Theo nghĩa đen, cái vị trí đường bệ đó chính là ở phạm vi ngay trước cửa các rạp tuồng. Gánh hát chuyển sang rạp mới đã được hai suất diễn, mà rồi xoay xở tới lui, tới cái áp-phích quảng cáo cũng chưa cho thi công. Bà thím bán hủ tíu gần đó, tay chắp sau đít, nghiêng nghiêng ngó mặt dàn đào kép còn “con nít rặt” đang tụ tập ăn khuya. “Sao không thấy quảng cáo gì hết vậy con?”
- Tụi con bán vé online cô ơi!
“À, là trên internet rồi người ta tự vô tự mua, tới giờ tới coi hả? Vậy chớ quanh đây người ta muốn vô coi biết đâu mà vô? Con sắm cái loa rao cho nó xôm lên. Hồi đó, nguyên khu này bán buôn được là nhờ rạp còn hoạt động, biết đâu tụi bây về rộn trở lại hổng chừng!”. Cái rạp đứng đó tự đời nào không biết, chỉ biết đã hai lần đổi tên, bao đời đại ban về cát cứ, rồi chuyển qua ciné…
“Để tìm mua cái loa karaoke rồi mình thu vô USB mà phát, chớ bây giờ kiếm cái loa, bắt kết vô cassette mất công lắm”. Cậu đài trưởng trấn an cơn mơ hoài cổ của bà thím hủ tíu bằng một giải pháp mang tính thời đại hơn rất nhiều.
“Ờ, vậy nó ra cái rạp hơn đó…”
…
Chiều cuối tuần, khi mà âm thanh thành phố rú gầm cuồng khấu nhất, trong cuộc tất bật của những giờ cuối của ngày làm việc cuối cùng sau cả một tuần, khói xe sẽ không bao giờ dày đặc hơn thế vào bất kỳ ngày nào khác trong tuần.
Tiếng người bán buôn giờ chợ chiều chưa bao giờ dày đặc âm lượng hơn thế.
Lũ nhóc bán vé số chưa bao giờ khẩn trương tha thiết hơn thế.
Những tuyến xe bus nội thành cũng chưa bao giờ cuống cuồng hơn vậy.
... và đó là khi người ta bắt đầu nghe bật lên giữa lòng đô thị, giữa những tiếng ồn đặc trưng của buổi chiều cuối tuần, là thứ tiếng rao như hiệu lệnh hân hoan của niềm vui xa xỉ mỗi tuần chỉ có một lần: tiếng rao tuồng trước các rạp hát.
Khi đó, mỗi rạp một chiếc loa tráng men chạy ắc-quy, cứ vậy chen chúc với âm thanh của tất bật và lam lũ là những tràng ngôn từ cầu kỳ quá trớn, vừa mỹ miều, vừa ngô nghê, đặc hữu của giới kịch trường Nam bộ: “Đêm nay, đêm duy nhứt tại rạp… đoàn hát chúng tôi sắp công diễn vở cải lương… do các minh tinh thời danh thủ diễn của soạn giả đang ăn khách nhứt hiện nay, cùng những kịch bản tâm lý lâm ly, tình thù rực lửa, các trích đoạn tuồng kiếm hiệp giựt gân bi tráng, với màn xiếc trên không ly kỳ, võ thuật cao cường đầy màu sắc! Vé hiện đang có bán tại rạp, xin trân trọng kính mời quý khán giả nhanh tay chọn cặp vé chỗ đẹp để thưởng ngoạn. Hiện nay còn vài cặp vé cuối cùng, nhanh chưn kẻo hết! Xin trân trọng kính mời… và kính mời… Đêm nay, đêm duy nhứt…”.
