Nhắm mắt nhìn sao Kỳ 3 - Tôi tin mình sẽ thành công

11/03/2020 08:00
Nhắm mắt nhìn sao Kỳ 3 - Tôi tin mình sẽ thành công

Sài Gòn hoa lệ, ồn ào và là thiên đường để phát triển tài năng, tuy vậy, để trở thành một cá thể nổi bật giữa một mảnh đất toàn nhân tài như nấm mọc sau mưa là chuyện không hề dễ dàng.

Trong khoảng thời gian ngắn ở Sài Gòn, tôi dần dùng hết số tiền ít ỏi để dành, trong khi đó vẫn chưa có việc gì để làm. Đời người nghệ sĩ giải trí và vận động viên thể thao giống hệt nhau. Ít ai có thể trụ vững thật lâu trong guồng quay khắc nghiệt của sự đào thải. Khán giả không có nhu cầu tìm hiểu nghệ sĩ đó là ai. Muốn tồn tại, muốn sống được với nghề, người làm giải trí phải khiến cho khán giả biết đến mình.

Tôi tin mình sẽ thành công (kỳ 3) - 1

Nói vậy nghĩa là Hà Chương hôm qua phát hành ba album, tốt nghiệp thủ khoa nhạc viện, được chép tên trong bảng vàng Văn Miếu Quốc Tử Giám, đi diễn ở châu Âu,… chẳng có nghĩa lý gì giữa Sài Gòn ngập tràn công nghệ lăng xê chuyên nghiệp. Muốn có tiền phải trở thành ngôi sao. Mà muốn làm ngôi sao phải có ông bầu mát tay, chịu chi cùng hàng loạt chiến dịch truyền thông bài bản. Bằng không bạn chỉ có thể xuất hiện trước công chúng với bộ quần áo nhàu nhĩ, mỏi miệng năn nỉ bầu show cho hát, dù chỉ là hát lót cho ca sĩ thành danh. Mỗi lần như vậy, tiền cát sê giảm sút thê thảm, rất bèo bọt.

Lúc đó, cái ăn thúc bách, cánh tay tàn độc của nó bóp chết mọi nốt nhạc.

Vợ chồng anh Hải không đi làm nên có nhiều thời gian gần gũi với tôi. Cuối chiều, anh chị thường ghé nói chuyện với tôi. Lúc nào anh chị cũng ân cần, ngỏ ý cứ có bất kỳ khó khăn gì cũng sẵn sàng giúp đỡ tôi như đứa em nhỏ. Biết tôi thích uống bia, những đêm cuối tuần, anh chị thường bày bữa nhậu rồi đàn hát rất vui. Tôi vốn kín tiếng, nên không nói anh chị nghe mình hết tiền. Mà thật ra, điều làm tôi trăn trở lớn nhất không phải chuyện tiền nong mà chính là khát khao được đi hát, được tỏa sáng trên sân khấu đầy ánh đèn.

Hơn nữa, ân tình của vợ chồng anh Hải lớn quá, tôi đâu dám đòi hỏi thêm.

Khi mọi thứ càng khó khăn, tính lì lợm của tôi càng nổi lên mạnh mẽ. Mỗi sáng, tôi đeo cây đàn vào lưng, đi xe ôm tới các phòng trà trong thành phố xin hát thử. Có khi để giảm chi phí xe ôm, tôi nhờ bạn trai của con gái anh Hải chở đi giúp. Anh chàng này đang “cua gái” nên rất sẵn lòng với anh Chương.

Đối với tôi, sự thúc ép của đồng tiền, miếng cơm manh áo quả là một áp lực, nhưng nó không khiến tôi thấy buồn lòng, xót xa bằng sự cay nghiệt, thái độ bạc bẽo, kỳ thị người đời dành cho mình. Chỉ vì tôi không được sáng mắt như người bình thường nên nhiều lần đi xin hát, người ta xua đuổi, không cho. Tôi đâu có “xin xỏ” bất cứ thứ gì. Tôi chỉ muốn sống bằng sức lao động chân chính của tôi, dùng tài năng âm nhạc của bản thân để mang lại niềm vui, sự khuây khỏa và an ủi cho mọi người. Và vào một buổi sáng chẳng bình thường, tôi về nhà mà không có cây đàn guitar. Nó đã ở lại vĩnh viễn với tiệm đàn. Tôi đã bán người bạn tri kỷ của mình! Chỉ vì tôi phải sống để chờ đến ngày mai như bài hát - “Ngày mai đời sẽ khác”-của mình!

