi nhìn thấy nụ cười của đứa trẻ, ông Yang đã mủi lòng. "Tôi sẽ nuôi nó. Có lẽ đây là số phận. Dù người khác có nói gì, dù cho không cưới được vợ, tôi cũng sẽ giữ đứa bé lại", ông Yang cương quyết.
Khi biết chuyện, người chủ nhà ông Yang đang thuê cũng chủ động giúp đỡ và hướng dẫn ông Yang cách chăm sóc con. Ông không ngần ngại lấy tiền tích cóp để đi mua bình sữa, sữa bột và vài bộ quần áo.
Vừa nuôi con vừa bán rau, ông Yang đã phải sống một cuộc sống vô cùng khó khăn. Bản thân ông còn phải nghe những lời cười nhạo của xã hội dành cho mình. Trước sự tủi thân ấy, ông Yang thấy được an ủi khi nhìn con lớn lên từng ngày, cất tiếng gọi ông là ba.
2 năm sau, một chuyện kỳ lạ đã xảy ra. Trong một buổi chiều, khi những người bán hàng rong đang dọn hàng, ông Yang thấy một nhóm trẻ đang tụ tập quanh thùng rác. Lúc đó, ông tiến lại gần thì phát hiện có một đứa trẻ 1 tuổi đang nhặt đồ ăn thừa trong thùng rác.
Ông Yang mới giải tán đám đông, mua một hộp cơm chiên trứng và sữa cho bé ăn, rồi hỏi ba mẹ bé ở đâu. Vì chưa thể nói chuyện, đứa trẻ ấy chỉ im lặng, tiếp tục ăn. Ông Yang đành đưa bé đến đồn cảnh sát, nhưng cũng không thu được kết quả gì.
Vào lúc ông chuẩn bị rời đi, đứa bé ấy đột ngột nắm lấy áo và gọi ông là ba. Lúc ấy, ông Yang đã đưa đứa trẻ thứ hai về nhà chăm sóc.
Tình thương của người không cùng máu mủ
Ông Yang xem hai đứa trẻ như con ruột, lo lắng và cho chúng đến trường như bao đứa trẻ khác. Để lo cho đời sống của gia đình nhỏ, ngày nào ông cũng dậy sớm, thức khuya. Ban ngày, ông đi bán rau, còn tối thì ông đi bán thêm bánh xèo và trái cây ở cổng trường.
Hàng chục năm sau, ông Yang mệt mỏi đến nỗi tóc bạc trắng, hai chân cong vẹo vì bệnh thấp khớp. Thấu hiểu nỗi khổ cực và hi sinh của ba nuôi, hai đứa trẻ rất chăm học. Người con gái út của ông cũng học rất giỏi và lấy được bằng tiến sĩ ở ngôi trường nổi tiếng tại Vũ Hán.
Người con gái lớn đề nghị nghỉ học để đi làm phụ ba nhưng ông Yang một mực không đồng ý. Đó là lần đầu tiên cô chứng kiến ông Yang nổi giận với mình nên cũng ý thức được tình thương của ba. Cuối cùng, cô cố gắng học và được nhận vào trường quân sự mà mình yêu thích.
Trong quá trình học tại đây, học viện quân sự đã tổ chức khám sức khỏe và vô tình tìm được ba mẹ ruột của cô thông qua xét nghiệm DNA. Ba mẹ ruột vì biết cô có một tương lai rộng mở nên đã có ý định muốn nhận lại con.
Khi cô vừa tan học và đang trên đường về nhà, phụ ông Yang bán rau, ba mẹ ruột đã đến gặp, giải thích vì nhà nghèo nên bỏ rơi cô và ngỏ ý định muốn cô về sống với họ. Lúc này, ông Yang cũng kể hết mọi chuyện và để cho cô tự ý quyết định. Tuy nhiên, cô dõng dạc nói rằng: "Tôi đã đợi 3 ngày, 3 đêm ở bãi rác. Nhưng người đến đón tôi chỉ có ông Yang. Ông ấy chính là người duy nhất tôi gọi là ba".
Nghe câu này, những người hàng xóm chứng kiến đã vỗ tay khen ngợi. Đứng cạnh cô, ông Yang nở nụ cười rất tươi.
Sau này, hai người con gái của ông Yang đều có sự nghiệp rất thành công. Còn ông Yang thì được các con phụng dưỡng, sống tuổi xế chiều trong cảnh an nhàn.