"Bé nhà mình có thói quen giữ sách không chịu thanh lý nên mình quyết định tạo một phòng đọc nhỏ để tạo môi trường đọc cho các bạn nhỏ gần nhà. Hân hạnh chào đón các bạn nhỏ. Các bạn có thể đến từ 5h30-6h30 tối thứ 2, 4, 6", dòng thông báo ngắn gọn từ chị Nguyễn Thoại Tú Chi (Nhân viên tư vấn thiết kế và tư vấn tài chính tại TP Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ trên MXH ngay lập tức nhận về gần 1 ngàn lượt thích cùng hàng trăm bình luận ủng hộ.
Ý tưởng tạo phòng đọc miễn phí cho trẻ bắt nguồn khá tình cờ. Một số phụ huynh biết chị Chi vốn là dân Mĩ thuật nên gửi các con sang học vẽ. Sau giờ học, các bé hay ở lại đọc sách. Một số bạn nhỏ hàng xóm thi thoảng cũng tham gia cùng. Trong khi đó, bé Khánh An (học lớp 3) - con chị Chi lại có thói quen đọc lại những quyển sách cũ nên bà mẹ này đã quyết định không thanh lý mà giữ lại sách chia sẻ cho các bạn.
Chị Chi cho biết, Khánh An được mẹ cho đọc sách cho từ khi hơn 2 tuổi. Sách tiếng Việt thì con thích sách về doanh nhân và các tập thơ của nhà xuất bản Kim Đồng, Bộ Bách khoa toàn thư của Nhà xuất bản Giáo Dục, bộ sách về khoa học của Nhà xuất bản Dân Trí… Nhưng con thích đọc sách tiếng Anh hơn cả. Thời gian gần đây, chị Chi bắt đầu khuyến khích con đọc sách chữ nên đã mua một vài bộ sách về nhật ký của các nhân vật cho con đọc. Rất may là con đã thích và đọc hết nguyên bộ.
Việc đọc sớm giúp Khánh An nói tốt hơn cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh và còn giúp con tiếp thu được rất nhiều kiến thức. Nếu đối với người lớn, sách bổ sung lượng kiến thức cần có để hoàn thiện tri thức thì đối với trẻ em, sách sẽ mở rộng thế giới quan và tích lũy vốn kinh nghiệm phong phú. Gia đình chị Tú Chi vì thế đều có thói quen đọc sách và luôn duy trì thói quen này.
Khánh An được mẹ rèn thói quen đọc sách từ năm 2 tuổi.
Theo chị Tú Chi, nếu tạo cho con một nơi để con có thể nhìn thấy và tiện tay để lấy sách và khám phá thì chắc chắn các con sẽ có thói quen đọc. Vậy nên, điều cần thiết là bố mẹ nên tạo cho con một không gian đọc sách riêng hoặc đơn giản hơn là một kệ, giá sách vừa tầm với để con dễ dàng lựa chọn.
"Có những đầu sách mình mua về con ít đọc hơn, nhưng có những sách thì con cứ đọc đi đọc lại. Cho nên việc lựa chọn sách phù hợp với con cũng rất quan trọng. Trong thời đại bùng nổ thông tin, nội dung sách báo rất phong phú, phức tạp, khối lượng ngày càng lớn mà khả năng tiếp thu của trẻ là có hạn nên việc người lớn chọn sách cho các em là cần thiết.
Tuy nhiên, đó cũng là cuốn sách phải phù hợp với ý thích của trẻ. Nếu bạn lựa chọn những cuốn sách nhất nhất theo ý mình mà không có sự thống nhất, đồng tình cũng như sở thích của các con, chắc chắn cuốn sách đó không mang lại hiệu quả như mong muốn. Trẻ sẽ cảm thấy bị ép buộc trong việc đọc sách, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn thất bại trong việc định hướng cho con đến với sách. Nếu con bạn thực sự thích một cuốn sách nào đó, hãy mua cho trẻ, dù cuốn sách đó chỉ là những cuốn sách vui nhộn, truyện tranh…
Điều này cũng sẽ giúp phát triển lòng yêu sách nói chung của trẻ, chứ không phải là sự ham thích đối với một loại sách nhất định nào đó. Khi đi mua sách bạn nên đưa bé đi cùng để chọn lựa sách, bạn đừng hạn chế bé phải chọn loại nào là phù hợp với lứa tuổi hay chủ đề. Hãy để thói quen đọc sách của bé phát triển một cách tự nhiên", chị Chi chia sẻ.
Bà mẹ này cũng gợi ý kinh nghiệm chọn sách cho con:
Giai đoạn 0-3 tuổi:
Chọn sách bìa cứng. Sách vải. Sách có thể sờ chạm để con có thể khám phá & cảm nhận. Sách có minh họa lớn & đơn giản.
Giai đoạn 3-5 tuổi:
Nên chọn những quyển sách có từ và cụm từ lặp lại để con có thể dễ dàng nhận ra mặt chữ khi gặp.
Giai đoạn 6 tuổi:
Nên chọn các đầu sách về con người, đặc điểm, những gì quen thuộc trong cuộc sống. Tìm sách về các đề tài con quan tâm. Sách thơ & có vần để con nghe nói & học từ ngữ tốt hơn.
Giai đoạn 7 tuổi:
Khuyến khích con đọc thêm sách chữ thay vì sách hình, bằng cách chọn các chủ đề vui vẻ,hài hước để cho thích thú hơn.
Nói về quan điểm dạy con, bà mẹ này cho biết: "Ngày xưa ông bà thường bảo "thương cho roi cho vọt". Mình thì hoàn toàn ngược lại với quan điểm đó, mình luôn nhẹ nhàng với con hết mức có thể, thi thoảng có lúc cũng nổi nóng, nhưng khi bình tĩnh lại mình sẽ phân tích cho con hiểu. Nếu nhận ra mình sai thật thì sẽ xin lỗi con. Mình dạy con tư duy và trải nghiệm nhiều hơn".