Khi tội phạm có thông tin chi tiết về người thân, chúng có thể sử dụng chiêu trò tinh vi để lừa đảo. Với những thông tin cá nhân có sẵn, các đối tượng này dễ dàng đưa ra các chi tiết cụ thể tạo sự tin tưởng, khiến người bị lừa đảo tin tưởng mà không suy nghĩ kỹ.
Thạc sĩ Trần Tuấn Dũng - Trường Đại học Công nghệ Thông tin, ĐHQG TP.HCM cho biết, người dân nên trang bị kiến thức cơ bản về an ninh trên không gian mạng, nâng cao hiểu biết về các cuộc tấn công đã và đang diễn ra trên không gian mạng. “Ngoài ra, đối với những người có sự hiểu biết về công nghệ nên quan sát và quan tâm nhiều hơn với người thân của chúng ta, bảo vệ và hỗ trợ họ trong việc tránh chia sẻ thông tin riêng tư lên mạng xã hội. Tăng cường các lớp bảo mật trên điện thoại như: bảo mật hai lớp hay cài mật khẩu mạnh, hạn chế sử dụng một mật khẩu dùng chung cho nhiều tài khoản”, thạc sĩ cho biết.
Ngoài ra chúng ta cũng không nên chia sẻ thông tin cá nhân và thông tin về người thân trên mạng xã hội, các nền tảng khác. Khi nhận cuộc gọi hay tin nhắn yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hãy xác minh người liên hệ, bởi các cơ quan có thẩm quyền thường không yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại hay tin nhắn. Cần đảm bảo rằng thiết bị di động và máy tính được cập nhập phần mềm và ứng dụng mới nhất, để tránh lỗ hổng bảo mật. Hãy tìm hiểu về các hình thức lừa đảo hiện nay, tăng cường nhận thức về vấn đề này sẽ giúp chúng ta hạn chế nguy cơ bị lọt, lộ thông tin.