Ở lời đầu sách, tác giả có tiết lộ thuở nhỏ mình “chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thành một người viết”. Nhưng rồi duyên nghề của tác giả mang đến một quãng thời gian làm báo, rồi gắn bó đến nay với nghề truyền thông xuất bản, rõ là “chữ nghĩa và sách vở là thứ luôn ở lại bên ta” như tác giả đúc kết.
Trong Cám ơn vì đã được thương, người đọc ấn tượng với câu hỏi “Có bao giờ bạn chào một cái cây chưa?” trong một tản văn đầu tập. Xem ra tác giả rất yêu thương cây cối vạn vật, hàng điệp rơi, nhạc ngựa mùa rụng lá, dây đậu biếc, bụi cỏ lau, nhánh hoa hồng, cây quế khâu nơi góc vườn nhà ngoại… Những bóng hình “cỏ cây hoa lá” xung quanh cuộc sống con người nơi phố thị ồn ả dù vô tri, nhưng chắc chắn có ích với nhiều người. Với Minh Phúc, “cây đã tặng tôi những phút giây đẹp nhất của mình”, đã coi cô “là bạn”, đã khiến cô “tỉ mỉ nhìn ngắm lại cuộc đời mình” và cả “những vết thương ta phải tự chữa lành”. Và tác giả thấu hiểu: “Phải chăng chỉ có những người bạn thật sự mới chia sẻ với nhau cả những giờ phút đớn đau lẫn phút giây huy hoàng”.
Chủ đề hoài niệm, thương nhớ quê nhà, kỷ niệm thuở ấu thơ và tình mẹ (tác giả gọi kính thương bằng má) được dành phần trọng tâm trong quyển sách của mình. Đặc biệt, Minh Phúc quan sát rất tinh tế và viết chi tiết cuốn hút đến bất ngờ về chuyện bếp núc, từ “chái bếp sau hè” của má ruột đến góc bếp lửa than vương mùi khô cá trích của má chồng. Định cư và lập nghiệp lâu năm nơi thị thành, tác giả vẫn không thể quên những “mùi hương góc bếp, mùi khói bếp nhà”. Đọc tản văn của Minh Phúc, người đọc mường tượng ra ẩm thực chính là sợi dây kết nối giữa hai thế hệ má và chị, giữa chị và quê cũ. Và sau bao năm tháng, bao mùa “về quê ăn Tết”, sợi dây ẩm thực này vẫn không hề mỏng đi. Trái lại, nó trở thành “đặc sản nỗi nhớ”.
Cám ơn vì đã được thương (NXB Trẻ vừa phát hành tháng 3.2020)
Ít nhất hai lần cụm từ “năng lượng tích cực” xuất hiện trong phần cuối của Cám ơn vì đã được thương. Qua nhiều năm tháng, “số phận cũng có chút xíu cợt đùa”, tác giả nghiệm ra được cách “yêu thương bản thân mình và hài lòng với nó”. Rằng những người phụ nữ có thể tạo được năng lượng tích cực cho chính mình bằng nhiều cách - như “sửa mình, sống chậm lại, cởi mở tất lòng hơn, yêu chiều cảm xúc của chính mình”. Để rồi còn lan truyền, “cống hiến” (từ dùng của tác giả) cho những người xung quanh nữa. Bởi, như Minh Phúc viết: "Giá trị của phụ nữ chính là tất cả những gì nàng ban tặng cho thế giới xung quanh"...
Trung Nghĩa