Chúng ta luôn dạy con trẻ người thân cần phải yêu thương, nhường nhịn nhau. Cha mẹ hiện nay phải bận rộn với công việc mà chưa có được những buổi trò chuyện, hay tâm sự cùng con về những vấn đề đó. Và khi mâu thuẫn giữa các con xảy ra, cha mẹ đa phần vì tâm lý nóng giận chỉ muốn xử lý cho nhanh chứ chưa thật sự bình tĩnh đề tìm hiểu nguyên nhân. Ngoài ra việc áp đặt suy nghĩ con lớn phải nhường em dễ khiến trẻ cảm thấy mình không được xem trọng, không được yêu thương là nguồn cơn tạo nên tâm lý ghét nhau giữa các con.
Thạc sĩ Lê Thị Minh Hoa - Chuyên gia Tâm lý cho biết: “Cha mẹ nên đặt ra những quy ước trong gia đình ngay từ khi con còn bé. Khi có những bất hòa hay không đồng tình với ý kiến của cha mẹ, con trẻ có thể được thổ lộ cho cha mẹ để nhận được sự giúp đỡ và hòa giải. Nhắc con nhớ rõ quy ước, tuyệt đối không có các hành vi bạo lực đối với anh chị em trong gia đình. Đồng thời cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện cùng con, lắng nghe con, chúng ta sẽ hiểu và biết được mâu thuẫn bắt đầu từ đâu. Chúng ta không nên áp đặt cách giáo dục con như bao đứa trẻ khác, mỗi em sẽ có một tính cách riêng biệt cần có sự tìm hiểu và chia sẻ để hiểu rõ con trẻ hơn”.
Dù là con cái trong một nhà nhưng mỗi đứa trẻ với mỗi tính cách khác nhau, khi con càng lớn sẽ có nhiều mối quan hệ bên ngoài, vì thế nếu không có sự gắn kết các con dễ xa cách nhau. Để phát triển mối quan hệ sâu sắc giữa các con, cha mẹ cần thường xuyên tổ chức những hoạt động chung: cho các con cùng nhau làm việc nhà, nấu ăn, đi chơi, đi dã ngoại. Việc dành thời gian vui vẻ bên nhau là cách tốt nhất để giải quyết những mâu thuẫn giữa các con, đồng thời tạo nên những giây phút kết nối, giúp con trẻ hiểu hơn về những giá trị của tình thân và gia đình.