Sự quan tâm tới anime, các trò chơi và K-pop đã tạo ra một cơn sốt học tiếng Hàn và tiếng Nhật, từ đó giúp hồi sinh các khoa ngôn ngữ hiện đại vốn lao đao vì ít người theo học.
Theo một báo cáo được Hội đồng Ngôn ngữ hiện đại (UCML) đưa ra vào năm nay, số lượng sinh viên theo học tiếng Hàn đã gia tăng gấp 3 lần, từ 50 lên 175, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2018. Cũng thời điểm đó, lượng người học tiếng Nhật tăng tới 71%. Báo cáo cũng chỉ ra, nhiều sinh viên hiện giờ có xu hướng thích học tiếng Hàn hơn tiếng Nga, tiếng Nhật hơn tiếng Italy.
Nguyên nhân của trào lưu này được cho là do sự phổ biến của nền văn hóa Á Đông, cụ thể hơn là K-pop, J-pop, các trò chơi điện tử của Nhật, anime (một thể loại hoạt hình có nguồn gốc từ Nhật Bản), những bộ phim ăn khách như Parasite và Squid Game - một bộ phim lấy đề tài sinh tồn khốc liệt, thu hút hàng triệu lượt truy cập trên các nền tảng Netflix và Spotify.
Theo dữ liệu của Netflix, bộ phim Hàn Quốc Squid Game (Trò chơi con mực) đã phá vỡ kỷ lục mọi thời đại với 1,65 triệu giờ xem trong 4 tuần đầu tiên sau khi phát hành.
Sự phổ biến của nền văn hóa xứ kim chi, còn được gọi là làn sóng Hàn Quốc (Korean wave, K-wave hay Hallyu), đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhiều lĩnh vực, từ thời trang, mỹ phẩm cho tới thực phẩm và các thiết bị gia dụng.
Bà Emma Cayley, giám đốc điều hành UCML, cho biết: "Rõ ràng đã có một sự chuyển dịch từ việc dạy các ngôn ngữ châu Âu sang các ngôn ngữ ngoài châu Âu". Bà cho rằng xu hướng này bao gồm cả tiếng Ả Rập và tiếng Trung, cùng với tiếng Nhật và tiếng Hàn đã thúc đẩy việc nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa ở các trường đại học.
Một nghiên cứu gần đây của UCML dựa trên báo cáo về việc giảng dạy ngôn ngữ của các trường đại học cho thấy tỷ lệ các trường dạy tiếng Nhật đã gia tăng từ 19% vào năm 2018 tới 39% vào năm 2020-2021. Tiếng Hàn cũng ghi nhận một sự gia tăng.
Các giảng viên cho biết sinh viên thường bắt đầu học tiếng Hàn và tiếng Nhật như một sở thích trên các nền tảng học ngoại ngữ như Duolingo. Các số liệu thống kê ở Anh đã chỉ ra rằng tiếng Nhật là ngôn ngữ được theo học nhiều nhất và tiếng Hàn đứng ở vị trí thứ 4.
Kazuki Morimoto, một giảng viên tiếng Nhật của Đại học Leeds (Anh quốc) cho rằng: "Sinh viên ban đầu học tiếng Nhật chỉ để cho vui, nhưng sau đó thấy thật sự thú vị nên muốn học tập một cách nghiêm túc, biến nó thành một môn tự chọn hoặc một môn thi lấy bằng."
Morimoto nói rằng ông đã nhận ra sự chuyển biến này từ khi có nhiều sinh viên lựa chọn học tiếng Nhật để áp dụng vào công việc cách đây 10-20 năm, cho tới những người nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa chỉ vì lòng yêu mến, mặc dù nhiều người khó tìm được việc làm có liên quan đến tiếng Nhật sau khi tốt nghiệp.
Ông nghĩ rằng giới trẻ đã bị ảnh hưởng bởi sự lan tỏa của văn hóa trên mạng xã hội cũng như bởi một chiến lược về ngoại giao văn hóa do Chính phủ Nhật Bản khởi xướng trước thềm World Cup Bóng bầu dục và Thế vận hội Tokyo. Ngoài ra, nhiều sinh viên cũng bị thu hút bởi bức tranh toàn cảnh khi sống ở Nhật một năm.
Jaeuk Park, một giảng viên tiếng Hàn của Đại học Leeds, cho biết sinh viên của ông học tiếng Hàn vì yêu thích K-pop và những bộ phim truyền hình của Hàn Quốc.
Sarah Keith, một nhà nghiên cứu về văn hóa đại chúng của Hàn Quốc tại Đại học Macquaire (Australia) cho biết, nó có sức hấp dẫn với người phương Tây là do "cách nền văn hóa toàn cầu đang xây dựng", nhiều nhà sản xuất Hàn Quốc thúc đẩy việc tiếp nhận những bom tấn Hollywood cũng như nền văn hóa châu Âu. Chính vì thế, sản phẩm văn hóa của họ vừa quen thuộc, vừa mới lạ khiến người phương Tây thích thú.
"Ví dụ như trong "Squid Game" (Trò chơi con mực), mọi người có thể nắm được mạch phim cùng với sự kịch tính trong từng cảnh quay, nhưng đồng thời phim cũng lồng ghép các chủ đề đậm chất Hàn Quốc, một điều hoàn toàn mới mẻ với khán giả nước ngoài", cô nói.
Duy Tiến
Theo The Guardian