Người xưa vẫn thường có câu: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" như là một cách nói văn vẻ giới thiệu về cái sự tao nhã từ lời ăn tiếng nói đến thú chơi của người Hà Nội. Trong đó, trải qua hàng thế kỷ, người Hà Nội gốc đã giữ gìn một nét đẹp văn hóa về loài hoa thủy tiên ngọc ngà mà tương truyền, vào đêm giao thừa, nếu gia đình nào nuôi một bình thủy tiên mà lại có bông hoa nhú nở thì cả năm đó chắc chắn sẽ gặp nhiều may mắn.
Theo nhiều tài liệu ghi lại thì bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ XX, hoa thủy tiên luôn có mặt trong nhà người Hà Nội vào những ngày Tết. Tuy nhiên, đến những năm 1960 thì bỗng dưng thú chơi này lại bị thất truyền và chỉ còn được lưu giữ ở một số ít gia đình. Sau đó, vào đầu thập niên 90, thủy tiên quay trở lại và khoảng 10 năm trở lại đây thì nở rộ khắp muôn nơi, len lỏi vào cuộc sống của nhiều lứa tuổi mà đặc biệt là những người trẻ.
Thế hệ cao niên vốn đã chơi thủy tiên nhưng ngày nay các bạn trẻ cũng đam mê không kém.
Bởi ai cũng mê mẩn trước nhan sắc rực rỡ của nhành thủy tiên này.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, một người con gái Hà Nội gốc đã có kinh nghiệm chơi hoa thủy tiên gần 30 mùa xuân thì năm nào cũng vậy cứ bắt đầu vào tháng 12 dương lịch là nhà căn nhà của chị lại ngập tràn hoa thủy tiên. Ban đầu, chị lấy củ hoa, sau đó nhờ đôi bàn tay khéo léo tạo hình mà trở thành những bình hoa đẹp tuyệt trần với bộ rễ trắng muốt và những bông hoa trắng nhụy vàng mê hoặc lòng người.
Theo chị Thủy, chơi hoa thủy tiên không hề khó nhưng điều thử thách nhất chính là đòi hỏi phải có tính kiên nhẫn vì nó giống như một bộ môn thiền động. Nếu nóng vội thì một nhát dao có thể làm đứt lìa cả giò hoa, một động tác quấy nước mạnh cũng có thể khiến củ hoa bị rơi vỡ… Bởi thế, người Hà Nội xưa nay đều phải tinh tế lắm thì mới nuôi được một giò hoa đạt chất lượng.
Chị Thu Thủy là một người chơi thủy tiên lâu năm.
Cứ đến dịp Tết là trong nhà chị lại có rất nhiều hoa thủy tiên.
Thủy tiên lớn lên như một phép ảo thuật
Có lẽ rất ít loài hoa nào khác trên thế giới lại có yêu cầu khắt khe về kỹ thuật cắt tỉa cho đến cái tâm của người chơi như thủy tiên. Củ hoa thủy tiên thoạt nhìn chắc sẽ có nhiều người liên tưởng đến củ hành tây vì kết cấu của nó đúng là như vậy, nhiều lớp lang bên ngoài bọc lấy phần lá và mầm hoa bên trong. Việc của người chơi hoa sẽ là dùng con dao lưỡi mỏng bóc hết lớp vỏ bên ngoài để tạo điều kiện cho giò hoa nhú ra. Mà nhú làm sao cho đẹp nhất, duyên dáng nhất thì còn tùy thuộc vào độ khéo léo và mắt thẩm mỹ của từng người.
“Nếu muốn hoa nở vào ngày mùng 1 Tết thì củ hoa sẽ bắt đầu được gọt vào 21 ngày trước đó, tức là khoảng mùng 10 tháng Chạp hoặc sớm hơn. Dao dùng để gọt hoa phải là dao lưỡi mỏng, sắc bén. Khi gọt sẽ rạch 2 đường dọc theo thân củ và 1 đường ngang để bóc tách các lớp bên ngoài của giò hoa. Khâu này rất quan trọng và đòi hỏi người gọt phải rất cẩn thận, nó giống như việc bạn có 5 tờ giấy phủ lên giò hoa nhưng dao thì chỉ liệng một đường xuyên 4 tờ thôi, tờ còn lại mình sẽ nhẹ nhàng bóc ra sau đó. Nếu không ước lượng được khoảng cách này, khi gọt rất có thể dao sẽ chém vào củ hoa và bị đứt gãy. Lúc đó, củ hoàn toàn không còn giá trị nào nữa”, chị Thủy cho biết.
Củ hoa thủy tiên sau khi lấy lên khỏi lòng đất được cắt gọt cẩn thận.
