Amy luôn cảm thấy không vui khi học luật, cô đã chọn trường vì áp lực từ cha mẹ – những người luôn mong muốn con gái mình trở thành luật sư. Nhưng khi ai đó hỏi đến thì Amy một mực phủ nhận: “Không, không, có thể đúng là cha mẹ muốn tôi học luật, nhưng tôi đã chọn ngành này vì bản thân mình”.
Một người bạn của Amy hỏi: “Vậy nếu ngày mai cha mẹ cậu gọi đến và nói: “Con gái yêu, cha mẹ đã suy nghĩ kỹ rồi. Cha mẹ không quan tâm con có làm luật sư hay không. Cha mẹ chỉ muốn con được làm điều con thích”, thì lúc đó cậu tính thế nào?”.
Lúc bấy giờ, Amy mới thú nhận: “Nếu vậy thì… mình sẽ nghỉ học luật ngay lập tức”.
Khi nỗi sợ âm thầm dẫn dắt suy luận
Trong câu chuyện trên, luận điểm “tôi đã chọn ngành này vì bản thân mình” dường như đã dẫn Amy đến kết luận “tôi tiếp tục học ngành luật”. Nhưng thật ra, kết luận đó mới là thứ đã âm thầm dẫn dắt luận điểm của cô – ngay từ ban đầu. Đây là ví dụ điển hình của lỗi tư duy phổ biến: vô thức lựa chọn lập luận dẫn đến kết luận mà ta mong muốn.
Diễn giả, tác giả Julia Galef và cũng là người dẫn chương trình podcast Rationally Speaking đã làm việc hàng chục năm để tìm hiểu về cách con người lập luận, tư duy, nhìn nhận mọi việc, và đúc kết trong cuốn sách Tư duy truy tìm sự thật
Lỗi tư duy được Julia chủ yếu đặt vấn đề trong tác phẩm là kết luận dẫn dắt lập luận, và con người thường ngầm mong muốn các kết luận giúp né tránh sự bất an. Như trường hợp của Amy, lập luận “tôi đã chọn ngành này vì bản thân mình” có thể xuất phát từ cảm giác sợ hãi về xáo trộn khi cô chọn thành thật với chính mình, tức từ bỏ học luật và định hướng lại toàn bộ tương lai.
Hơn ai hết, Julia nhận ra những hiện diện đời thường của lỗi tư duy này từ chính bản thân mình. “Khi biết mình sắp hết tiền, tôi sẽ cố không nhìn vào số dư tài khoản trên biên lai rút tiền. Khi nghĩ ai đó có thể đang khó chịu vì mình, tôi sẽ tránh hỏi họ về chuyện đó”, nữ tác giả bộc bạch ngay từ đầu cuốn sách.
Nỗi sợ, xét rộng hơn, có thể đến từ việc phải chấp nhận quan điểm, niềm tin đối nghịch với điều bạn tin tưởng hay từng tuyên bố; thừa nhận sai lầm của bản thân; đón nhận những ý kiến đi ngược lại bản sắc, cái tôi, nhóm hay cộng đồng mà bạn thuộc về.
Điều đáng sợ hơn cả, theo Julia, là tính vô thức của lỗi tư duy này. Chúng ta dường như cố gắng khách quan và hợp lý trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, như Julia chỉ ra trong sách, ta chỉ thường chọn một trong rất nhiều lựa chọn “trông có vẻ khách quan” mà thôi: chọn lắng nghe những nguồn tin mình muốn tin, đặt những câu hỏi theo cách dễ nhận được những câu trả lời mình mong muốn…
Nỗi sợ cần được làm chủ
Bên cạnh việc phân tích nguyên nhân và cơ chế của lối tư duy “tự lừa dối bản thân” này, Tư duy truy tìm sự thật còn có nhiều ví dụ về ảnh hưởng của nó – từ đời sống thường nhật đến các quyết định quan trọng, từ quy mô cá nhân đến các ngành nghề, xã hội, như những kiên trì mù quáng của các nhà khởi nghiệp, kết luận đầy thiên kiến của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia dự báo, hay quyết định tiếp tục cuộc chiến tranh Việt Nam của cựu tổng thống Mỹ Lyndon Johnson.
Để nhận biết liệu mình có đang tự lừa dối bản thân hay không, tác giả đưa ra trong cuốn sách những cách để tự “phát giác”, như thực hiện các thí nghiệm tưởng tượng. Đây chính là cách mà một người bạn đã giúp cô sinh viên ngành luật Amy nhận ra sự tự lừa dối của mình.
Trong sách, tác giả đề xuất bạn đọc thử nhiều kiểu thí nghiệm khác: tưởng tượng một người khác sẽ làm gì nếu bị đặt vào tình huống của bạn; hoặc quan điểm của bạn sẽ khác đi thế nào nếu một người có ảnh hưởng đối với bạn thay đổi quan điểm…
Nhưng phần ấn tượng nhất của cuốn sách lại nằm ở mối liên hệ chặt chẽ giữa tư duy với kỹ năng làm chủ cảm xúc của con người. Julia Galef cho rằng kỹ năng làm chủ là chìa khóa – khi ta làm chủ nỗi sợ, ta không còn để nỗi sợ dẫn dắt suy luận.
Những con người ấy có lối tư duy được Julia Galef ví như “tư duy trinh sát”: bất chấp thuộc về phe nào, bất chấp mong muốn thắng ra sao, bất chấp sự thật có thể làm tổn thương “phe mình” thế nào, họ vẫn truy tìm thông tin, chứng cứ và lập luận để hướng tới “tấm bản đồ” sự thật.
Bên cạnh một ý tưởng đột phá và có liên hệ với số đông độc giả, Tư duy truy tìm sự thật còn hấp dẫn bởi cách triển khai chặt chẽ cùng lối kể chuyện lôi cuốn. Sách được đánh giá sánh ngang với những tác phẩm phi hư cấu về tư duy và các bẫy nhận thức nổi bật trong vòng 20 năm qua, như Tư duy nhanh và chậm của Daniel Kahneman, hay Thiên nga đen của Nassim Nicholas Taleb…
Đây là tác phẩm phải đọc đối với những ai trân trọng sự thật trong cuộc sống cá nhân lẫn đời sống xã hội – một giá trị đòi hỏi nhiều dũng cảm để theo đuổi, đồng thời rất đáng tưởng thưởng và có lẽ là không có điểm kết.