Từ ngày rời xa Kinh Bắc, tết nào cũng vậy, tôi luôn dành thời gian để trở về Bắc Ninh thắp hương ông bà tổ tiên nội ngoại ở chân núi Tiêu, thuộc Tương Giang, thị xã Từ Sơn sau đó trở lên thành phố Bắc Giang cả gia đình sum vầy ăn tết.
Tết với tôi thực sự là chơi tết và ăn tết. Nó được lặp lại từ ngày thơ bé khi còn sống trọn trong vòng tay yêu thương của bà nội, bố mẹ và hai chị gái cho đến tận hôm nay, khi đã rời xa nơi gắn bó suốt chiều dài tuổi thơ để tung bay trong cuộc đời của chính mình. Và như thế, tết với tôi vẫn luôn bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp lịch ta, ngày Tết ông Công ông Táo, dù từ bé cho tới tận hôm nay mọi việc chính đều do mẹ và các chị lo toan nhưng tôi vẫn thích cái cảm giác bận rộn chạy chỗ này lấy cái kia để rồi cả nhà cảm thấy thật vui với ban thờ đã tươm tất.
Sau tết ông Công lại là những ngày bận rộn đi mua sắm đồ đạc, thực phẩm cho tết nguyên đán. Dù bây giờ bận rộn công việc, phải trở lại Hà Nội hoàn thành những chương trình nghệ thuật, những công việc đã nhận, không được sống trọn vẹn với cảm giác tết ngày thơ bé nữa nhưng những ký ức, sự xốn xang của mùa xuân thì vẫn còn nguyên trong tâm hồn.
Nói là ăn tết, vì trước đây, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, các cụ vẫn có câu "no ba ngày tết", đúng là đám trẻ con thời tôi mong tết thật. Tết, chúng tôi được bố mẹ mua cho quần áo mới, được ăn bánh chưng, thịt gà, thịt nấu đông, giò, canh măng... rồi thì bánh mứt kẹo và cả đặc sản chè lam ở Bắc Giang, kẹo lạc dì tôi ở Bắc Ninh tự làm năm nào cũng gửi một gói cho mẹ. Vừa được mặc đẹp, vừa được ăn thỏa thích, được người lớn lì-xì lại còn cả được nghỉ học nữa, trẻ con đứa nào chả thích. Cái cảm giác đấy vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim tôi.
Dẫu thế, chơi tết mới là thú vị nhất trong cảm nhận của tôi. Tôi phải dùng từ chơi tết, thực ra chỉ là cái thú làm đẹp trang hoàng nhà cửa nhưng với một tâm thức khác biệt so với ngày thường...
Tôi nhớ với bố tôi, tết bớt gì cũng có thể được nhưng không thể thiếu hai thứ, đó là hoa tươi và cành đào. Hoa của ông cụ cũng là những loài quen thuộc của tết đồng bằng Bắc bộ, ấy là thược dược, vi-ô-lét, hoa dơn... Hoa rất đơn giản, không đắt tiền nhưng phải đủ màu sắc sặc sỡ đỏ vàng tím của cánh hoa và màu xanh của lá. Hoa được bố tôi bày ở khắp mọi nơi, từ bàn thờ gia tiên đến bộ bàn ghế tiếp khách và ở tất cả những chỗ có thể để được.
Nhà tôi rất nhỏ, chỉ có hơn 20m2. Nó là một căn hộ tập thể, nằm ở tầng một và được bố mẹ cơi nới thêm một chút không gian sống ở phía trước. Với bố tôi, cành đào là quan trọng nhất, nó như thiên sứ của mùa xuân. Khi đặt cành đào vào ngôi nhà mọi chuyện không vui của năm cũ sẽ tiêu tan và mang những may mắn của một khởi đầu mới cho toàn bộ các thành viên trong gia đình. Ấy là triết lý riêng của bố tôi, và vì thế, dù nhà nhỏ như vậy nhưng tết thì nhất định cành đào phải ở vị trí trung tâm. Đào bố tôi chọn là đào cành đào thế tự nhiên có cánh hoa màu phới hồng gọi là đào phai. Cũng không phải ngẫu nhiên bố tôi luôn chọn cành đào với đặc trưng như vậy. Đó là cách bố tôi nhớ về tuổi thơ và nhớ tới ông bà nội cùng vùng đất Cao Bằng đã cưu mang gia đình tôi.
Vốn quê gốc ở Bắc Ninh, cả hai ông bà có những lý do riêng và cuối cùng cùng chọn vùng đất Cao Bằng để gắn bó cuộc đời. Ông bà sinh bác trai tôi và bố tôi ở trên đó. Sau này, khi đã trưởng thành, mang theo ước nguyện trở về quê hương Kinh Bắc mà ông tôi khi còn sống chưa thực hiện được, bố tôi đã về nơi đây.
Đào phai với bố tôi, với gia đình tôi còn là cách để nhớ về lịch sử gia đình với những cuộc di cư và hồi hương. Tất bật mưu sinh cả cuộc đời, chừng 20 năm sau cùng của cuộc đời, bố tôi đã trở lại được Cao Bằng, trở về vùng núi cao, rừng sâu thuộc huyện Quảng Hòa để cùng một người chú họ vẫn ở trên đó tìm đến địa thế mà ông tôi đã chọn, dặn lại bố tôi đặt ông ở đó khi ông trở về với tổ tiên. Giờ thì bố tôi cũng đã trở về sum vầy cùng ông bà nội và tổ tiên ở chân núi Tiêu quê hương được tròn hơn 10 năm có lẻ. Còn gia đình tôi, tôi, cháu trai, con trai tôi vẫn và sẽ mãi giữ nếp đào phai, hoa ngũ sắc mỗi khi tết đến xuân về.
Tết với gia đình tôi là vậy. Tết thực sự là thời điểm linh thiêng, là sự kết nối giữa các thế hệ với nhau, là sự kết nối của người đương thời với tổ tiên, ông bà những người đã đi xa. Tết là để tỏ lòng biết ơn tổ tiên và để tăng sự gắn kết gia đình. Tất nhiên, không riêng gia đình tôi, tất cả các gia đình Việt trên dải đất thân yêu hình chữ S và người Việt trên toàn thế giới đều như vậy.
Nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long