Một phần rất quan trọng trong những năm đầu đời của trẻ đó là sự tò mò. Trí tò mò nuôi dưỡng hứng thú học hỏi của trẻ, điều này vô cùng hữu ích trong tương lai sau này. Thế nhưng khi trẻ đi quá giới hạn của tò mò thì sẽ trở thành người có tính tọc mạch, xen vào những chuyện không mang lại những giá trị cho trẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Chuyên gia Tâm lý cho biết, hãy cho trẻ được tham gia hoạt động nhiều hơn ở thế giới bên ngoài. Cha mẹ đừng nên lãng tránh, khi con trẻ đặt những câu hỏi như: “Vì sao lại như thế này?”. “Tại sao vấn đề này lại có và xảy ra trong cuộc sống?”.
Chuyên gia lý giải: “Khi trẻ bắt đầu hình thành tư duy và khám phá thế giới, một trong những điều quan trọng nhất để kích thích tính tò mò của con đó là cho con trải nghiệm nhiều môi trường hơn. Có thể là trong sách vở, sân chơi hay chương trình dã ngoại để con được ra bên ngoài, thông qua môi trường của thiên nhiên và tự nhiên, giúp cho trẻ hình thành thế giới quan và kiến thức mới”.
Nhiều chuyên gia tâm lý cho biết trẻ sẽ vượt qua giới hạn của sự tò mò, khi trẻ ở độ tuổi lên 6. Bố mẹ phải bắt đầu dạy trẻ cách kiềm chế những câu hỏi mang tính cá nhân của những người lớn khác, đồng thời trẻ cần biết quy tắc không được xâm phạm vào không gian riêng tư của người khác khi không được cho phép. Trẻ cần phân biệt được những vấn đề chung và những vấn đề mang tính riêng tư, nhờ vậy trẻ sẽ xác định được điều gì không nên xâm phạm hoặc không nên cố tìm hiểu một cách cặn kẽ vì đó là những vấn đề hết sức tế nhị và riêng tư của những người xung quanh.
“Hãy ngồi lại và trò chuyện định hướng lại cho con, chỉ con biết những hậu quả của hành vi tọc mạch, sự tổn thương của người khác khi con mình tọc mạch. Trẻ sẽ hiểu được đâu là hành vi đúng và sai”, chuyên gia nhấn mạnh.
Người lớn có thể thiết lập cho mình những không gian riêng bằng cách thông báo cho trẻ biết, rằng lúc này chúng ta đang tập trung cho một vấn đề khác. Đang đọc báo, nấu ăn nên bạn cần có một không gian riêng tư không bị quấy rối bởi tiếng ồn của trẻ. Cha mẹ cũng nên chỉ cặn kẽ con rằng những vấn đề nào, chủ đề nào con không nên tò mò đến. Khi người lớn nói chuyện con nên ở đâu và có thái độ ra sao với những việc không phải của mình. Khi thấy con có những động thái như nói xấu người khác, nghe lén người lớn nói chuyện, cha mẹ cần có động thái nhắc nhở, dạy bảo nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc để điều đó không trở thành một thói quen của trẻ.