Tư duy truy tìm sự thật - Hiệu ứng tâm lý hồ Wobegon

Quin07/07/2023 08:00
Tư duy truy tìm sự thật - Hiệu ứng tâm lý hồ Wobegon

“Chúng ta phải hiểu rằng người có tâm trí ‘khỏe mạnh’ không phải là người nhìn nhận sự việc đúng với bản chất của nó, mà là người nhìn nhận sự việc theo ý của họ" - Shelley Taylor

Trong cuộc sống, sức khỏe của chúng ta liên tục bị đe dọa bởi các mầm bệnh có trong không khí, trên những món đồ ta chạm vào, hay trong thực phẩm và đồ uống của ta. Lý do duy nhất chúng ta còn tồn tại là chúng ta có một hệ miễn dịch vô cùng nhạy để chống lại các tác nhân gây bệnh đó.

Một số nhà tâm lý học tin rằng ngoài hệ miễn dịch nói trên, chúng ta còn có hệ miễn dịch tâm lý. Trong cuộc sống, bản sắc cá nhân và cảm giác hạnh phúc của chúng ta luôn bị đe dọa bởi những thất bại và nỗi thất vọng của chính mình, bởi sự vượt trội của những người khác, bởi những lời chỉ trích và nhiều thứ khác nữa.

Theo giả thuyết này thì lý do duy nhất chúng ta không gục ngã trong nỗi thất vọng ê chề là vì ta có một hệ miễn dịch tâm lý. Hệ miễn dịch này liên tục thực hiện đủ loại mánh khóe cũng như những điều chỉnh tinh vi để bảo vệ tâm lý chúng ta khỏi các mối đe dọa kể trên.

Chúng ta thường tự đề cao bản thân. Hiện tượng tự đề cao này được gọi là “Hiệu ứng Hồ Wobegon”, theo đó mọi người đều tự cho rằng mình tốt trên mức trung bình. Chúng ta nghĩ mình thông minh hơn, trung thực hơn, hòa đồng với mọi người hơn, có tay lái cứng hơn (thậm chí những người phải nhập viện vì tai nạn giao thông do chính họ gây ra cũng tự nhận là tay lái trên-mức-trung-bình).

Chúng ta không thích thừa nhận mình sai, ngay cả với bản thân chúng ta, vì điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh một người thông minh và tài giỏi mà chúng ta nhìn nhận về chính mình. Thế nên khi làm hỏng việc, chúng ta luôn có cách để biện minh rằng lý do hỏng việc không “thật sự” là do lỗi của mình. Tương tự, khi đưa ra một dự đoán không chính xác, chúng ta luôn có cách lý luận để chứng minh mình không “thật sự” sai, chẳng hạn như “Dự đoán của mình lẽ ra đã chính xác nếu không có chuyện như thế xảy ra, mà mình đâu thể nào tính trước hết mấy chuyện đó được, vậy nên…”.

Chúng ta lạc quan thái quá về tương lai. Chúng ta đánh giá cao khả năng thành công của mình, nhưng lại không ước lượng được thời gian ta cần để hoàn thành kế hoạch và không lường trước được những rủi ro mà mình có thể gặp phải.

Vậy nếu kết quả ta nhận được trái ngược với những kỳ vọng lạc quan của chúng ta thì sao? Khi đó chúng ta sẽ tự bào chữa. Chúng ta đổ lỗi cho những yếu tố khách quan như vận rủi khi thất bại và nhận công lao về mình khi thành công. Hoặc như con cáo trong truyện ngụ ngôn Aesop, chúng ta sẽ kết luận rằng những chùm nho mình không hái được dù sao cũng vẫn còn xanh và chua.

Shelley Taylor - một trong những nhà tâm lý học hàng đầu ủng hộ giả thuyết này - nhận định: “Chúng ta phải hiểu rằng người có tâm trí ‘khỏe mạnh’ không phải là người nhìn nhận sự việc đúng với bản chất của nó, mà là người nhìn nhận sự việc theo ý của họ”.

Tư duy truy tìm sự thật cuốn sách về tư duy xác đáng, không định kiến của nữ tác giả Julia Galef. Trong sách, Julia phân tích các “bẫy tư duy” mà nhiều người mắc phải: bóp méo hoặc vô thức chọn lọc thông tin, thiên kiến cá nhân, tinh thần bè phái… (những hành vi cô gọi chung là “tư duy chiến binh”). Bên cạnh đó, Julia gọi tên lối tư duy hướng về sự thật là “tư duy trinh sát”. Từ đó hướng dẫn bạn cách vượt lên trên mọi thiên kiến và động cơ, để “nhìn nhận thế giới như đúng bản chất của nó” và đưa ra nhận định xác đáng trong mọi tình huống và vấn đề.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024