Trong kí ức của nhiều người, quê hương Việt Nam gắn với cây đa, bến nước, sân đình... Nên khi cuộc sống ngày càng hiện đại, khung cảnh làng quê cũng thay da đổi thịt và thưa dần những ngôi nhà 3 gian, 5 gian. Vì vậy, chàng trai 9x quê Hải Phòng đã dùng "tài lẻ" của mình, tái hiện lại những công trình nhà cổ Bắc Bộ để lưu giữ những giá trị truyền thống.
Trong căn xưởng nhỏ, những mô hình nhà cổ hiện hữu sống động như thật. Anh Tài nói, anh tình cờ biết đến bộ môn chế tác tiểu cảnh mini qua một video trên mạng xã hội. Thấy các nghệ nhân chế tác nhà cổ rất sinh động, nên anh đã "phải lòng" và có niềm đam mê cuồng nhiệt với mô hình tiểu cảnh thu nhỏ.
"Đam mê làm tiểu cảnh đến với tôi rất tình cờ, chỉ qua một video làm tiểu cảnh về nhà ở Bắc Bộ của nghệ nhân tham dự Festival cây cảnh. Khi đó, tôi bị cuốn hút và bắt đầu có hứng thú với bộ môn này", anh nói.
Theo anh Tài, việc thiết kế nhà thu nhỏ rất khác với việc thiết kế những công trình lớn, quá trình chế tác tiểu cảnh mini đòi hỏi người làm phải tập trung cao độ và tỉ mỉ gấp nhiều lần. Bởi, các chi tiết tiểu cảnh đều rất nhỏ, việc hoàn thiện cũng cần nhiều thời gian, công sức.
Để cho ra đời một mô hình tiểu cảnh hoàn thiện, anh Tài phải trải qua nhiều công đoạn như: Làm đế chậu, sân gạch, hàng rào, cổng, nhà, mái ngói… trong đó, khâu làm mái ngói được anh cẩn trọng thực hiện, vì phải ghép từng mảnh ngói nhỏ lại với nhau.
"Ngay từ khi bắt tay vào làm, tôi luôn muốn đưa sự bình yên vào trong công trình của mình. Thế nên, tôi luôn cẩn thận tính toán, cân đối tỉ lệ phù hợp và cố gắng tái hiện những chi tiết thật nhất, đúng với bản mẫu và giữ được trọn vẹn hồn cốt của tác phẩm", anh Tài nói .
Từng chi tiết nhỏ được anh Tài tỉ mỉ, trau chuốt. Với anh, mỗi công trình tiểu cảnh ra đời là một "đứa con" tinh thần mà anh dành cả tâm huyết thực hiện. Ngoài tiểu cảnh nhà Bắc bộ, anh còn làm các loại tiểu cảnh bán cạn, một nửa dạng núi non còn một nửa ngập nước để thả cá.
Chia sẻ với PV Dân trí, anh Tài cho hay, làm tiểu cảnh giúp anh rèn luyện kỹ năng nhẫn nại và kiên trì, những lúc căng thẳng, mệt mỏi công việc chế tác tiểu cảnh như một cách giúp anh thư giãn và cân bằng cuộc sống.
Tuy nhiên, chàng trai 9x cũng gặp phải những khó khăn khi làm tiểu cảnh do nguyên vật liệu không có sẵn, nhiều chi tiết cầu kỳ, phức tạp khó mô phỏng. Với những chi tiết nhỏ phải làm nhanh tay, nếu không xi măng sẽ bị khô, khi xi măng còn ướt thì phải tạo hình, vuốt cho đúng như mong muốn.
"Thời gian đầu, tôi làm đi làm lại rất nhiều lần, khi thì làm hỏng, khi thì sản phẩm làm ra không giống với mong muốn. Tưởng chừng không có duyên với bộ môn này, nhưng sau nhiều lần kiên trì thực hiện đến nay đã có hàng trăm tác phẩm được ra đời", anh Tài nói.
Từ những chi tiết nhỏ cho đến phức tạp đều được chàng trai quê Hải Phòng tỉ mỉ thực hiện, thể hiện sự tinh tế, khéo léo như ghép ngói, lát nền, vẽ họa tiết hoa văn, nhuộm màu rêu phong cho bức tường.
Anh Tài cho biết, đây không phải công việc chính mang lại thu nhập cho anh. Vì vậy, sau giờ làm việc, trở về nhà, anh tranh thủ thời gian rảnh bắt tay vào làm tiểu cảnh. Mỗi sản phẩm anh làm sẽ có kích thước và kiểu dáng khác nhau, nên giá thành cũng khác nhau, dao động từ 1,2 - 7 triệu đồng/sản phẩm. Những sản phẩm cầu kỳ và có thêm cây xanh giá cũng sẽ cao hơn.
"Có những tháng rảnh tháng tôi làm được 2-3 sản phẩm, còn những tháng bận thì chỉ làm được một sản phẩm theo yêu cầu của khách. Qua các mô hình nhà ở Bắc Bộ này, tôi mong muốn được lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt Nam đến với nhiều bạn trẻ thông qua những tiểu cảnh của mình", Văn Tài bày tỏ.
Hoài Trang