Vừa nói, chị Thủy vừa thị phạm cắt gọt một củ hoa và kỳ thực với đôi tay đã hai mươi mấy năm cầm dao thì chị làm rất gọn nhẹ. Còn với những người mới học, họ sẽ phải để ý nhiều đến cái cữ cầm dao để làm sao không bị quá.
Nhưng đến đây thì chắc sẽ có người hỏi là tại sao phải gọt củ hoa thủy tiên, sao không để nó mọc tự nhiên thì cũng ra hoa mà? Người chơi hoa như chị Thủy tiết lộ rằng hoa mọc tự nhiên tất nhiên có cái đẹp nhưng để mà chơi đúng kiểu nhất thì thủy tiên phải có dáng, có thế. Các cụ ngày xưa còn cầu kỳ lắm, dáng tam đa, ngũ phúc… đủ cả nhưng thời nay thì các bạn trẻ lại chuộng vẻ tự nhiên nên chỉ tác động vào củ hoa chừng 50%, 50% còn lại sẽ để cho hoa tự vươn. Miễn sao, một củ hoa cứ ra tầm 8-9 giò hoa là sẽ được coi là đẹp, cân đối.
Những bình hoa thủy tiên trong nhà chị Thủy.
“Nguyên lý để tạo dáng hoa chính là khi ta làm tổn thương ở phía nào lá cây sẽ cong về phía đó. Chính vì vậy, ngay từ khi cầm chiếc dao là người gọt đã phải định hình được dáng hoa sau này rồi, lá có thể cao hoặc thấp, xoăn hay thẳng đều tùy ý mình. Nhưng nói thì dễ chứ làm thì không hề đơn giản chút nào, bởi lúc gọt hoa đó, cái tâm phải thật là tĩnh, mọi mối quan tâm chỉ trụ về đúng một việc là bóc các lớp của củ hoa thì mới mong làm tốt được.
Củ sau khi gọt rồi sẽ đến bước “tắm tiên”. Nghe rất trùng nghĩa với một hành động khác của con người nhưng thực ra đó là khâu rửa trôi đi hết những chất nhớt bên ngoài để củ hoa được sạch. Sau khi rửa lần đầu, củ hoa sẽ được đặt nằm úp trong ang nước cỡ 2 ngày đều đặn thay nước sáng tối. Hết 2 ngày đó, củ đã nổi mầm xanh thì cho ra nằm ngửa lên, úp một tấm giấy ướt để độ ẩm có thể len lỏi mang chất dinh dưỡng vào trong và quan trọng hơn là để rễ cây được trắng đẹp. Nước dùng để nuôi thủy tiên mọi người nên chú ý phải dùng nước sạch, nếu nước có quá nhiều chất tẩy thì cây sẽ nhanh hỏng không ra hoa được. Cũng vì lẽ đó mà thủy tiên còn là loại cây phản ánh độ trong sạch của môi trường rất tốt”, chị Thủy chia sẻ.
Từ lúc đó trở đi, nhiệm vụ của người chơi hoa sẽ là mỗi ngày tắm, thay nước cho hoa và tiếp tục chỉnh dáng hoa. Việc làm này cũng khá tỉ mẩn và mất khoảng 15-20 phút/củ hoa mỗi lần. Và nói như những người sành chơi thì giống chăm hoa thủy tiên giống như là chăm trẻ con vậy, từng chút từng chút một rất ân cần.
Công đoạn tắm hoa cần phải rất nhẹ tay.
Những củ hoa khi đã được vài ngày.
Mỗi ngày đều phải thay nước thì hoa mới phái triển tốt được.
Ý nghĩa đặc biệt của hoa thủy tiên
Thủy tiên là một loài hoa ưa lạnh, nhiệt độ càng xuống thấp thì hoa lại càng đẹp giống như thu được hết tinh hoa của thần băng giá vào mình vậy. Bởi thế mà vào ngày đông, một đóa thủy tiên rực nở sẽ được ví như nữ hoàng, vừa lạnh lùng kiêu sa nhưng vẫn vô cùng quyến rũ, tự tôn.
Hoa có ở nhiều quốc gia nhưng các nước phương Đông thì tầm chơi đặc biệt hơn rất nhiều. Vì theo triết lý ngũ hành của phương Đông thì hoa thủy tiên có đủ cả 5 yếu tố. Củ hoa là hành mộc được dưỡng bằng nước là hành thủy, dùng dao chạm khắc là hành kim, đựng vào bát đất là hành thổ và ánh sáng chiếu vào hàng ngày là hành hỏa. Ngoài ra, chữ thủy tiên cũng mang tượng hình của nước. Năm mới mà có bát nước trong nhà thì sẽ mang lại may mắn, sung túc cho gia chủ.
Thủy tiên cũng như nhiều loại cây chơi Tết khác, đều mang ý nghĩa may mắn, phúc lộc.
