Một trong những câu thực tế được hỏi nhiều nhất trong các lớp khởi nghiệp tại Đại Học Carnegie Mellons của tôi là: “Phải mất bao lâu để khởi nghiệp thành công?" Tôi trả lời: “Bắt đầu một công ty khởi nghiệp không khó, giữ cho công ty tồn tại thì khó hơn, nhưng làm cho nó thành công thì vô cùng khó và mất nhiều thời gian.”
Tôi giải thích thêm: “Đừng nhìn vào ngoại lệ của vài công ty lớn như Uber, Tiktok, Facebook, mà nghĩ rằng các em có thể làm như thế. Đa số công ty khởi nghiệp chỉ tồn tại vài tháng hay một năm là nhiều rồi đóng cửa khi những người khởi nghiệp nhận thức được rằng họ đã săn đuổi ảo tưởng.”
Để làm cho lớp học có cảm hứng và thu hút hơn, tôi đưa ra một thí dụ điển hình thực tế của khởi nghiệp hiện nay như sau:
Ba tháng đầu là thời kỳ “Trăng Mật.” Mọi người đều tin tưởng tuyệt đối vào viễn kiến người sáng lập và nghĩ rằng họ đều thành công, không gặp khó khăn gì và có thể trở thành các triệu phú mới.
Ba tháng sau là thời kỳ “Thắng Lợi” khi họ đã phát triển được sản phẩm để chuẩn bị tung ra thị trường. Lúc đó một số người, phần lớn là từ gia đình, họ hàng, bắt đầu hỗ trợ cho họ vay tiền. Khi có vốn, họ thu dọn mọi thứ, thuê văn phòng đẹp, bàn ghế mới, thay vì làm việc chui rúc trong căn hộ nhỏ bé của người sáng lập.
Ba tháng sau tiếp theo là thời kỳ mà câu hỏi đặt ra “Tiền sẽ về từ đâu?” khi vốn tiêu gần hết mà thu nhập chẳng được bao nhiêu. Mọi người bắt đầu nhận thức rằng khởi nghiệp không dễ như họ nghĩ. Dù đã có sản phẩm và một số khách hàng, nhưng không đủ để trang trải các chi tiêu của họ. Một số bắt đầu hoài nghi về việc khởi nghiệp nhưng người sáng lập vẫn tìm đủ mọi cách vay thêm tiền để sống còn.
Ba tháng cuối, là thời kỳ “Ly Dị” khi những nhiệt tình lúc ban đầu có thể tan biến. Sự lạc quan, háo hức có thể biến thành nỗi lo âu và tức giận. Các cuộc họp của công ty đầy những luận cứ chê trách, đổ lỗi và giận dữ. Một số bỏ đi tìm việc ở nơi khác. Đây là lúc phần lớn các công ty khởi nghiệp thất bại và ngừng hoạt động.
Lý do mà phần lớn các công ty khởi nghiệp thất bại vì phải mất thời gian lâu mới có đủ khách hàng và kiếm ra tiền. Khởi nghiệp là rủi ro và mạo hiểm, KHÔNG đơn giản như nhiều sinh viên nghĩ. Họ tin rằng nếu có ý tưởng, tạo ra sản phẩm, thành lập công ty, nhận được đầu tư, rồi sẽ thành công.
Trong lớp khởi nghiệp của tôi tại Carnegie Mellon, khi có ý tưởng sinh viên phải rời lớp học, đi phỏng vấn, ít nhất một trăm khách hàng, để hợp thức hoá ý tưởng của họ, trước khi phát triển sản phẩm. Chỉ khi họ có danh sách những người đã phỏng vấn, với đầy đủ dữ liệu rằng ý tưởng cho sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, và số khách hàng sẵn sàng mua sản phẩm, thì sinh viên mới có thể phát triển sản phẩm với một số chức năng căn bản. Sau khi có sản phẩm căn bản này để hợp thức hoá ý tưởng đó. Sinh viên còn phải đến gặp những khách hàng để xác nhận cam kết của họ và nhận phản hồi thêm cho các chức năng khác để cải tiến sản phẩm. Chỉ khi có xác nhận tích cực từ khách hàng, họ mới có thể thành lập công ty khởi nghiệp tiềm năng được.
Tôi luôn nhắc nhở các bạn sinh viên vốn rất hăm hở bước vào đời: “Không có khách hàng - Không thể khởi nghiệp”. Kiên định và luôn rèn khả năng nhìn trước các viễn cảnh để thích ứng, tự tin với mọi khó khăn, thử thách chắc chắn sẽ xảy ra trên con đường đã chọn.
Thế giới sẽ còn những thay đổi lớn trong thời gian sắp tới - chúc các bạn trẻ Việt Nam tìm được hướng đi đúng cho bản thân mình”.
GS. John Vu