Hiện nay, các bộ phim có tuyến nhân vật LGBT (đồng tính, song tính & chuyển giới) đã được thừa nhận như những tác phẩm nghệ thuật thông thường như các chủ đề khác. Hay nói theo cách khác, nó không còn bị đánh giá là cố tình gây sốc hay lợi dụng sự khác biệt để quảng bá nữa.
Chính vì thế, nhiều người đã cảm thấy ngạc nhiên khi phát hiện ra nhiều cái tên chiến thắng tại lễ trao giải Oscar 2019 là các bộ phim LGBT, khác biệt hoàn toàn so với Brokeback Mountain năm nào. Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (AMPAS) cũng tạo cơ hội cho các nghệ sĩ LGBT xuất hiện tại sự kiện đình đám này.
Dưới đây là 5 khoảnh khắc LGBT đáng nhớ nhất của lễ trao giải Oscar lần thứ 91:
Bức tượng Kevin Hart
Việc một bức tượng Kevin Hart được đặt gần nhà hát Dolby đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi mấy ngày qua. Tác giả của bức tượng tới nay vẫn không rõ là ai. Thế nhưng, mục đích thì khá rõ ràng.
Tháng 12 năm ngoái, nam diễn viên hài được Viện hàn lâm chọn cho vai trò người dẫn chương trình Oscar 2019 nhưng sau đó đã tự rút lui do vấp phải sự phản đối từ phía cộng đồng LGBT. Họ cho rằng anh không đủ tư cách vì từng nhiều lần buông lời nhục mạ LGBT.
Kevin Hart đã đưa ra lời xin lỗi thông qua mạng xã hội. Đáng tiếc, nhiều người cho rằng anh không thật sự ăn năn. Đó chính là nguyên nhân tại sao bức tượng cầm lá cờ cầu vồng - biểu tượng của cộng đồng LGBT - và bên dưới là dòng chữ “Hollow apology” (tạm dịch: Lời xin lỗi sáo rỗng).
Billy Porter và chiếc váy lai suit
Nam diễn viên Billy Porter - một người đồng tính công khai - nổi tiếng táo bạo trong việc thể hiện tính cách của mình thông qua thời trang. Bộ trang phục kết hợp giữa suit và váy do Christian Siriano thiết kế đã giúp anh thu hút mọi ánh nhìn khi đứng trên thảm đỏ cũng như phá vỡ chuẩn mực về trang phục vốn mang tính truyền thống và lâu đời của Oscar.
Billy Porter thừa nhận anh từng là nạn nhân của nạn kỳ thị LGBT và lo ngại ánh nhìn của người xung quanh, nhưng điều đó nay đã không còn nữa.
Adam Lambert mở màn chương trình
Mở màn chương trình, Adam Lambert - một người đồng tính công khai - đã thay thế vị trí của Freddie Mercury - cũng là một người đồng tính - thể hiện hàng loạt bài hit của Queen cùng với các thành viên còn lại của ban nhạc. Đáng tiếc là phần trình diễn này đã bị cắt ngắn khi chiếu trên truyền hình do kênh ABC muốn bảo đảm thời lượng lễ trao giải được rút ngắn xuống 3 giờ đồng hồ, chỉ có ca khúc We’re Champions là trọn vẹn.
Có thể nói, khoảnh khắc Freddie Mercury xuất hiện trên màn ảnh rộng phía sau Adam Lambert chính là một hành động tưởng nhớ sâu sắc mà AMPAS đã dành cho huyền thoại âm nhạc này.
3 trong số 4 hạng mục diễn xuất thuộc về vai diễn LGBT
Trùng hợp, cả 3 hạng mục “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất”, “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” và “Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất” đều gọi tên những vai diễn LGBT và là các nhân vật có thật trong lịch sử.
Freddie Mercury do Rami Malek đóng là một người đồng tính dù từng có bạn gái. Olivia Colman thì vào vai nữ hoàng Anne của nước Anh - người đã đem lòng yêu hai cô gái khác. Trong khi đó, nhân vật Don Shirley của Mahershala Ali có quan hệ đồng tính trong suốt chuyến hành trình với nhân vật Frank "Tony Lip" Vallelonga, cho nên nhiều người tin rằng nam ca sĩ quá cố này là đồng tính.
Trong diễn văn nhận giải, Rami Malek đã gửi gắm một thông điệp đến phiên bản thời niêu thiếu của mình rằng: “Đứa trẻ đó đang vật lộn với bản dạng của mình. Và tôi nghĩ bất kỳ ai cũng đều trải qua cảm giác đó. Chúng tôi đã làm phim về một người đồng tính nam, một người nhập cư, và phải sống cuộc đời của anh ta một cách gượng ép”.
Lady Gaga
Lady Gaga từng thừa nhận cô là một người song tính và sở hữu một lượng fan đông đảo thuộc cộng đồng LGBT. Chính vì thế, chiến thắng của cô tại hạng mục “Ca khúc nhạc phim xuất sắc nhất” đã được cộng đồng LGBT trên khắp thế giới ăn mừng và ủng hộ.
Chưa hết, phần trình diễn của Lady Gaga với Bradley Cooper cũng đã chứng minh được cô nay không còn là một ca sĩ nhạc pop thị trường nữa mà đã trở thành một nghệ sĩ thực thụ và đa tài.
Mai Thảo