“Nơi đó, người ta sẽ khóc cười theo những thân phận xa lạ, đến cả phần số cũng sẽ cầu kỳ hơn phần số đời sống thường tình...” - Ảnh: TL
Không biết đoàn hát nọ có trụ ở đó một đêm duy nhứt hay không, hoặc bởi cái câu đệm vô đó càng tăng phần thúc giục hối hả khiến người đang đi trên đường cũng giựt ngược giựt ngửa, như sợ rằng mình đang hụt lỡ mất một sự chi đó vô cùng hiếm hoi quý báu.
Một chiếc vé, và một đêm duy nhứt, để không phải dậy sớm vào sáng hôm sau, làm một cuộc du hành viễn tượng tới hào quang ngoài tầm tay với. Một đêm duy nhứt, mà lại “chỉ còn vài cặp vé cuối cùng”, hỏi ai không muốn nhanh chân?
Như một tín hiệu khai hỏa, vừa khi lượt rao đầu được phát ra thì giới hàng rong đã kịp tề tựu quanh vỉa hè trước rạp. Những xe bánh mì lộng kiếng, phô phang ngồn ngộn từng cuộn cuộn jambon da bao nhuộm đỏ thắm nhận tiêu hột, xúc xích đỏ sẫm màu rượu chát, mớ ngò còn tươi rói nguyên cọng, những chén bơ hột gà trong veo mỡ màng, cần xé bánh mì còn nóng hổi, từng lố cá mòi đóng hộp xếp ngằn ngặt kế chồng phô mai Bò cười chưa bóc tem.
Vì sao người ta luôn bán bánh mì trước cửa rạp hát? Rõ ràng không ai vừa ăn bánh vừa coi hát cả. Về sau mới biết, thứ hàng ăn gọn nhẹ sạch sẽ đó được đào kép, nhân viên hậu đài gọi cho lẹ đặng lót lòng trước giờ diễn. Ngay cả những ngày không sáng đèn, xe bánh mì vẫn sống ngon ơ nhờ bán chịu cho đào kép tập tuồng và thợ cảnh trí bên trong.
Và cuối cùng thì cũng không bao giờ thiếu những vị khán giả mê coi hát tới nỗi không kịp quấy quá bữa cơm chiều mà ra thẳng nhà hát gặm ổ bánh mì cho chắc ăn.
Một đặc điểm khác cho các vỉa hè trước rạp hát chính là mấy cái tủ thuốc. Nói chung gọi “tủ thuốc lá” chỉ là gọi nôm na cho có, bản chất thì là cả một tiệm chạp phô lưu động: quạt giấy, kẹo chocolate đồng tiền vàng, xí muội Bông Mai, hột dưa bỏ bịch dán mép bằng cọng nhang... Hồi đó, thói quen mang quạt vô rạp vừa là bởi ở cái xứ nhiệt đới, hệ thống quạt công nghiệp trong các rạp không đủ để xua nổi cái bức bối của ngần ấy khí người tụ hãm khiến cái rạp như cái xửng hấp. Một lý do khác, có lẽ bởi cái tập quán văn nghệ từ thời coi hát chầu của các bà các mợ, là kẹp tiền vô quạt, xếp lại rồi chọi rào rào lên sàn gỗ thưởng nghệ sĩ. Mấy cái quạt hầu hết phất bằng thứ giấy nilon thứ phẩm được tái chế mỏng dính, dán ép vô nan quạt bằng thứ keo nhựa gì mà đen thui dẻo nhẹo.
Nhưng cái tụi con nít quan tâm nhứt, thứ quà xa xỉ cho những đứa may mắn được dẫn đi coi hát, chính là những bịch xá xị, nước ngọt cam hiệu Con Cọp được bỏ bịch, ga xèo xèo, cắm cái ống hút nhựa sọc xanh sọc trắng.
