Đó cũng chính là lời Winston Churchill đã nói khi phải làm việc 18 giờ mỗi ngày trong thời kỳ cao điểm của Thế chiến thứ hai. Lúc được hỏi ông có lo lắng về trọng trách to lớn mà mình đang đảm nhiệm không, Churchill đã trả lời: “Tôi quá bận rộn nên không có thời gian để lo lắng về chuyện ấy”.
Giống như Winston Churchill, trong quá trình nghiên cứu để phát minh bộ khởi động tự động dùng cho ô-tô, Charles Kettering cũng miệt mài làm việc đến mức không còn thời gian lo lắng. Lúc ấy, ông nghèo đến nỗi phải lấy gác xép trong kho chứa cỏ khô làm phòng thí nghiệm và dùng 1.500 đô-la vợ ông dành dụm từ thù lao dạy đàn piano của bà để mua sắm dụng cụ nghiên cứu. Sau đó ông còn phải mượn thêm 500 đô-la từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của mình. Tôi hỏi vợ ông rằng khi đó bà có lo lắng hay không. Bà trả lời: “Có chứ, tôi lo đến mất ngủ; nhưng ông Kettering thì không. Ông ấy quá mải mê với công việc đến nỗi không còn thời gian để lo lắng nữa”.
Nhà khoa học vĩ đại Pasteur có nói về “sự thanh thản trong thư viện và phòng thí nghiệm”. Tại sao lại tìm được sự thanh thản ở những nơi đó? Vì người làm việc trong thư viện và phòng thí nghiệm luôn miệt mài nghiên cứu khoa học và không còn tâm trí để lo lắng về những vấn đề cá nhân của mình. Họ hiếm khi bị suy sụp tinh thần bởi không có thời gian để phung phí cho việc lo nghĩ.
Tại sao việc đơn giản giữ cho mình luôn bận rộn lại có thể xua tan nỗi lo lắng? Các nhà tâm lý có thể lý giải điều này dựa trên một quy luật cơ bản nhất của tâm lý học: Một người dù thông minh đến mấy cũng không thể đồng thời nghĩ đến hai điều. Không thể cùng một lúc vừa hăng hái và nhiệt tình làm một việc gì đó vừa cảm thấy lo lắng bất an. Trạng thái cảm xúc này sẽ loại bỏ trạng thái cảm xúc kia.
Chính phát hiện đơn giản đó đã giúp các bác sĩ tâm thần đạt được những kết quả kỳ diệu trong việc chữa trị cho các quân nhân bị rối loạn thần kinh sau Thế chiến thứ hai. Nhiều người lính bước ra khỏi cuộc chiến mà vẫn bị ám ảnh vì những gì đã trải qua, và họ đã được các bác sĩ chữa trị bằng toa thuốc: “Bận rộn liên tục”. Từng phút trong ngày của những bệnh nhân này được sắp xếp kín các hoạt động – thường là các hoạt động ngoài trời như: câu cá, săn bắn, chơi bóng, chơi golf, chụp ảnh, làm vườn, khiêu vũ… để họ không còn thời gian rỗi mà nhớ lại sự kinh hoàng của chiến tranh.
Ngày nay, thuật ngữ “liệu pháp lao động” được dùng trong tâm thần học để chỉ việc sử dụng lao động như một phương pháp chữa bệnh. Đây không phải là một phương pháp mới mẻ gì. Nó đã được các thầy thuốc Hy Lạp cổ đại sử dụng từ 500 năm trước Công nguyên.
“Quẳng gánh lo đi và vui sống”: Cuốn sách kinh điển đã được tái bản gần 40 lần tại Việt Nam, hàm chứa những ý tưởng tuyệt vời giúp bạn sống thanh thản và hạnh phúc.