Sao Việt “vấp ngã” ngay trên sân chơi mình lựa chọn
Vụ việc lùm xùm giữa Hoa hậu Chuyển giới Hương Giang với anti-fan vừa qua đã mở ra rất nhiều câu chuyện. Chuyện về cách ứng xử của sao Việt với những người “anti” mình. Chuyện về “quyền năng ngầm” của các anti-fan trong việc “nắn chỉnh” sao Việt khi họ lệch đường. Chuyện về thái độ “nhận lỗi” và nói lời “xin lỗi” của sao Việt khi “vấp ngã”.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng truyền hình thực tế đã góp phần không nhỏ khiến sao Việt có những “vấp ngã”. Điều đó liệu có đúng?
Theo nhìn nhận của nhiều người, Hương Giang bị “anti” bởi rất nhiều lý do. Nhưng lý do chính khiến cô bị gán danh hiệu “nữ hoàng đạo lý” là vì cô xuất hiện quá dày đặc trên sóng truyền hình và liên tục lên giọng dạy dỗ đồng nghiệp, giới truyền thông, khán giả... về tất cả mọi thứ, dù so về tuổi đời và kinh nghiệm sống thì chưa quá dày dặn. Ngoài ra, cũng trên truyền hình thực tế, cô đã đụng độ với rất nhiều các nghệ sĩ khác như: nghệ sĩ Trung Dân, ca sĩ Tim, người mẫu Trang Trần...
Điều đáng nói là mặc dù biết rõ mười mươi người đẹp chuyển giới đang bị khán giả chỉ trích nhưng nhiều chương trình truyền hình thực tế vẫn cố tình để cô tạo trò trên sóng truyền hình. Thậm chí, một số chương trình còn cố tình xoáy vào những phát ngôn gây tranh cãi của Hương Giang để tạo “drama”.
Còn nhớ, thời điểm mới lên sóng, hai vị giám khảo Nam trung và Võ Hoàng Yến của chương trình Vietnam’s Next top Model đã khiến không ít khán giả phải chỉ trích thậm tệ vì những màn tranh cãi, chửi bới, mạt sát lẫn nhau như ngoài chợ... Thậm chí, đã xuất hiện một làn sóng “tẩy chay” hết sức mạnh mẽ.
Tuy nhiên, ở những mùa sau, các nhân vật này vẫn nghiễm nhiên lặp lại những trò cũ trong chương trình. Có người lên tiếng chỉ ra rằng, hai nhân vật này thực ra cũng chỉ làm theo format của chương trình và mục đích chính là tạo chiêu trò để hút khán giả.
Riêng Trường Giang và Trấn Thành thì đã vô số lần bị chỉ trích kém duyên, quá lố hoặc có những lời nói động chạm đến tình cảm riêng tư của nhiều nghệ sĩ. Sự thể hiện thái quá ở vị trí dẫn chương trình của hai nam diễn viên đã khiến khán giả khó chịu ra mặt và nhiều lần yêu cầu nhà sản xuất đổi người dẫn phù hợp hơn. Dẫu vậy, sau đó, hai diễn viên này vẫn tiếp tục phủ sóng trên rất nhiều chương trình truyền hình thực tế khác.
Nghệ sĩ thời công nghệ số cần tính toán cho mỗi lần xuất hiện
Vẫn biết rằng, truyền hình thực tế với nghệ sĩ luôn tồn tại mối quan hệ “cộng sinh”. Truyền hình thực tế mang đến cho nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ trẻ rất nhiều cơ hội: sự nổi tiếng, sân chơi, tiền bạc... Nghệ sĩ cũng mang đến cho truyền hình thực tế những màu sắc mới mẻ và thú vị để kéo khán giả.
Nhưng một chương trình truyền hình thực tế văn minh là phải có sự tôn trọng khán giả và mang đến những giá trị giải trí lành mạnh. Bởi chỉ có như thế, các chương trình này mới không tiếp tay cho các nghệ sĩ làm trò và càng không lợi dụng nghệ sĩ để hút khách bằng mọi cách.
Bản thân Hương Giang cũng khẳng định, cô không cố tình rao giảng đạo lý trên truyền hình mà tuân thủ theo format (kịch bản) của chương trình. Tức là trong một chương trình sẽ có người được “phân vai” nói ít, nói nhiều, người giản dị, người cầu kỳ, người đóng vai thiện, người đóng vai ác...
Trường Giang và Trấn Thành cũng nhiều lần thừa nhận, có những chương trình, chính họ phải “làm tròn vai theo format”. Và khi “trượt dài” theo cuộc chơi, đôi khi họ cũng không thể kiểm soát được chính mình.
Đạo diễn Nguyễn Công Vượng cho rằng, rất khó để yêu cầu các chương trình truyền hình thực tế không được tạo chiêu trò nhưng chiêu trò cũng phải có giới hạn. Việc đẩy các nghệ sĩ vào “drama” hoặc tiếp tay cho nghệ sĩ tạo scandal là lỗi lớn của truyền hình thực tế.
“Dĩ nhiên, nghệ sĩ không dại khờ tới mức không nhận biết được mình đang làm gì. Nên mới có những nghệ sĩ tình nguyện làm “con rối” cho cuộc chơi của truyền hình thực tế. Nhưng cũng có những nghệ sĩ bị sa vào "mê hồn trận" của truyền hình thực tế dẫn đến mất kiểm soát. Và đó là lý do vì sao ngày càng có nhiều nghệ sĩ “vấp ngã” ngay trên những sân chơi mà họ lựa chọn”, đạo diễn Nguyễn Công Vượng nói.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cũng cho rằng, truyền hình thực tế bản chất là một chương trình được lên khung kịch bản từ trước nhưng vẫn chừa lại không gian để nghệ sĩ tự do tương tác. Hay nói cách khác, tính thực tế của chương trình vốn đã nằm trong một đường biên kẻ trước. Vì thế, việc tự chủ của nghệ sĩ cũng có giới hạn. Bản chất họ đã được “phân vai” để tạo kịch tính, cao trào, “drama” nhằm thu hút người xem.
“Nếu như trong các hoạt động nghệ thuật bình thường, nghệ sĩ thường phải rất cẩn trọng thì ở các chương trình thực tế họ lại tự do thể hiện cái tôi, thậm chí còn bị “biên tập” để bộc lộ đậm nét cái tôi nhằm thu hút người xem nhiều hơn nữa. Tôi nghĩ đó là cái bẫy mà nếu không tỉnh táo, nghệ sỹ dễ làm mất hình ảnh trong mắt công chúng.
Tuy nhiên, nói đi cũng cần nói lại, rằng không ai, không một nhà sản xuất nào bắt ép nghệ sĩ tham gia các chương trình thực tế được nếu bản thân nghệ sĩ không “gật đầu”. Thế nên nếu vấp ngã hoặc trượt dài thì cũng chỉ là hệ quả từ quyết định trước đó của nghệ sĩ chứ không thể đổ lỗi hoàn toàn cho bản thân truyền hình thực tế được”, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long nói thêm.