Cái thời mà không phải nhà nào cũng có tủ lạnh, và nước đá cục phải chạy mua tận hàng chạp phô đầu ngõ đựng trong ca nhựa mỗi khi nhà có khách, nên cái hơi nước lạnh, tiếng đập đá rổn rảng, và cảm giác đầy ứ, mát lạnh của bịch nước trong tay luôn là một thứ khát khao phù phiếm của bất kể người lớn hay nít nhỏ xứ thị thành nhiệt đới. Trong khi hầu hết tụi con nít thích nước ngọt cam có vị chua chua ngọt ngọt của trái cây, thì xá xị là thứ thức uống mang hương của loài gỗ thơm kỳ lạ, với người không quen sẽ chê hương nó nồng như thuốc nam, nhưng một khi đã ghiền, nó trở thành thứ hương vị gợi nhớ những bàn tiệc chiêu đãi thịnh soạn và những buổi được rủng rỉnh đi coi hát thật linh đình.
Bấy nhiêu, cũng đủ cho thú ngắm nghía, mua sắm trong khi đứng mỏi mòn với hàng người xếp hàng chờ mua vé.
Khán giả hạng sang thì hầu như sẽ nhẹ dạ vớt ngay cặp vé thượng hạng giá gấp đôi từ tay mấy bà bán vé chợ đen, với một cảm giác ưu tiên đặc quyền, không rõ bởi chất lượng chỗ ngồi, hay bởi cái cảm giác “được” trả số tiền gần gấp đôi, có khi gấp ba mệnh giá những chiếc vé đang được bán ra từ quầy vé.
Tiếng rao từ loa phát ra vẫn rộn rã, thúc hối, vẽ vời những viễn tượng ly kỳ đang nhét giấu phập phồng phía sau lớp cửa bọc simili đỏ cách âm kia. Những tích tuồng chỉ được bật mí bằng vài nét phác họa đủ lóe lên độ hào nhoáng, những tên tuổi đào kép mà mỗi lần đọc lên, đám người đứng chen chúc trước cửa rạp lại ồ à xôn xao.
Người ta tiện miệng điểm danh những vở tuồng mà đào hay kép nọ từng thủ diễn, ra điều am hiểu. Và để ra cái điều sành sõi hơn nữa, những chuyện phong tình bê bối quỷ khốc thần sầu, vài câu chuyện phong thanh đánh ghen tàn bạo, tình tay ba, hay tai nạn thẩm mỹ viện được tuôn ra rào rào.
Rồi người ta lại phập phồng, lại nôn nao hồ hởi với suy nghĩ rằng những nhân vật đầy tội lỗi và hào nhoáng nọ, những cá thể sở hữu thói nết hư hỏng tày đình hay ho ấy, đang ở cách họ chỉ một vách ngăn cách âm của bức tường nhà hát, và vài chục phút nữa thôi, sẽ được coi tận mắt, như hiện thân của những gì lẫy lừng và khổ lụy.
Rồi đêm nay, khi ông gác-dan mặt sắt da chì kia loảng xoảng gỡ bỏ vòng dây xích ràng đôi cánh cửa đang nắm giữ bí ẩn hào hoa ấy, và bên trong khán trường nọ, nơi chỉ sự mầu nhiệm của tờ vé mỏng tang mới giúp người ta vô lọt, sẽ tận hưởng cái mùi simili mốc meo sực lên, trộn với mùi mỹ phẩm, mùi dầu thơm Pháp lẫn dầu gió của mấy bà thím, được quậy đặc hơn là phóng thích bởi dàn quạt công nghiệp cánh to như tai voi. Những hàng ghế đỏ thắm sẽ lạch cạch điếc tai mỗi khi có người đứng lên ngồi xuống, rồi tất cả đợi đúng ba hồi chuông reng chói gắt cho tới khi đèn đóm tắt ngúm, phút đợi chờ nghiêm cẩn khi đôi cánh rèm nhung kết hình vỏ sò trịch thượng vén lên thật chậm, hé lộ thứ ánh sáng chân chính của mọi ánh sáng trên đời.
