Sinh ra với đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng, nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc Yến luôn khao khát được học tập như bao người. Bằng nghị lực phi thường của mình, chị Ngọc Yến thi đỗ vào Khoa Xã hội học của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM. Chị Yến cho biết, điều kiện học tập vào thời điểm đó hết sức khó khăn. Dù vậy, chị vẫn cố gắng vượt qua số phận và trở thành một giáo viên dạy vi tính cho những người cùng cảnh ngộ.
Sau đó, chị Yến quen biết và nảy sinh tình cảm với một người con trai. Thế nhưng, chị Yến cảm nhận được rằng gia đình bạn trai tuy không phản đối kịch liệt nhưng cũng chẳng ủng hộ. Không muốn bị người khác xem thường, chị Yến chấp nhận kết thúc mối tình ấy và quyết định trở thành mẹ đơn thân.
Chị Yến tâm sự: “Tôi cũng rất đắn đo suy nghĩ nhưng không muốn bị ai xem thường. Nếu mình cứ cố gắng níu kéo, người ta cũng sẽ chấp nhận vì trách nhiệm. Nhưng sau đó, tôi nghĩ rằng mình sẽ không nhận được sự tôn trọng. Anh ấy là người có hiếu với cha mẹ. Tôi quý trọng anh ấy vì điều đó. Tôi sợ rằng nếu tiến xa hơn sẽ làm cho anh ấy khó xử. Khi quyết đinh chia tay, tôi không nói với anh ấy rằng tôi sẽ giữ và nuôi con. Tôi không muốn anh ấy phải bịn rịn hay băn khoăn gì cả”.
Là người khiếm thị và quyết định trở thành mẹ đơn thân, chị Ngọc Yến đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Trước đó, chị Yến cũng chưa từng nghĩ đến việc bản thân sẽ có con. Chị Yến chia sẻ: “Khi tôi biết mình có em bé và xác định sẽ sinh con, tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều. Tôi chưa chuẩn bị tinh thần và cũng chẳng biết chăm em bé, nuôi con như thế nào. Lúc đó, tôi có rất nhiều nỗi lo”.
Sau đó, chị Ngọc Yến mua một chiếc lục lạc và tập cho em bé làm quen với âm thanh. Khi em bé biết đi, chị Yến mang chiếc lục lạc vào chân em bé. Từ âm thanh của chiếc lục lạc phát ra, chị Yến có thể biết được con mình ở đâu, đang làm gì để tiện bề chăm sóc.
Chị Yến tâm sự: “Khó khăn lớn nhất của tôi là rất sợ em bé bị đau bụng hoặc bị một vấn đề gì đó mà tôi không nhìn thấy được. Nhưng khi nuôi con, giữa tôi và con có một sợi dây liên kết. Tôi có thể cảm nhận được con đang đói hay đau bụng qua tiếng khóc. Tôi nghĩ câu chuyện của mình không có gì đặc sắc nhưng lại rất đời thường và thực tế. Hi vọng rằng câu chuyện của tôi sẽ truyền được cảm hứng và là nguồn động lực cho tất cả mọi người: hãy hết mình với những điều mình lựa chọn”.
Khó khăn trăm bề của người mẹ khiếm thị một mình nuôi con