Muôn vàn lý do để thức xuyên đêm ở quán cà phê
Gần 1 giờ sáng, những quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Linh, 3.2, Nguyễn Văn Cừ (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ)… vẫn còn mở cửa đón khách. Đây không phải là những quán cà phê vỉa hè tạm bợ mà là những quán được đầu tư, thiết kế đẹp mắt, phù hợp với giới trẻ.
Trong phòng lạnh của 1 quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Cừ, hàng chục bạn trẻ chủ yếu là sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố vẫn ngồi nói chuyện rôm rả dù đồng hồ đã chỉ gần 2 giờ sáng. Ở một góc phòng, cặp đôi nam nữ ngồi dán mắt vào màn hình điện thoại, bạn nữ nằm gối đầu lên đùi bạn trai.
Thỉnh thoảng, họ lại chỉ vào màn hình điện thoại rồi phá lên cười. Ở một góc phòng khác, một nhóm nam thanh niên trẻ cãi nhau chí chóe, văng tục khi đang vào một trận game. Ở trong phòng lạnh được bật điện 24/24 này không thể phân biệt được ngày hay đêm…
Đó cũng là cảnh tượng chung ở những quán cà phê mở cửa thâu đêm trên địa bàn Cần Thơ. Khách đến đây đa phần là những bạn sinh viên ở các tỉnh khác đến Cần Thơ đi học. Họ không bị gia đình quản lý, mặc sức thức xuyên đêm dù chẳng để làm gì.
“Có thời điểm miền Tây nóng đột biến, tụi em ở phòng trọ chỉ có mỗi cái máy quạt, ngủ không nổi, nên thường ra những quán cà phê máy lạnh tránh nóng. Ở miết cho đến quá nửa đêm, không khí dịu hơn một chút tụi em mới về phòng ngủ. Thời điểm đó có nhiều bạn cũng như tụi em lắm, chủ yếu là tụi em ngồi nghịch điện thoại, xem phim để giết thời gian”, 1 nữ sinh viên bộc bạch.
Hơn 2 giờ sáng, tại 1 quán cà phê khác nằm trên đường 3.2, gần Trường đại học Cần Thơ, hàng chục sinh viên cả nam lẫn nữ vẫn say sưa ngồi “chém gió”. Trên màn hình tivi của quán đang phát lại trận bóng đá giải Ngoại hạng Anh phục vụ cho một số khách chưa xem.
“Em ra đây lúc 11 giờ, ngồi chơi game đến tầm 2 - 3 giờ sáng thì về. Chứ về phòng cũng nằm chơi game mà buồn lắm, ra đây thấy nhộn nhịp hơn. Chơi khí thế hơn”, 1 nam sinh viên kể.
“Em ra đây ngồi để giết thời gian thôi, quen rồi. Tối ngủ không được, ở nhà cũng bấm điện thoại, ra đây ngồi cũng bấm điện thoại. Có rủ bạn ngồi chung cũng mỗi người một cái điện thoại bấm bấm. Khi nào mệt, buồn ngủ thì về ngủ”, T.T. nữ sinh viên năm 2 của 1 trường đại học kể.
Thùy Dương, sinh viên năm 2 của Trường đại học Cần Thơ kể, em thường thức đến 2 giờ sáng tại những quán cà phê mở cửa 24/24. “Em thường đi theo bạn vào đó để học bài, có nhiều bạn mang máy tính xách tay vào quán cà phê để làm luận văn lắm.
Có thể do ở phòng trọ ở ghép với nhiều bạn lại khó tập trung nên họ lựa chọn tới quán cà phê để học. Cũng có những bạn vào đó để đánh bài nữa, họ đánh ghi điểm trả tiền nước thôi chứ không ăn thua tiền bạc”, Dương nói.
Nữ sinh này cho biết, có nhiều trường hợp các bạn sinh viên vào quán cà phê để… ngủ. Nguyên do có thể vì về trễ, nhà trọ đóng cửa, bạn cùng phòng giận nhau. “Kêu ly nước mười mấy hai chục ngàn là có thể ngồi cả ngày hoặc nguyên đêm trong quán. Đói bụng thì có quán phục vụ luôn mì gói như vậy quá tiện lợi, phù hợp với sinh viên”, Dương phân tích.