Phía sau sẽ là những cảnh trí người ta biết thừa tô vẽ lên ván ép và giấy bồi, sẽ sống động, nguy nga như cảnh bồng lai, và nơi đó, những ông hoàng bà chúa thiên cổ phục sinh. Ở đó, phấn sáp dày cui trên những khuôn diện như tạc tượng uy nghi và kiều diễm. Ở đó, từng vảy mắt gà nạm như da cá lấp lánh trở nên ngọc ngà báu châu viễn cổ, và người ta sẽ quên béng chuyện hai bà vợ bé của anh kép chánh, hay chuyện cô đào lén đi chữa bệnh lậu bất thành...
Nơi đó, sẽ chỉ còn những gì hoàn hảo và toàn mỹ, cả những bi ai cũng rất mỹ miều.
Nơi đó, người ta sẽ khóc cười theo những thân phận xa lạ, đến cả phần số cũng sẽ cầu kỳ hơn phần số đời sống thường tình.
Nơi đó, người ta sẽ đẹp đẽ phi phàm.
Nơi đó, những màn cận chiến bi hùng tái diễn.
Nơi đó, những biệt ly xé lòng hơn gấp bội chuyện thằng Bảy con Ba đầu xóm đập nhau sáng tối hoài vẫn chưa ly dị.
Nơi đó, tất thảy sẽ toàn mỹ tới bất thường, và phi thường.
Người ta sẽ quên nhắc lũ nhỏ đừng bỏ chân lên ghế... bởi trên kia, một địa đàng sinh ra và chết đi trong vòng đôi ba tiếng, cho một lần duy nhất, bất khả vãn hồi.
Sân khấu đó sẽ không bao giờ lặp lại.
Raccord máy vi âm có thể sẽ theo đúng đồ hình đó, vào đêm diễn hôm sau, những chiếc lông trĩ sẽ không quất trúng cú thần sầu khiến chiếc máy vi âm cứ toòng teng trên không, trong khi anh kép lo chao đảo đưa miệng theo mà hát khiến khán giả cứ vừa khóc vừa cười.
Những phục trang rồi sẽ được tận dụng qua bao “nước” nữa cho tới khi chịu thải hồi, nhưng rồi từng vảy kim sa mắt gà nọ sẽ không thể nào lóng lánh theo từng cử chỉ đưa tay quẹt lệ của cô đào thương bao giờ như vậy nữa.
Sân khấu đó, chiếc hộp bí mật của khoảnh khắc tài tình đó, dẫu có một vạn lần sau mở ra, sẽ không bao giờ cùng một phước phần hậu hĩ như những gì đang được bày soạn ra như vậy, trên kia.
Đứa con nít được ẵm ra khỏi ghế vì ngủ gục vào giờ chót tuồng, khiến chiếc bao ghế thêu rô-đê màu trắng xô lệch theo vòng tay và tiếng cằn nhằn của má nó vì phát hiện đôi dép mủ đã “một đi không trở lại”.
Qua nan sắt của mui xe xích lô, còn thấy được dãy người mê hát xôn xao ken chật lối ra vào “bí mật” dùng riêng cho nghệ sĩ... Xe bánh mì thịt vừa chong thêm cây đèn hột vịt, vô giờ bán khuya...
Chuyến xích lô nặng nề theo từng nhịp đạp của người tài đã nhuốm mỏi cuối ngày. Nếu có thể nằm như đứa nhỏ ngủ ngửa trên xe xích lô về đêm, ngó ngược lên màn trời thành thị cứ tuồn tuột trôi ngược về sau, đèn đường làm thành thứ nắng về khuya rọi len qua tàng lá trên đầu, những mối dây điện đèn đường cũng vùn vụt trôi băng xuôi đôi tròng mắt trĩu nặng.
Trong cái kẽo kẹt nhọc nhằn của chuyến xe khuya, màng tang còn rung lên ong óng dư vị tiếng rao tuồng “Một đêm... một đêm duy nhứt...”.
Những đêm duy nhứt, mà sao cứ nhớ miết về sau.
Trác Thúy Miêu /Người Đô Thị