Trong cuộc sống hàng ngày, ai cũng sinh hoạt và làm việc chung với các đồ vật, dụng cụ. Người có khả năng tiếp xúc, sử dụng dụng cụ, đồ vật tốt thì cũng sẽ giỏi giang trong cuộc sống và trong công việc.
Mục đích của việc dọn dẹp là sắp xếp, phân chia đồ vật ngăn nắp, quyết định vị trí đặt đồ vật. Trong tiếng Nhật từ “phân biệt” (wakeru) và “hiểu” (wakaru) là những từ có cùng gốc. Vì vậy, nếu có khả năng phân biệt đồ vật thì đó cũng có nghĩa là hiểu được đồ vật, và nhờ hiểu được đồ vật, khả năng tư duy của trẻ cũng được phát triển.
Lưu ý khi sắp xếp đồ vật, ngoài mục đích vì sự tiện lợi của bản thân mình còn phải biết cân nhắc sự tiện lợi của cả gia đình khi cần sử dụng.
Sắp xếp, dọn dẹp không phải là một việc khó. Song, việc sắp xếp thực sự không đơn giản chỉ là “trả đồ vật trở về vị trí cũ” và “làm căn phòng trở nên ngăn nắp, sạch sẽ”.
Nếu thông thạo 3 nguyên tắc này, việc dọn dẹp sẽ dễ dàng hơn và cũng khiến trẻ hứng thú hơn. Trước khi nói “con dọn dẹp đi nhé”, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là bỏ đi những thứ không cần thiết, tiếp theo là để những đồ vật cần dùng vào vị trí thích hợp và cuối cùng là xác định số lượng vừa đủ dùng. Hãy làm theo cách trên và giải thích cho con: “Con nhìn này, đặt từng đồ vật về chỗ cũ thế này trông đẹp không nào!”.
Hầu hết các trẻ khi được giao công việc dọn dẹp đều không biết nên bắt đầu từ đâu. Nhờ có cha mẹ cùng làm, việc dọn dẹp căn phòng của con trở nên dễ dàng hơn, từ đó con có thể sắp xếp dọn dẹp cả ngôi nhà.
Nguyên tắc 1: “bỏ bớt”
Ngay cả trẻ mầm non cũng có thể phân biệt được “đồ vật cần dùng” và “đồ vật không cần dùng” nhưng trẻ vẫn cần có sự giúp đỡ của cha mẹ khi phân loại. Vì trẻ chưa hiểu rằng không cần thiết giữ lại những đồ vật không cần dùng, nên các con luôn giữ lại mọi thứ, làm cho căn phòng bừa bộn. Nội dung chính của sách này không trình bày chi tiết thế nào là các vật dụng không cần thiết. Nếu cha mẹ nào quan tâm chủ đề này hãy tham khảo một quyển sách khác của tôi: “Mẹ cùng con dọn dẹp giỏi”.
Nguyên tắc 2: “định vị trí”
Phải quyết định được vị trí đặt để đồ vật trước khi sắp xếp. Có thể, con sẽ cảm thấy phiền phức khi mỗi lần sử dụng xong phải đem đồ vật để lại vị trí đã quy định. Hãy giải thích cho con rằng vị trí đó là phù hợp nhất, để bất cứ khi nào các thành viên trong gia đình cần sử dụng, đồ vật luôn sẵn sàng ở vị trí thuận lợi nhất.
Đầu tiên hãy chia phòng con ra thành từng khu vực. Khu học tập, khu đồ chơi, khu quần áo. Nếu không phân phòng ra thành 3, 4 khu vực như thế thì sẽ khó quản lý.
Sau khi phân chia những khu vực lớn, hãy tiếp tục phân chia từng nhóm nhỏ hơn. Ví dụ, trong khu đồ chơi, bạn có thể sắp xếp: “nhóm các loại xe đồ chơi”, “nhóm búp bê và đồ chơi bán hàng”, “nhóm xếp hình Lego” và “các nhóm khác”,… Phân thành từng mục nhỏ như vậy sẽ tiện lợi hơn, cả trong sử dụng và sắp xếp. Khi dọn dẹp, chú ý việc sắp xếp chỉ nên gói gọn trong một hai động tác thôi. Nếu trẻ phải mở tủ ra rồi lại mở nắp hộp ra mới có thể cất đồ vào thì con sẽ dễ nảy ra tư tưởng lười biếng việc cất đồ về chỗ cũ vì có quá nhiều bước rườm rà.
