Theo tiến sĩ Yaniv Zaid - một luật sư, nhà kinh tế học và tác giả sách bán chạy - cho biết đa phần những người áp dụng tiếp thị trực tuyến đều không thật sự kiếm được nhiều tiền, một vài người thậm chí không lấy lại được khoản đầu tư ban đầu. Nguyên nhân chủ yếu là vì họ không biết cách bán hàng, không tìm hiểu về các chiến lược tiếp thị, chọn phân khúc thị trường, xác định khách hàng mục tiêu…
Khi bắt đầu tiếp thị trực tuyến, họ ngay lập tức tìm đến những mối quan hệ trước mắt: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng… Vì đây là những người họ dễ tiếp cận nhất, ngay cả khi sản phẩm của họ chẳng lề liên quan đến nhu cầu của phần lớn những người này. Nhưng đây cũng chính là sai lầm dẫn đến thất bại. Bởi lẽ, thứ nhất, họ sẽ bán được rất ít hoặc hầu như không bán được hàng. Thứ hai, họ có thể đánh mất những mối quan hệ gần gũi khi cố thúc ép mọi người mua hàng.
Như Yaniv Zaid đã lý giải, hầu hết mọi người thích thú với việc mua sắm, nhưng họ không thích bị chào mời hoặc bị thúc ép mua bất cứ thứ gì. Do vậy, khi tiếp thị, bạn cần khéo léo đưa thông điệp của mình vào những câu chuyện và khiến khách hàng cảm thấy họ mới là người quyết định mua sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn hay không.
Trong cuốn sách “Thánh kinh marketing”, Yaniv Zaid đưa ra lời khuyên rằng đừng chào bán tất cả sản phẩm và dịch vụ của bạn cho tất cả khách hàng. Thay vào đó, hãy phân loại khách hàng dựa trên thói quen mua sắm và tiêu dùng của họ liên quan đến sản phẩm hay dịch vụ của bạn, và chào bán cho mỗi khách hàng sản phẩm hay dịch vụ phù hợp nhất với sở thích và nhu cầu của họ. Đó chính là cách bạn có thể gia tăng đáng kể tỷ lệ chuyển đổi và do đó, tăng lợi nhuận.
“Bạn phải lắng nghe khách hàng dù họ tìm đến bạn hay bạn là người tiếp cận họ – bạn phải thật sự lắng nghe. Bạn phải đưa ra những câu hỏi “thẳng thắn”, những câu hỏi định hướng cho khách hàng để khuyến khích họ chia sẻ. Bạn phải thật sự hiểu điều gì đang khiến họ bận tâm và họ thật sự cần gì. Chỉ sau khi đã ghi nhận mọi thông tin, đã hiểu khách hàng và xác định được vấn đề cũng như nhu cầu của họ – chúng ta sẽ cho họ thấy sản phẩm hay dịch vụ của chúng ta là giải pháp cho vấn đề của họ, đáp ứng nhu cầu của họ, là miếng băng gạc cho chỗ đau của họ như thế nào” - tác giả chia sẻ.
Nên nhớ, nguyên tắc cơ bản trong marketing là “bán vấn đề trước khi bán giải pháp”. Nếu bạn có thể trả lời cho câu hỏi “Lý do thật sự khiến người ta mua sản phẩm và dịch vụ của tôi là gì?” thì bạn sẽ hiểu được cách bán bất cứ sản phẩm hay dịch vụ nào – kể cả khi nó có vẻ kỳ quặc hay lố bịch.