“Con đực của hầu hết các loài đều lớn hơn và khỏe hơn con cái", cha đẻ của Thuyết Tiến hóa Charles Darwin đã viết như vậy vào năm 1871 khi đưa ra thuyết về chọn lọc giới tính của mình trong cuốn sách có tên Nguồn gốc loài người.
Trong hơn một thế kỷ, ý tưởng đó phần lớn được thừa nhận, thống trị các cuộc thảo luận về động vật có vú. Cuối cùng, những lập luận chống lại thành kiến này cũng đã được lắng nghe.
Ba nhà sinh thái học từ Đại học Princeton hiện đã hoàn thành một phân tích tổng hợp mới gồm dữ liệu từ hơn 400 loài, chứa hầu hết mọi bộ động vật có vú. Phát hiện của họ cho thấy trong dữ liệu của họ, gần 39% các loài động vật có vú mà con đực và con cái có khối lượng cơ thể trung bình tương tự nhau – một khái niệm được gọi là đơn hình giới tính.
Ngược lại, trung bình khoảng 45% loài có con đực lớn hơn con cái và 16% có con cái lớn hơn con đực. Tuy nhiên, ngay cả trong những trường hợp 'lưỡng hình' giới tính, hầu hết sự khác biệt về kích thước đều không quá lớn.
Đại diện nhóm các nhà sinh thái học thực hiện nghiên cứu, Kaia Tomback giải giải thích: “Trong khi người ta nghĩ rằng các loài có con đực lớn hơn chiếm áp đảo, chúng tôi phát hiện ra rằng con đực không lớn hơn con cái vẫn chiếm phần đông ở động vật có vú và hiện tượng đơn hình giới tính cũng xảy ra phổ biến không kém gì hình thái với những con đực lớn hơn”.
Không có gì đáng ngạc nhiên, các loài động vật hữu nhũ có sự khác biệt về kích thước giới tính phổ biến nhất là những loài được các nhà khoa học nghiên cứu nhiều nhất. Chúng gồm động vật ăn thịt, linh trưởng và động vật móng guốc. Trong số những loài này, những con đực lớn hơn mặc nhiên đã trở thành tiêu chuẩn không phải bàn cãi, điều đó có nghĩa là sự thiên vị lịch sử có thể đã làm sai lệch sự hiểu biết của chúng ta.
Khi nhóm nghiên cứu thực hiện lại phân tích bằng cách sử dụng chiều dài cơ thể thay vì khối lượng cơ thể, gần một nửa số loài họ phân tích là đơn hình. Điều này cho thấy rằng cách các nhà khoa học chọn đơn vị đo lường 'độ lớn' cũng có thể làm sai lệch kết quả.
Kể từ những năm 1970, một số nhà sinh học chuyên nghiên cứu về quá trình tiến hóa đã lập luận rằng chỉ có ít bằng chứng ủng hộ sự khác biệt về kích thước giới tính giữa các loài động vật có vú. Tuy nhiên, do thiếu những ước tính chính xác và thiếu nhất quán về cách tính kích thước cơ thể của nhiều loài khác nhau nên quan điểm đối lập này đã không thu hút được sự chú ý.
Xem hầu hết mọi bộ phim tài liệu về thiên nhiên về động vật có vú, chúng ta sẽ nhận thấy một câu chuyện chung: một con đực to lớn, vạm vỡ cạnh tranh với những con đực khác để giành được sự chú ý của một con cái nhỏ bé và mong mang hơn.
Khi nghĩ về cạnh tranh trong loài, chúng ta thường nghĩ về cảnh hai con dê đực đang chiến đấu trên vách đá, hai con hươu đang khóa sừng hoặc hai con hải tượng tranh giành đẫm máu quyền cai trị “hậu cung”. Đây là những câu chuyện được kể nhiều nhất, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng đại diện cho hầu hết các loài động vật có vú.
Trên thực tế, hải tượng phương bắc (Mirounga angustirostris) là một ngoại lệ rõ ràng trong nghiên cứu hiện tại. Hải tượng cho thấy sự khác biệt lớn nhất về kích thước giới tính, với con đực có khối lượng trung bình gấp 3,2 lần con cái.
Các nhà sinh thái học cho biết phát hiện của họ không phải là kết luận cuối cùng về hiện tượng lưỡng hình giới tính. Rốt cuộc, nhóm nghiên cứu chỉ phân tích 5% tổng số loài động vật có vú do thiếu dữ liệu.
Tuy nhiên, ba nhà nghiên cứu kết luận: “Các kết quả sơ bộ của chúng tôi cho thấy ưu thế của đơn hình giới tính về chiều dài cơ thể ở động vật có vú củng cố ý tưởng rằng có lẽ đã đến lúc chấm dứt câu chuyện về giống đực thường lớn hơn"
Hiện nay, cần phải chú ý nhiều hơn đến việc chọn lọc giới tính và các yếu tố sinh tồn khác tác động như thế nào đến sự tiến hóa của con cái. Bằng cách đó, chúng ta có thể hiểu biết thêm rất nhiều về thế giới tự nhiên và cách vận hành phức tạp của nó. Ví dụ, loài dơi mũi ống có con cái lớn hơn con đực trung bình 1,4 lần và kích thước lớn của dơi cái được cho là tạo điều kiện thuận lợi trong việc mang thai hoặc con cái suốt quá trình bay kiếm mồi.
Ý tưởng này phù hợp với 'Giả thuyết Người mẹ Lớn' được đề xuất lần đầu tiên cách đây nhiều thập niên, là lời giải thích cho kích thước cơ thể giống cái lớn và được ủng hộ bởi Katherine Ralls - một nhà sinh vật học tiến hóa. Ralls đã lập luận rằng những loài có con cái lớn hơn là "dù hiếm nhưng vẫn là kết quả của việc chọn lọc giới tính”.
Đáng tiếc, ý tưởng đó chỉ nhận được tương đối ít sự chú ý. Các nhà nghiên cứu tại Princeton viết: “Khi các giả định cũ được xem xét lại với các tập dữ liệu lớn hơn và sự xem xét kỹ lưỡng hơn, chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn để có những đột phá mới trong lý thuyết chọn lọc giới tính”.