Nhưng giờ, thậm chí các quán cà phê vỉa hè cũng thu hút những “con ma đêm” này. Ở các góc đường Mậu Thân, Trần Việt Châu… nhiều quán cũng mở bán sáng đêm, và khách cũng thức sáng đêm. Hầu hết khách là các sinh viên, ít tiền hơn, nên đành chọn các quán vỉa hè để “xuyên đêm”.
Mỗi người cầm 1 điện thoại, bấm bấm, ít khi nói chuyện với nhau. Nhưng theo họ, như thế vẫn có cảm giác không lẻ loi như một mình trong phòng trọ. Thậm chí, những sinh viên xa nhà này còn lôi kéo được một số sinh viên có nhà ở Cần Thơ, cũng ra ngoài bám trụ với nhau.
Luật không cấm, nhưng cần quản lý chặt
“Tôi không hiểu những bạn trẻ này thức đến giờ đó làm gì, họ không lo học hành, cứ thức đêm chơi game, tán gẫu như vậy. Rồi sáng ngủ đến trưa mới dậy, thời gian đâu để họ tập trung học hành, trau dồi kiến thức. Việc thức khuya như vậy là trái với đồng hồ sinh học của cơ thể, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe nhưng họ không quan tâm. Đó là chưa nói, vào thời điểm đêm khuya như vậy rất dễ xảy ra các tệ nạn xã hội khác”, anh Nguyễn Tiến Tài (40 tuổi), ngụ Q.Ninh Kiều cho biết.
Thức đêm, ngủ ngày là hiện trạng chung của những sinh viên, bạn trẻ hiện nay, dù việc thức khuya đó không phục vụ cho việc học tập hay đi làm thêm. Họ thức khuya từ ngày nay qua ngày khác và trở thành thói quen khó bỏ. Đêm xuống, thay vì ở phòng trọ để ngủ một giấc sâu họ lại ngồi vật vờ ở những quán cà phê xuyên đêm để giết thời gian, và chỉ trở về phòng ngủ khi 2 mí mắt sụp xuống.
Việc quán cà phê mở cửa 24/24 không trái với quy định của pháp luật. Điều quan trọng là chủ quán phải đăng ký hộ kinh doanh và đảm bảo được an ninh trật tự trong khu vực kinh doanh, và nhất không gây ảnh hưởng đến người khác.
Anh Lê Chí Kiên, chủ của 1 quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Linh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ cho biết việc mở quán cà phê mở cửa 24/24 điều quan trọng nhất là đảm bảo an ninh trật tự. Ngoài ra, chi phí để hoạt động cho quán cà phê sau 10 giờ tối cũng tăng lên gấp đôi.
Anh cho biết: “Hiện các quán cà phê ở Cần Thơ trung bình trả lương cho nhân viên từ 13.000 - 15.000 đồng/giờ. Nhân viên phục vụ sau 10 giờ tối, mình phải trả công cho họ gấp đôi. Giá tiền thức uống cũng có thể tùy quán mà có những mức tăng khác nhau nếu khách đến sau 10 giờ tối.
Việc mở cửa 24/24 không quá khó hay phức tạp đối với 1 quán cà phê, nhưng điều quan trọng nhất là giữ an ninh trật tự. Nhất là vào giờ khuya, việc giữ xe cho khách rất vất vả, phải cần thêm người giữ hoặc bảo vệ thường xuyên kiểm tra”.
Nhưng ở trong quán cà phê này, những tờ bướm, tờ rơi quảng cáo dịch vụ cầm đồ dán nhan nhản. Đó là nơi đang giữ máy tính xách tay, điện thoại, xe máy của nhiều sinh viên xa nhà, đang lâm vào cảnh nợ nần, túng thiếu.
“Những quán cà phê xuyên đêm thế này chỉ phục vụ chủ yếu là cho sinh viên xa nhà, hoặc giới trẻ chưa có việc làm. Chứ nếu 1 người đã có việc làm không thể cứ thức xuyên đêm rồi ngủ tới trưa mới dậy như thế được. Đành rằng có cung thì mới có cầu, nhưng những mô hình kinh doanh thế này cần được cơ quan chức năng quản lý, giám sát chặt chẽ để tránh phát sinh những bất cập”, anh Tuấn Quang, ngụ Q.Cái Răng, chia sẻ.
Thanh Nguyên