Egon Schiele (1890 – 1918) là một trong những họa sĩ khá đặc biệt của trường phái nghệ thuật biểu hiện. Tác phẩm của ông được ghi nhận có cảm xúc mãnh liệt và tình dục chân thực bao gồm nhiều chân dung tự họa, trong đó có các chân dung tự họa trần truồng. Các dáng vẻ cơ thể xoắn vặn và những đường nét biểu cảm là đặc điểm nổi bật trong tranh ông.
Egon Schiele, “Tự họa”, 1912
Mùa hè năm ngoái, một người khách đến cửa hàng tiết kiệm của Habitat for Humanity ở Queens, New York (Mỹ) nơi bán các vật phẩm thừa và đồ cũ như đồ nội thất, thiết bị, trang trí nhà cửa và vật liệu xây dựng với giá rẻ. Tại đây người khách đã vô tình phát hiện bức tranh khỏa thân của Egon Schiele phát thảo và vẽ khoảng năm 1918, năm cuối cùng của họa sĩ tài hoa này.
Tháng 6.2018, người chủ của bức tranh đã liên lạc với bà Jane Kallir, giám đốc của Galerie St. Etienne ở Manhattan, Jane Kallir cũng là chuyên gia hàng đầu về tranh của Egon Schiele qua email, đính kèm là một bức hình chụp lại bức tranh nhưng quá mờ không rõ nét. Bà Kallir yêu cầu anh ta gửi một bức ảnh tốt hơn về bản vẽ để bà xem xét.
Bức tranh khỏa thân do Egon Schiele vẽ được tìm thấy trong cửa hàng tiết kiệm
Gần một năm sau, vào tháng 5.2019, người chủ bức tranh lại liên lạc với bà Kallir và gửi một bức ảnh sắc nét hơn. Ban đầu Jane Kallir hoài nghi về phát hiện này vì trước đó bà từng gặp nhiều trường người ta tuyên bố đã tìm ra được tranh của Egon Schiele nhưng qua kiểm tra thì gần như tất cả đều là tranh giả, tranh chép. Nhưng với bức tranh này Kallir đã tìm thấy nhiều chi tiết thể hiện phong cách tranh của Schiele. Chính vì thế Kallir nói với chủ nhân cho bà đến xem trực tiếp bức tranh tại nơi trưng bày. Sau khi xem Kallir nói rằng chắc chắn 99% là tranh thật của Schiele, nhưng phải mất một thời gian để bà so sánh nó với tác phẩm khác của Schiele.
Người mẫu của bức vẽ này là Wally Neuzil (sinh 1894, chết trẻ 1917), vốn là người mẫu của Klimt, sau thành người mẫu của Shiele và cũng là nàng thơ, người tình của ông
Nghiên cứu sâu hơn Kallir còn phát hiện ra chủ thể trong bản vẽ của họa sĩ Egon Schiele chính là cô gái thường xuyên làm mẫu cho Schiele vào khoảng năm 1918 đồng thời người mẫu này cũng xuất hiện trong 22 tác phẩm khác ông. Những tác phẩm có sự xuất của người mẫu này hiện nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan và Bảo tàng Leopold ở Vienna, Áo.
“Bức tranh có thể bán với giá từ 100 - 200 ngàn USD” báo Art Newspaper nhận định. Nếu bức tranh được bán, người chủ sở hữu của bức tranh sẽ lên kế hoạch quyên góp một số tiền thu được cho cửa hàng tiết kiếm Habitat for Humanity – nơi người này phát hiện bức tranh.
Egon Schiele (1890 – 1918), người Áo, là một trong những họa sĩ biểu hình quan trọng nhất của những năm đầu thế kỷ 20. Hội họa của Schiele cực kỳ ấn tượng bởi lối thể hiện vô cùng bạo liệt. Các dáng vẻ cơ thể xoắn vặn và những đường nét biểu cảm là đặc điểm nổi bật trong tranh ông.
Bằng cách tiếp cận hội họa khỏa thân đầy thô ráp và phi lý tưởng hóa. Những bức tranh mô tả cơ thể con người của Schiele vô cùng chân thực, biểu cảm và hoàn toàn không khoan nhượng đã bộc lộ thật tuyệt mỹ, đầy bản năng và hấp dẫn những yếu tố của sự tự biểu hiện, sự sinh sản, tình dục, sự khêu gợi và cái chết – những mối quan tâm chính trong bầu không khí của một xã hội đầy biến động của thời ông đang sống.
Với cái nhìn độc đáo, lối miêu tả cơ thể tự nhiên và kỹ thuật tạo hình cực kỳ điêu luyện, hội họa của Schiele đã có những đóng góp vô cùng quan trọng cho sự phát triển của nghệ thuật hiện đại. Sự nghiệp ngắn ngủi của ông được lịch sử nghệ thuật thế kỷ 20 ghi nhận là người có những đóng góp to lớn về lối mô tả sáng tạo các chủ thể, nhất là cơ thể con người.
Nhiều nhà nghiên cứu hội họa cho rằng tranh của Schiele, đặc biệt là những bức chân dung tự họa, là những thực hành nghệ thuật hướng nội, nhằm phản ánh một trạng thái tâm lý của đời sống. Những nhân vật gầy gò, hốc hác, góc cạnh của ông thường có bộ dạng của những người có nội tâm luôn căng thẳng, dằn vặt và như “bị tra tấn”.
Bộ sưu tập quan trọng nhất của Schiele hiện nằm ở Bảo tàng Leopold, Vienna, Áo
Tiểu Vũ