Dù mạnh mẽ và gan lì đến đâu, tôi cũng có những phút yếu lòng, tủi thân. Tôi hoang mang, không biết mình có nên tiếp tục đi theo con đường âm nhạc, có nên tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành một nghệ sĩ trình diễn vĩ đại như Stevie Wonder hay không? Giữa lúc lòng đầy ngổn ngang như thế, tôi nhận được tin bài Nắng hát do tôi sáng tác đã lọt vào chung kết của cuộc thi sáng tác âm nhạc đầy uy tín Bài hát Việt.

Bài hát Nắng hát đưa tôi lại gần hơn với giới hoạt động âm nhạc ở Sài Gòn như nhạc sĩ đàn anh Đức Trí, nhạc sĩ Thanh Tâm, chồng của ca sĩ Hải Yến, giải Nhất Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Hơn thế nữa, nhờ Nắng hát, cánh cửa đến với các phòng trà, quán bar mở ra cho tôi, mặc dù giá cát sê thời điểm đó mỗi đêm chỉ khoảng một trăm năm mươi đến hai trăm ngàn đồng cho ba bài hát. Hát phòng trà cũng có nỗi tủi thân, cơ cực của nó, ở Sài Gòn vẫn có chuyện bầu show quỵt tiền ca sĩ, ít nhất là với tôi. Tôi liên tục làm người hát lót cho các ca sĩ có tên tuổi, quen thuộc với khán giả. Lắm khi đến tiết mục của mình, tôi phải đành nhường lại cho đồng nghiệp khác hát trước. Tôi còn phải thích nghi dần để chấp nhận tiếng hát của mình lẩn khuất đâu đó trong những tiếng cụng ly, rào rạo nhai đồ ăn của thực khách ở quán. Kệ, cứ sống đã rồi tính!

Kiên nhẫn đi hát, mở rộng thêm các mối quan hệ, tôi dần dần rời xa các quán nhạc bình dân xô bồ để tới được một số phòng trà quen thuộc với khán giả thành phố như We, Tiếng Xưa, I coffee, Café Net, Cúc cu… Không gian phòng trà sang trọng, khách đến nghe nhạc có chọn lọc và nhạc công có trình độ chuyên môn giỏi để đáp ứng đòi hỏi thưởng thức âm nhạc cao của khán giả và đó cũng là nguồn cảm hứng lớn cho tôi.

Thường các phòng trà này có các chương trình riêng khoảng bốn mươi lăm phút cho các nghệ sĩ biểu diễn. Tôi thường xuyên có chương trình của mình với mức thù lao khoảng sáu trăm ngàn đồng. Nói bình dân hơn thì sáu trăm ngàn đồng bao nguyên bốn mươi lăm phút. Mỗi đêm hai show như vậy là cuộc sống đẹp như mơ ở thời điểm Sài Gòn “nhà nhà ca sĩ”, “người người ca sĩ”.

Tôi tin mình sẽ thành công (kỳ 3) - 2

Lại nhờ tính tiết kiệm mà sau một năm đi hát, tôi dành dụm được chút tiền lận lưng và bắt đầu “ủ mưu” dự án nhạc tiếp theo còn đang dang dở khi ở Hà Nội. Đó là hai album nhạc xưa. Nói gì thì nói, người Sài Gòn vẫn mê nhạc xưa, say đắm tình khúc của các nhạc sĩ Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn…

Tôi nhớ ba mình. Sau mỗi mùa nông, ông thích đánh bạc. Năm nào ba chơi cũng thua người ta, chỉ vì ông không giỏi các ngón nghề. Muốn đứng chung với người trong thiên hạ và muốn làm tốt bất cứ việc gì thì cũng phải học.

Tôi tin rằng tôi sẽ thành công, dẫu chưa biết thành công như thế nào, chỉ biết lúc đó những bản R&B của nghệ sĩ khiếm thị người Mỹ Stevie Wonder đã nói với tôi như thế.

Trích “Nhắm mắt nhìn sao” - First News phát hành


Gửi bình luận
(0) Bình luận