Trong tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung có một bậc thầy bí ẩn không trực tiếp xuất hiện mà được biết đến qua lời kể của các nhân vật khác. Cao thủ này 69 tuổi mới bắt đầu luyện võ, tới năm 120 tuổi trở thành mạnh nhất võ lâm. Người này là ai?
Vị cao thủ này chính Hoàng Thường. Hoàng Thường vốn là một quan văn trong triều dưới thời hoàng đế Huy Tông. Hoàng đế hạ chiếu tập hợp tất cả di thư của đạo gia trong thiên hạ để làm bộ Vạn thọ Đạo tạng và Hoàng Thường phụ trách trông coi việc khắc in. Khi đó, ông đã 70 tuổi. Vì sợ khắc lầm chữ sẽ bị tội khi quân nên ông đã dồn hết tâm trí để đối chiếu cẩn thận từng câu chữ. Dần dần, Hoàng Thường trở nên tinh thông Đạo học, ngộ ra được tầng sâu của võ công. Sau 10 năm, ông đã tu luyện cả nội – ngoại công, từ một người trói gà không chặt ông đã trở thành cao thủ.
Về sau, vua Huy Tông phái Hoàng Thường đem binh đi tiêu diệt Ma giáo (Minh giáo). Ông đánh bại nhiều cao thủ nhưng bị trọng thương phải đi trốn. Ở nơi núi hoang, Hoàng Thường nhớ lại những chiêu thức võ công của các địch thủ để tìm cách phá giải. Hơn 40 năm sau, khi đã triệt ngộ, ông trở thành vô địch thiên hạ và muốn hạ sơn báo thù thì kẻ thù xưa đã qua đời hết.
Lúc này, Hoàng Thường đã hơn 120 tuổi. Ông bèn đem những công phu thượng thừa của các môn phái viết thành Cửu âm chân kinh. Bộ Cửu Âm Chân Kinh gồm 2 quyển: "Quyển Thượng" ghi chép các phương pháp tu luyện nội công và một số bí thuật; "Quyển Hạ" bao gồm các chiêu thức khắc địch và bảo vệ bản thân. Ông đã giấu đi bí kíp này ở một nơi bí mật và qua đời không lâu sau đó.
Về sau, Cửu âm chân kinh lưu lạc trong nhân gian khiến giới võ lâm tranh đoạt và gây ra một trận chém giết để giành lấy bí kíp này, cũng chính quyển chân kinh này đã dẫn đến Hoa Sơn luận kiếm sau này.
Tại cuộc "Hoa Sơn luận kiếm" lần thứ nhất, Vương Trùng Dương nhờ đánh thắng Đông Tà, Tây Độc, Bắc Cái, Nam Đế, trở thành đệ nhất cao thủ trong "võ lâm ngũ bá" và được giữ bí kíp này.
Sau đó, tại núi Tung Sơn, Vương Trùng Dương gặp một vị cao tăng thần bí, người này đã đánh bại ông và mượn Cửu âm chân kinh để đọc. Vị cao tăng này chính là Đạt Ma sư tổ. Sau khi đọc xong Cửu âm chân kinh, Đạt Ma sư tổ cho rằng cuốn bí kíp này quả thực rất sâu sắc nhưng nó lại thiên về cách tiếp cận âm dương của Đạo giáo chứ không thể bổ sung cho âm dương. Do đó, Đạt Ma sư tổ đã sáng tạo ra một môn võ khác kết hợp âm dương là Cửu dương thần công.
*Bài viết tổng hợp dựa trên các ý kiến chia sẻ quan điểm về những tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung từ trang tin Sina, Sohu.