Trên thực tế, khái niệm “đồng tính luyến ái” không tồn tại mãi cho đến đầu thế kỷ 20 sau khi Sigmund Freud (1856-1939) trở thành nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu công khai và nghiêm túc về tính dục của con người. Do đó, rất khó để xác định một nhân vật lịch sử có phải là đồng tính hay không nếu chỉ dựa vào số ít dữ kiện được lưu lại. Tuy nhiên, đã có nhiều sử gia khẳng định rằng Leonardo Da Vinci và Michelangelo - hai cái tên nổi tiếng nhất trong số các nghệ sĩ thời Phục hưng - là đồng tính.
Tượng David (1501-1504) - bức tượng được miêu tả là thể hiện vẻ đẹp hoàn hảo của cơ thể nam giới
Trường hợp của Leonardo Da Vinci đã được củng cố bằng nhiều bằng chứng xác thực. Walter Isaacson - tác giả cuốn tiểu sử Leonardo Da Vinci (2017) và cựu tổng biên tập viên tạp chí Time - thậm chí đã khẳng định điều này trong tác phẩm của mình. Trong khi đó, trường hợp Michelangelo thì vẫn còn gây tranh cãi.
Sinh năm 1475 tại vùng Tuscany của Ý, Michelangelo thuộc thế hệ sau Leonardo Da Vinci nhưng là bạn. Cả hai đều được người đời sau xưng tụng là những “thiên tài” hiếm hoi của nhân loại do am hiểu rất nhiều lĩnh vực chứ không chỉ riêng nghệ thuật.
Với sự nghiệp kéo dài hơn 7 thập niên, Michelangelo là họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà thơ và kỹ sư. Không ít tác phẩm của ông cho tới nay vẫn được xem là một phần của văn hóa đại chúng như tượng David, cảnh Thiên Chúa sáng thế và bích họa Sự phán xét cuối cùng tại nhà nguyện Sistine.
Khi Michelangelo còn sống, đã có tin đồn ông đam mê đồng giới nhưng không có bằng chứng thuyết phục nào, hay ít nhất là không trực tiếp ám chỉ hành động quan hệ tình dục. Nhà văn người Ý Giorgio Vasari (1511-1574) thậm chí còn cho rằng ông là “trinh nam”. Thế nhưng, vẻ đẹp hình thể của nam giới xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm của Michelangelo như tượng David, bích họa Sự tạo dựng Adam và những người đàn ông khỏa thân dùng để trang trí trần nhà nguyện Sistine. Nhiều chuyên gia cho rằng chúng thể hiện cảm xúc xác thịt lẫn nghệ thuật và gián tiếp phản ánh xu hướng tính dục của ông.
Bích họa Sự tạo dựng Adam (1950)
Cái đầu lý tưởng (1520-1525)
Một Ignudo
Năm 1532, Michelangelo gặp và yêu Tommaso de 'Cavalieri (1509-1587) - một quý tộc La Mã từng được Benedetto Varchi mô tả là sở hữu “không chỉ vẻ đẹp hình thể, mà còn thanh lịch trong cách cư xử và thông minh tuyệt vời”. Khi ấy, ông đã 57 tuổi còn Tommaso chỉ vừa 27 tuổi. Điều thú vị là chàng trai này đáp lại tình cảm của Michelangelo: “Tôi thề sẽ đáp trả tình yêu của ông. Chưa bao giờ tôi yêu quý một người đàn ông nào như tôi yêu ông, chưa bao giờ tôi ước muốn một tình bạn như tôi muốn có với ông”.
Tommaso kết hôn năm 1538 và có hai con trai, nhưng Michelangelo vẫn trung thành trong suốt quãng đời còn lại, dành hơn 300 bài thơ sonnet và một số bản vẽ tặng cho Tommaso (ví dụ: The Rape of Ganymede, năm 1532). Hình ảnh của Chúa trong bức họa Sự phán xét cuối cùng được cho là lấy cảm hứng từ Tommaso.
Hình tượng của Chúa trong bích họa Sự phán xét cuối cùng
Trong bài thơ nổi tiếng Silkworm, Michelangelo đã tưởng tượng ra mình là quần áo của Tommaso, ôm lấy cơ thể của anh ta và được làm giày để luôn được hôn đôi chân của mỹ nam. Đáng tiếc, khi cháu của Michelangelo xuất bản hơn 100 bài thơ của ông vào năm 1662, các danh xưng đã được thay đổi để tránh yếu tố đồng tính.
Khi Michelangelo qua đời, Tommaso đã có mặt bên cạnh ông trong những giây phút cuối cùng.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều bằng chứng cho thấy Michelangelo từng có quan hệ tình cảm với vài người đàn ông khác như Gherardo Perini, Niccolo Quaratesi, Febo di Poggio...
Tác phẩm The Rape of Ganymede (1533)
Theo tờ The Guardian, lịch sử nghệ thuật theo thời gian đã thêm vào nhiều lớp phủ nhận khiến xu hướng tính dục của Michelangelo dần trở nên mơ hồ. Thế nhưng, những cuốn sách ngày nay đã không còn cố gắng miêu tả đời sống tình cảm của ông là “tự kết hôn với nghệ thuật” như các hướng dẫn viên du lịch của Vatican thường làm nữa, thay vào đó là ngầm thừa nhận Michelangelo là đồng tính.
Mai Thảo