Như một bà mẹ Do Thái điển hình, Karen Mason luôn có quan điểm sống riêng. Đặc biệt khi con gái Rachel dò hỏi liệu cô có thể làm phim về bà. “Con sẽ quay thứ gì chứ?” bà thắc mắc với giọng hoài nghi, giữa lúc đang xoay trở sắp đặt mớ tạp chí đồng tính 18+ và những đĩa DVD vừa nhập về.
Bà làm việc luôn tay trong khi vẫn giữ nét mặt bình thản của chủ một cửa hàng kinh doanh bận rộn. Sau khi soạn xong bộ sưu tập sách báo quyên góp cho thư viện LGBT quốc gia (trực thuộc đại học Nam California - nơi lưu trữ sách và tài liệu LGBT lớn nhất thế giới), mẹ Rachel tiến đến xếp lại quầy tạp chí, và mở lời đề xuất: “Con nên làm phim tài liệu về nơi này”.
Tính cách linh hoạt ở Karen, cùng mối quan hệ phức tạp giữa gia đình bà và cửa hàng bày bán những món đồ ‘nhạy cảm’, vốn kéo dài hơn 30 năm, là lý do khiến phim tài liệu ‘Circus of Books’ trở nên lôi cuốn đặc biệt.
Vợ chồng Karen và Barry Mason
Thể loại tài liệu nói chung thường đối diện cùng một thử thách: chúng không thể ‘thêm thắt’ tình tiết, nhưng đồng thời, phải được dựng và biên tập khéo léo.
Bối cảnh ‘Circus of Books’ dựa hoàn toàn trên đời thật. Nữ đạo diễn Mason đã có quyết định táo bạo khi đưa hàng loạt bí mật gia đình cô lên màn ảnh rộng. Điểm ấn tượng là, thay vì tạo tranh cãi hoặc cười cợt, một phần vì nội dung lột tả ngành giải trí người lớn, dự án hiếm thấy này lại hoàn chỉnh đến mức thuyết phục, khi truyền tải thông điệp đáng nhớ về một ‘chương’ tưởng như đã bị quên lãng trong lịch sử LGBT Hoa Kỳ.
Mason bắt đầu câu chuyện bằng đoạn giới thiệu về bố mẹ cô - ‘chủ thể’ trước máy quay: Barry và Karen Mason, đôi vợ chồng hạnh phúc với 3 đứa con và một shop đồ chơi tình dục nổi tiếng dành cho người đồng tính. Cửa hiệu ‘Circus of Books’ nhà Mason bày bán đủ loại sách báo, đồ chơi ‘tiêu khiển’ thu hút cộng đồng LGBT từ khắp nơi quanh phố thị Los Angeles.
Nếu Karen từ lâu giữ vai trò ‘nắm quyền’ cửa hàng, Barry, chồng bà, lại được con trai Micah mô tả như “số ít những người luôn được trông thấy với gương mặt hạnh phúc”.
Rachel xuất hiện trên phim cạnh bố mẹ
Năm 1976, giữa lúc khốn khó tiền bạc, Karen và Barry thử phản hồi một mẫu quảng cáo của vị chủ báo Larry Flynt - nhà sáng lập tạp chí người lớn Hustler nổi danh. Bấy giờ Flynt cần tìm thêm đơn vị bán lẻ, giúp lưu hành những ấn bản tạp chí 18+. Bằng nỗ lực làm việc, vợ chồng Mason ký được hợp đồng kinh doanh sản phẩm sách báo người lớn.
Rất nhiều độc giả địa phương bắt đầu biết đến cửa hiệu, thường xuyên lui tới hơn cả là những thanh niên đồng tính.
“Sách báo 18+ luôn có chỗ đứng trong cộng đồng LGBT chúng tôi”, Don Norman, một cựu khách hàng cho biết. “Lý do vì khi ấy, chúng tôi không được nhìn thấy điều gì như thế, những người mẫu nam khỏa thân một cách không e dè, sợ hãi. Hình ảnh đó khiến chúng tôi tự hào về giới tính”.
Khi một hiệu sách cũ tọa lạc trên đoạn đường tấp nập cạnh đại lộ Santa Monica được rao bán, nhà Mason nhìn thấy cơ hội xây dựng sự nghiệp kinh doanh chỉn chu. Họ mua lại nơi này, đổi bảng hiệu cũ ‘Book Circus’ sang ‘Circus of Books’ như một sự tri ân. Karen và Barry thuê nhiều nhân viên đồng tính, và cửa hàng nhanh chóng trở thành chốn ghé chân thân thiện với cộng đồng LGBT bản địa, nhất là trong giai đoạn khó khăn ‘đỉnh điểm’ của đại dịch AIDS.
“Circus of Books là trải nghiệm đầu tiên giúp tôi nhận ra mình không phải một người đồng tính đơn độc”, một nhân viên cũ của cửa hàng chia sẻ.
Tiếp nối mạch phim, Mason thể hiện rõ nét tương phản, đôi khi đến ngoạn mục, giữa công việc kinh doanh với đời sống gia đình cô. Những đứa trẻ nhà Mason không được biết về việc buôn bán tại cửa hàng, cho đến tuổi vị thành niên, một phần do Karen rất sùng đạo. Một người con trai trong gia đình từng không thể mở lời công khai mình là người đồng tính, đơn thuần bởi bố mẹ anh từ chối đón nhận sự thật.
Nữ đạo diễn Mason thẳng thắn đề cập vấn đề trên với mẹ cô, và Karen không ngại mở lòng về niềm tin đạo giáo khi xưa, về những tư duy cá nhân giờ đã thay đổi, lẫn nỗi ân hận rằng bà có lúc không thể kiên định vì tình yêu gia đình.
‘Circus of Books’ dễ dàng cuốn hút người xem từ những phút đầu tiên, với lối dựng phim tươi sáng, dàn nhân vật chính lý thú và sống động.
‘Ông trùm’ ngành xuất bản Larry Flynt góp mặt trong tác phẩm, hồi tưởng về chuỗi ngày đen tối ông và nhà Mason từng đối diện trước kia, thời kì khi họ chịu chèn ép bởi một số bộ luật gay gắt chống lại việc lưu hành sách báo cũng như văn hóa phẩm người lớn nói chung tại Mỹ.
‘Circus of Books’ chứa đựng tính giải trí vui tươi, tuy nhiên song song đó, nhân vật chính Karen đã mang đến chiều sâu khác biệt cho bộ phim. Sự nghiệp làm báo của riêng bà, bản chất cương trực, nỗi hoài nghi về tính xác thực nơi dự án tài liệu bà tham gia, và chuyện đời lắm thăng trầm khiến Karen trở thành nhân vật thú vị, được phản ánh đầy yêu thương dẫu không kém phần chân thật qua đôi mắt làm nghệ thuật của cô con gái Rachel.
‘Circus of Books’ công chiếu ra mắt tại LHP Tribeca - sự kiện điện ảnh uy tín vinh danh những dự án phim độc lập xuất sắc, tổ chức thường niên tại Mahattan, New York, Mỹ - diễn ra cuối tháng 4 vừa qua. Hiện Netflix đã mua bản quyền phát hành tác phẩm.
Như Ý (theo Indiewire)