“Khi chơi hoa, thủy tiên cũng là những bông hoa linh hoạt nhất thế giới khi có thể cho người chơi mỗi ngày một cảm xúc và hình dung khác nhau. Người chơi thường có chiếc que tre dùng để chỉnh dáng hoa, nếu hôm nay hoa quay vào trong thì ngày mai sẽ chỉnh quay ra ngoài. Có người còn tạo thành hình trái tim, nhiều dáng khác nhau rất phong phú.
Với bản thân tôi thì đã chơi hoa nhiều năm nhưng năm nào cũng có những nỗi niềm rất riêng với hoa. Mọi người có thể cảm nhận rằng, ở ngoài kia cuộc sống rất sôi động nhưng khi ngồi trước bát hoa thủy tiên thì tự nhiên mình sẽ cảm giác thời gian trôi chậm lại để ngắm nhìn nó phát triển từng ngày. Người xưa thường nói rằng hoa thủy tiên chất chứa nội tâm của người chơi là đúng, bởi khi không thể tâm sự chuyện cuộc sống với ai, tôi lại chọn cách trò chuyện với hoa. Mặc dù hoa không nói được nhưng lại là người nghe sinh động và biết chiều theo cảm xúc của người chơi hoa nhiều lắm”.
Chị Thủy coi hoa như một người bạn tâm giao.
Thú chỉnh hoa mỗi ngày của chi Thủy.
Hội chơi hoa thủy tiên ngày càng đông
Thủy tiên vốn được chơi nhiều ở Hà Nội nhưng nhờ mạng xã hội, bây giờ nhiều bạn trẻ ở miền Nam cũng biết đến dù cho việc chăm bẵm để có một bông hoa là cực kỳ khó khăn do thời tiết không ủng hộ. Cùng với đó, trên Facebook cũng xuất hiện nhiều hội nhóm chơi hoa thủy tiên từ vài nghìn đến vài chục nghìn thành viên. Ở đó, mọi người bàn luận về kỹ thuật chăm cây, về cách chơi sao cho được lâu và hơn thế nữa là trao gửi những tâm tư của chính bản thân mình thông qua những cánh hoa.
Nhóm của chị Thủy cũng như vậy, dù là một nhóm mở nhưng với bề dày gần 10 năm, mỗi Tết chị đều có rất nhiều bạn trẻ đến học hỏi gọt củ hoa thủy tiên và trao đổi, giao lưu. Khi đến, mọi người thường mặc những bộ trang phục cầu kỳ như là một cách để thay mới cuộc sống của mình, sống bình tĩnh bên hoa.
Những bạn trẻ đến với lớp gọt hoa thủy tiên của chị Thủy.
Các bạn chăm chú nhìn chị Thủy làm để học hỏi kinh nghiệm.
Trong căn nhà nhỏ của chị Thủy trưng bày khá nhiều loại hoa như thủy tiên đơn, thủy tiên kép, thủy tiên vàng và thủy tiên Âu Mỹ. Mỗi loại đều có vẻ đẹp đặc trưng rất riêng.
“Hoa thủy tiên kép cánh tuy dày nhưng bông lại hơi nặng nên khó giữ dáng cây. Thủy tiên vàng thì chưa thuần chủng lắm nên khó chăm. Còn một loại hoa là giống Âu Mỹ thì bông hơi nhỏ, sức sống khỏe nhưng vì không xum xuê nên cũng ít người lựa chọn. Do vậy, loài thủy tiên đơn rõ ràng, sắc nét dường như vẫn chiếm cảm tình của mọi người nhiều hơn cả.
Người xưa gọi hoa thủy tiên đơn này là kim trản ngân đài có nghĩa là chén vàng đĩa bạc. Nó rất quý giá là vì như vậy”.
Hoa thủy tiên kép.
Hoa thủy tiên vàng.
Hoa thủy tiên Âu Mỹ.
Và hoa hậu làng hoa thủy tiên chính là thủy tiên đơn "kim trản ngân đài".
Hiện nay, ở Hà Nội thì tại những chợ hoa nổi tiếng như Quảng Bá hay khu vực đường Hoàng hoa Thám đều bán rất nhiều củ hoa thủy tiên để khách hàng mang về gọt với giá bán dao động từ 100 ngàn đến 250 ngàn/củ tùy loại. Ở đây cũng có những loại đã được gọt rồi đặt trong bình thủy tinh thì giá sẽ cao hơn một chút, khoảng vài trăm ngàn.
Nhờ sự phong phú đó mà cứ mỗi độ xuân về đều có rất nhiều bạn trẻ lên chợ mua thủy tiên về nhà chăm bẵm như một thú vui tao nhã, chậm chạp và yên bình trong những ngày Tết đến xuân về.
Thú chơi hoa thủy tiên nếu cứ tiếp tục như thế này thì sẽ được giữ gìn đến mãi về sau.
Pháp luật & Bạn đọc