Có thể nói những hành vi lời nói của người lớn như một tấm gương phản chiếu vào tâm hồn trẻ con có sức ảnh hưởng và tác động không nhỏ.
Chuyên gia tâm lý trị liệu Phạm Thị Ngọc Trâm cho biết, người lớn thường đùa với con trẻ bằng những lời nói “Con sắp có em rồi, con sắp bị ra rìa rồi” hay “Sao con nhìn không giống ba mẹ, con chắc được lượm từ thùng rác”,… hoặc những hành động so sánh con trẻ với những đứa trẻ khác.
Điều này vô tình làm tổn thương tâm hồn của trẻ, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ dẫn đến những tác hại nghiêm trọng đến hành vi của trẻ trên đời sống. “Những câu nói đó mỗi ngày sẽ tích tụ lại bên trong tiềm thức của đứa trẻ đó. Não bộ của trẻ không phân biệt đâu là lời nói đùa đâu là nói thật, khi trẻ nghe những câu nói đó từng ngày trẻ mặc định đó chính là lời nói thật khiến trẻ suy nghĩ tự ti về bản thân, mặc cảm nhận thấy bản thân không có giá trị, không xứng đáng được yêu thương. Trẻ dần mất đi sự kết nối với gia đình, thu mình lại, dẫn đến trẻ có thể rơi vào trầm cảm”.
Người lớn là tấm gương để con trẻ noi theo, khi trẻ nhận được những điều tích cực từ người lớn trẻ cũng sẽ tiếp thu và học hỏi những điều đó. Và đặc biệt khi cha mẹ luôn đồng hành, trò chuyện cùng con mỗi ngày, con trẻ sẽ cảm nhận được cảm giác an toàn và luôn sẵn sàng cởi mở cùng cha mẹ khi có bất kỳ khó khăn nào. Trẻ con đơn giản và luôn muốn nhận được tình yêu thương từ người thân, nếu người lớn thật sự muốn trẻ phát triển lành mạnh, tránh xa những điều tiêu cực, người lớn cần cẩn trọng hơn trong lời nói khi giao tiếp với trẻ không chỉ ở trong gia đình mà cả những người xung quanh. Khi trẻ được quan tâm hỏi han đúng cách sẽ giúp các em phát triển một cách lành mạnh và toàn diện nhất.