Cuối năm là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, đặc biệt là thời điểm cận Tết Nguyên đán, ngoài mua sắm phương tiện đi lại, các sản phẩm thương mại điện tử, đồ gia dụng. Không ít gia đình có thói quen mua và tích trữ rất nhiều thực phẩm, điều này xuất phát từ thói quen lẫn truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt. Tuy nhiên hiện nay xu hướng mua sắm tiết kiệm vào dịp Tết ngày càng được chú trọng hơn.
Chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh - Nhà sáng lập Trường Quản trị kinh doanh BizUni cho biết, Tết là một dịp chi tiêu lớn cho cá nhân, gia đình cho hưởng thụ và theo phong trào. “Chúng ta thường lầm tưởng việc chi tiêu ngày Tết là quan trọng, nhưng xét trong hoàn cảnh cuộc sống và kinh tế khó khăn thì việc chi tiêu ngày Tết được cho là không quá quan trọng. Theo truyền thống và văn hóa, Tết chúng ta thường phải mua sắm thật nhiều. Nhưng ở thời điểm hiện tại khi kinh tế khó khăn chúng ta cần hạn chế và tính toán chi tiêu hợp lý, chỉ nên mua sắm những thứ cần thiết”. Để tránh gây lãng phí và mất cân bằng tài chính, bởi sau những ngày Tết chúng ta sẽ phải quay lại cuộc sống hằng ngày với rất nhiều khoản chi tiêu. Nếu không cân nhắc, việc chi tiêu quá đà sẽ khiến chúng ta rơi vào khó khăn ngay sau khi Tết vừa kết thúc.