Mới đây, mạng xã hội đang lan truyền một dòng quote “Nếu như mình chọn việc kết thúc cuộc đời mình, vậy mình hãy nghĩ rằng cuộc đời đó đã kết thúc rồi đi. Bây giờ, tôi là một con người hoàn toàn mới, tôi sẽ sống với những gì mà tôi muốn. Tôi là tôi như tôi muốn thôi" , chạm đến nguồn động lực sâu bên trong của rất nhiều người.
Suy nghĩ của chị khiến nhiều người phải dừng lại, ngẫm nghĩ một lúc rồi mỉm cười trong ngày làm việc cuối cùng của năm. Tại sao lại mỉm cười? Câu trả lời ở mỗi người lại mỗi khác, song, có lẽ vì họ tìm thấy lời giải cho những khúc mắc của mình chăng?
Khó quá thì mình buông, nhưng không phải là từ bỏ. Chỉ là buông cách nghĩ này đến với cách nghĩ khác để tâm trạng đỡ mệt mỏi hơn, đời mình đỡ chán chường hơn. Một năm trôi qua, nhẹ nhõm hay nặng nề, suy cho cùng nằm ở cách nghĩ của chúng ta mà thôi.
Chủ nhân của chia sẻ tuyệt vời này là của nhà hoạt động xã hội Nguyễn Thị Vân (Chủ tịch hội đồng sáng lập trung tâm nghị lực sống) trong phim tài liệu "Những vết thương lành (The healed wounds)". Là nhân vật đầu tiên xuất hiện trong phim với những góc máy nghệ thuật trong phim, cùng với đó là những câu nói "chạm" đến nguồn cảm hứng phải sống thật hết mình dù trong hoàn cảnh ra sao.
Câu chuyện đời mình cứ thế được Nguyễn Thị Vân kể lại: "Mình nhớ là, có những lúc trước khi ngủ, mình luôn ước rằng sẽ không bao giờ tỉnh dậy vào ngày mai. Đó là một khoảng thời gian dài vô tận. Sau giai đoạn đấy, có một suy nghĩ trong đầu Vân xuất hiện, đó là: Nếu như mình chọn việc kết thúc cuộc đời mình, vậy mình hãy nghĩ rằng cuộc đời đó đã kết thúc rồi đi. Bây giờ, tôi là một con người hoàn toàn mới, tôi sẽ sống với những gì mà tôi muốn. Tôi là tôi như tôi muốn thôi.
Với Vân, quan trọng là mình. Việc mình chữa lành cho chính mình nó quan trọng. Bởi vì người đến người có thể đi, ai biết được. Không kì vọng, Vân không kì vọng vào bất kì ai. Yêu mến, trân trọng, biết ơn, nhưng không kì vọng.
Tất cả những nỗi đau, nó đến là cần thiết. Mình đừng tìm cách để chối bỏ, hay đào thải nó ra khỏi cuộc đời. Cũng như trong phim luôn có những nhân vật phản diện. Nếu không có nhân vật phản diện thì làm sao xuất hiện những anh hùng? Cũng như trong cuộc đời mình, nếu không có những vấp váp, không có những vết thương, không có những nỗi đau... làm sao mình biết mình mạnh mẽ đến thế nào?"
Từ nhỏ, Nguyễn Thị Vân đã mắc chứng teo cơ tuỷ sống, cơ thể đau nhức, sinh hoạt cá nhân đều phải phụ thuộc vào người khác, nhưng chưa một ngày nào Vân ngừng cống hiến cho cộng đồng người khuyết tật Việt Nam.
Chính cách mà Vân đối mặt với những vết thương thể xác và tinh thần đã theo mình từ lúc sinh ra đời, khiến giới trẻ hưởng ứng câu nói này nhiều hơn. Đặc biệt là dịp cuối năm, khi ai cũng đang nhìn lại 1 chặng đường mà mình đã rất nỗ lực để đi: "Mới mở mắt, đọc được ý tưởng này mà tui thấy bừng sáng luôn"; “Phim không chữa lành bằng cách giúp ta quên đi nỗi đau. Mà cùng ta ngắm nhìn nỗi đau và học cách chấp nhận nó như một thứ “tài sản” của đời người”; "Đọc đoạn cuối mà như viết cho chính mình một năm qua vậy, cảm ơn bản thân đã sống không bỏ lỡ giây phút nào",... Không chỉ để lại bình luận, họ còn tag nhau để lan toả sự lạc quan.
Nhìn lại năm 2023 đã có quá nhiều biến động, khó khăn khiến mỗi ngày trôi qua chúng ta như đang "chiến đấu" với thử thách riêng của chính mình từ sức khoẻ thể chất, tinh thần và tài chính... Thậm chí có rất nhiều người không chịu được áp lực cuộc sống mà chọn cách tiêu cực. Đó là điều thật đau lòng!
Đau lòng vì giá mà họ tìm được cho mình góc nhìn tức cực đúng lúc, như là suy nghĩ của chị Vân, thì có lẽ chuyện xấu đã không diễn ra.
Những câu chuyện khơi dậy nguồn sống như hành trình chữa lành nỗi đau trong mình của Nguyễn Phi Vân, chẳng khác nào đom đóm soi đường cho những người đang cảm thấy bế tắc.
Không ai được quyền lựa chọn cách mà mình sinh ra, nhưng chúng ta được quyền lựa chọn cách sống. Dám sống, dám ước mơ và dám yêu thương mới chính là ngọn đuốc mà mỗi người cầm lên để soi sáng cuộc đời mình!