Khi phân chia khu vực, nhớ chú ý đến những khu vực trống xung quanh để con có thể thực hiện những thao tác khác có liên quan. Chẳng hạn như chú ý gần tủ sách vở là khu vực “chỗ ngồi làm bài”, gần chỗ cất áo khoác thì cần có không gian “đứng cởi áo khoác”,…
Nguyên tắc 3: “định lượng”
Khi con hiểu nguyên tắc “bỏ” rồi, thì đối với đồ vật đang sử dụng, cha mẹ chỉ nên để một số lượng phù hợp, tốt nhất là số lượng vừa đủ để con sử dụng. Sau đó, hãy xếp đặt vào đúng vị trí đã quy định. Ví dụ, sách giáo khoa thì xếp thành một hàng trước bàn. Bài kiểm tra thì xếp gọn một chồng trong hộc bàn, khi bài kiểm tra ngày càng nhiều thì lấy bớt ra để xử lý. Bút chì thì chỉ bỏ vào ống đựng bút. Không cần phải nắm chính xác số đồ vật cần dùng là bao nhiêu, chỉ cần ước lượng một lượng phù hợp là được rồi.
Khác với người lớn, chu kỳ phát triển của trẻ thay đổi nhanh hơn, nên những đồ vật, dụng cụ của trẻ cũng thay đổi phù hợp theo từng thời điểm. Sách giáo khoa cũng vậy, trẻ càng lớn thì sách tham khảo, bài tập thực hành cũng tăng theo. Các món đồ chơi cũng thay đổi theo từng giai đoạn. Trẻ cũng sẽ chọn chơi các môn thể thao khác nhau ở từng độ tuổi khác nhau, các dụng cụ thể thao cũng từ đó mà gia tăng nhiều hơn…
Vì vậy, cha mẹ nên sắp xếp lại toàn bộ chỗ ở của trẻ khoảng 3, 4 tháng một lần. Khi sửa sang, bảo dưỡng phòng trẻ, cha mẹ không nên tự tiện thay đổi sắp xếp mà hãy để cho con tự suy nghĩ cách làm sao để tốt hơn, tiện dụng hơn.
Để sắp xếp, dọn dẹp ngăn nắp không gian của chính mình, các con cần làm rất nhiều việc nhỏ khác, chẳng hạn như biết để quần áo dơ vào giỏ giặt đồ thay vì mỗi lần thay ra đều quăng xuống sàn; biết tự xếp đồ bơi vào tủ đồ mùa hè để tủ đồ mùa đông được thoáng đãng,…
Cha mẹ nên nêu rõ một số nguyên tắc để con hiểu rõ và nghiêm túc làm theo, ví dụ như “quần áo dơ phải bỏ vào giỏ giặt đồ” hoặc “giày đi về phải xếp ngay ngắn vào tủ”,…
Không nên la rầy con phải dọn dẹp nhà cửa gọn gàng mỗi lần bạn con đến nhà chơi. Phải dạy con lúc nào cũng phải ngăn nắp, gọn gàng để bạn bè có thể đến nhà chơi bất cứ lúc nào. Khi chơi xong, con và các bạn sẽ cùng nhau dọn dẹp mọi thứ lại ngăn nắp như lúc ban đầu. Lần đầu mẹ có thể nhắc nhở hoặc phụ các con một tay, những lần sau đó, mẹ không cần lên tiếng hay làm giúp, hãy để con và các bạn tự giác cùng nhau sắp xếp, dọn dẹp.
Sau khi ăn bánh kẹo xong, các con phải biết tự giác thu dọn sạch sẽ giấy rác vào thùng rác. Nếu được chỉ dạy và đề ra nguyên tắc rõ ràng, chắc chắn con sẽ làm đến nơi đến chốn.
Trích Dạy con làm việc nhà