1) Có đúng là tâm tư nguyện vọng của người dân?
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng “Quyết định tặng quà lần này tiếp nối truyền thống, suy nghĩ, tình cảm, cách làm đó là từ tâm tư nguyện vọng của người người dân, chứ không phải từ một cá nhân ai”.
Không từ một cá nhân nào thì chắc đúng, vì việc này phải do nhóm, một cá nhân khó thể làm. Nhưng “từ tâm tư nguyện vọng của người người dân” thì khó tin được. Câu này không có ý nói ông Bình nói sai sự thật, nhưng nói cách làm việc thiếu cơ sở để tin.
Ông dùng cách gì lấy ý kiến của dân để biết tâm tư nguyện vọng của họ? Số dân ông nói thuộc thành phần nào? Có đủ rộng và đủ lớn để bảo đảm tính đại diện cho dân Hải Phòng hay không? Việc hỏi ý kiến và thu thập kết quả có được tiến hành bởi một bên thứ ba không? Có công khai minh bạch không?... Nói chung, có rất nhiều lý do để người dân khó mà tin lời nói của ông Phó chủ tịch Bình.
2) Có chắc không bị lợi dụng để tham ô?
Trả lời câu hỏi có “dễ bị lợi dụng để tham ô”, ông Bình khẳng định:
“Chúng tôi có nghiên cứu, tổng kết, nhìn nhận cả một quá trình. Trên cơ sở tham mưu của các cơ quan chuyên môn, Thường vụ Thành ủy đã thảo luận rất nghiêm túc, rồi UBND trình HĐND thành phố thông qua. Đây chính là thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố. Mặt chủ trương và pháp lý là nghiêm túc và đầy đủ”.
“Mặt chủ trương và pháp lý là nghiêm túc và đầy đủ” không thể bảo đảm không bị lợi dụng để tham ô. Hãy nghe lại lời bào chữa của các bị cáo "củi to củi nhỏ" để thấy đúng quy trình và đúng pháp lý thường được dùng như tấm bình phong che chắn cho hành vi lợi dụng để tham nhũng. Những dòng này không có ý nói các vị đưa ra chủ trương này tham nhũng, mà nói lập luận của ông Bình không có cơ sở, lập luận này đã được thực tiễn bác bỏ nhiều lần.
3) Sao cứ tạo mối hồ nghi?
Các nước giàu có, khi ngân sách thặng dư thì tặng tiền cho dân chúng. Singapore, Hồng Kông… Mỗi người dân nhận một số tiền được công bố minh bạch.
Rất nhiều điều tiếng trong dân đồn đoán nhau coi nếu mua ấm chén thì các vị chủ trương bỏ túi được bao nhiêu chục phần trăm của số tiền 269 tỉ đó. Các vị chủ trương có nghe điều tiếng đó chưa? Nếu chưa, xin các vị chịu khó gần dân, vi hành lặng lẽ để nghe người ta bàn tán quanh bàn cà-phê, khi trà dư tửu hậu…
Bài viết này không quan tâm tới các điều tiếng đó đúng sự thật hay không, chỉ thấy niềm tin trong xã hội Việt Nam hình như không còn nhiều. Đau lắm các vị ơi, đau cho xã hội, cho dân chúng và cho các hệ thống công quyền của Việt Nam nữa.
Người xưa có dặn dò đi ngang dưới cây mận không nên đưa tay lên sửa mũ, sợ người ta nghi mình bẻ trộm mận. Đi ngang vườn dưa không nên cúi xuống sửa giày, sợ người ta nghi mình trộm dưa. Người quang minh chính đại luôn tránh làm các việc khiến người ta nghi ngờ. Không chỉ để mình được tiếng trong sạch, mà còn để người thanh thản không vướng điều ngờ vực.
Trong hoàn cảnh xã hội thiếu niềm tin, người có trọng trách càng có trách nhiệm xây dựng lại niềm tin bằng các việc công khai, minh bạch. Để kết nối tạo sức mạnh quốc gia. Cớ sao hết chuyện này tới chuyện kia, chỉ khiến lòng người thêm hồ nghi?
269 tỉ kia, nếu tặng cho 60 vạn hộ dân, mỗi hộ được khoảng 500 ngàn đồng Việt Nam. Có thương dân hơn, cứ gởi mỗi hộ 500 ngàn để dân tùy nghi sử dụng. 500 ngàn là số tiền khá lớn đối với người dân làm ăn lương thiện. Tiền này của dân, xài dư thì trả lại dân chứ có phải cho dân đâu. Cứ trả tiền cho dân, mua sắm chi mấy thứ chưa chắc dân cần.
Xã hội con người chứ có phải doanh trại rô-bô hay sinh vật nhân giống đơn tính đâu mà một người thích bộ ấm chén là trăm vạn người phải thích như nhau? Trả tiền cho dân, có phải dân vui hơn không? Có phải dân an tâm vì tin rằng tiền của mình không bị ăn chặn không, không bị kê giá không? Như vậy, dân vừa vui, vừa tin. Chuyện có lợi, đơn giản và minh bạch vậy, sao không làm?
Nếu cứ để dân thắc mắc, e niềm vui chưa tới đã chuốc sự bất bình. Xã hội càng chia rẽ giữa dân, người làm ra tiền của, với những người công bộc của dân nhưng có quyền xài tiền dân mà người dân không biết xài vào việc gì hay xài theo cách nào. Hoặc dân biết, nhưng chỉ biết khi được thông báo sự đã rồi chứ không phải được hỏi ý kiến.
Sự chia rẽ có là nguyên nhân quan trọng khiến Việt Nam cứ lẩn quẩn trong vòng chậm tiến và bị đe dọa về lãnh thổ?
Lê Học Lãnh Vân