Một ngày cuối tuần cũng giống như rất nhiều ngày khác, tôi thường ngồi nhìn lại xem trong tuần mình đã làm được những gì cũng như lập kế hoạch cho tuần sắp tới. Ngoài ra thì tôi sẽ dọn dẹp nhà cửa và vứt bỏ đi những món đồ không còn dùng được nữa hoặc quá cũ và không cần thiết. Lần này khi nhìn thấy giá sách, tôi lại cảm thấy thoáng buồn: có đến quá nửa các cuốn sách chưa được đọc hết và trong đó cũng có không ít cuốn vẫn chưa được đọc hết lời mở đầu.
Lúc mua sách hẳn là nhiều người cũng giống như tôi: thường có một tinh thần rất phấn chấn và quyết tâm, tự nói với bản thân rằng mình cần có quyển sách đó (thậm chí có người còn chọn dịch vụ ship nhanh để nhận luôn được quyển sách đó càng nhanh càng tốt); mình sẽ đọc thật cẩn thận và hiệu quả... Nhưng rồi mua sách về, bạn đã bỏ dở chúng và lại viện cớ để không-thể-đọc-hết. Có những người điển hình lại như thế này: đọc rất nhanh, đọc rất nhiều nhưng lại không ngấm được bao nhiêu. Vậy cách khắc phục tình trạng này sẽ như thế nào?
Dừng việc "khoe sách" trên mạng xã hội, hãy chú tâm vào mục đích chính của mình
Sách mua là để đọc, để bồi đắp thêm những kiến thức còn thiếu, để thế giới rộng mở và khiến chúng ta trau dồi khả năng ngôn ngữ, khiến bản thân sống sâu sắc hơn. Việc chụp ảnh để chia sẻ với mọi người cuốn sách hay cũng là điều đáng khuyến khích. Nhưng bạn hãy tỉnh táo và phân biệt giữa việc: bạn thực sự muốn chia sẻ điều hay với mọi người hay chỉ là để "sống ảo" "màu mè" khoe rằng mình yêu sách và sống sâu sắc?
Nếu bạn cảm thấy mình đang có xu hướng tô vẽ cho bản thân trước mọi người hơn là hướng tới giá trị thật thì hãy dừng lại bạn nhé! Càng cố gắng chứng tỏ rằng mình có những điều mà thực chất chúng ta không sở hữu chỉ để gây ấn tượng với người khác sẽ chỉ làm cho bản thân chúng ta ngày càng thấy trống rỗng hơn mà thôi,
Hãy đừng mua sách tràn lan và thử thay đổi bằng cách cam kết: khi bạn đọc xong một quyển sách thì mới mua quyển tiếp theo
Điều này cũng có nét giống với quy tắc sống tối giản của người Nhật. Trong quy tắc tối giản, khi bạn sắm mới một món đồ thì bạn cần bỏ món đồ cũ đi. Ở đây chúng ta không nhất thiết phải bỏ sách đi nhưng thay vào đó hãy đọc hết trước khi mua sách mới.
Tìm cho mình một cách đọc hiệu quả
Có người cảm thấy đọc hiệu quả khi ghi chú và đánh dấu vào sách, có người lại thích việc đọc xong tóm tắt hoặc chia sẻ với người khác. Dù là như thế nào thì miễn là đó là cách khiến bạn cảm thấy tốt cho bản thân mình. Số lượng cuốn sách đọc không quan trọng bằng số cuốn sách bạn thực sự "ngấm" và việc ghi chép không quan trọng bằng việc bạn thực hành như thế nào. Tôi có một người bạn, mỗi một cuốn sách cậu ấy chỉ cần rút ra cho mình 5 bài học và luyện tập nhắc đi nhắc lại những bài học đó cho đến khi chúng trở thành kỹ năng thì cậu ấy đã cảm thấy thành công rồi. Hãy chọn cho mình một cách nào đó khiến bạn cảm thấy đủ hứng thú và kiên trì để đọc trọn vẹn một cuốn sách.
Tham gia một nhóm đọc sách
Tôi nhận thấy việc tham gia đội nhóm là một cách khiến bạn rèn kỷ luật với bản thân tốt hơn rất nhiều so với việc bạn đơn lẻ hoạt động. Việc đọc sách nhìn qua có vẻ như là công việc không đòi hỏi nhiều nỗ lực. Nhưng việc hình thành thói quen đọc sách thường xuyên cũng như nghiêm túc thực hiện những bài học trong sách lại đòi hỏi tính kỷ luật cao.
Tham gia vào đội nhóm buộc bạn phải có cam kết rõ ràng, bạn sẽ cảm thấy khó từ bỏ hơn cũng như bạn có cơ hội rút ra được bài học từ cuốn sách dưới cái nhìn đa chiều. Trong đội nhóm đọc sách tôi tham gia mọi người thay nhau trình bày và tổng kết bài học rút ra sau mỗi buổi đọc sách. Mỗi lần có một thành viên chia sẻ một cách tích cực và hứng thú thì các thành viên khác cũng có cảm giác họ được truyền cảm hứng.
Mỗi một ngày bạn cố gắng đọc thêm vài trang sách, dần dà bạn sẽ đọc hết một cuốn sách và nhiều cuốn sách. Đây chính là phương pháp thích hợp để chúng ta vừa rèn kỷ luật lại vừa gia tăng kiến thức cho bản thân.
Mong rằng bài viết này sẽ giúp các bạn đọc sách hiệu quả hơn, trên giá sách của bạn sẽ không còn những cuốn sách "bị ngược đãi" nữa.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị